23/10/2021 12:08 GMT+7

'Soi gương, thương mình'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Đứng trước gương ngắm nhìn 'đứa trẻ bên trong', chúng ta có thể buông bỏ những lớp mặt nạ bảo vệ. Vòng tay ôm lấy chính mình, dịu dàng và hào phóng nói lời yêu thương dành tặng bản thân.

Soi gương, thương mình - Ảnh 1.

Hành trình 21 ngày "Soi gương, thương mình" giúp mỗi người tự chữa lành "đứa trẻ bên trong" - Ảnh: HÀ THANH

Gần 100 phụ huynh, giáo viên cùng các bạn trẻ vừa tham gia hành trình 21 ngày "Soi gương, thương mình". 

Đều đặn mỗi ngày từ 5h30, các mẹ, các chị, các em và cả các anh đứng trước gương, nhìn sâu vào đôi mắt mình và tập nói lời yêu thương với chính mình, dù đôi lúc còn ngượng nghịu, bối rối.

"Nhiều tin nhắn của phụ huynh gửi đến trong mùa dịch nói rằng cảm thấy bế tắc, áp lực, căng thẳng và họ trút giận lên con cái. Còn giáo viên đối diện với mất việc, nhớ học sinh, nhớ trường lớp, rơi vào trạng thái hoang mang. 

Khóa học như là sự khởi đầu gieo mầm xanh yêu thương vào trái tim để mỗi người tin vào tình yêu vô điều kiện, tin vào mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời - mối quan hệ với chính mình" - chị Trần Thị Lệ Hằng, chuyên gia tại tổ chức Points Of You toàn cầu, chia sẻ ý tưởng tổ chức hành trình 21 ngày "Soi gương, thương mình" theo phương pháp chữa lành nỗi đau của tác giả Louise L.Hay.

Nói lời yêu với "đứa trẻ bên trong"

"Mình là giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp, là mẹ của 3 con. Chắc đã quá lâu rồi mình không có thời gian cho bản thân. Mình muốn tìm kiếm sự cân bằng, yêu thương mình để bao dung hơn với mọi người" - ngày đầu tiên chị P.A cũng như rất nhiều học viên khác đã rất khó khăn để bắt đầu vì phải đối diện với áp lực, căng thẳng trong những ngày giãn cách xã hội.

Với các bạn trẻ trong mùa dịch mà công việc bị ngưng trệ, định dạng "tôi là ai?" bị đứt gãy khiến họ bế tắc. Bước đến hành trình 21 ngày, mỗi ngày họ quay về với "đứa trẻ bên trong", gỡ dần những lớp mặt nạ, gỡ tấm khiên bảo vệ tưởng chừng chắc chắn để kết nối với "cái tôi" chân thật.

Bằng cách soi gương mỗi ngày, mỗi người tập nói lời yêu bản thân, theo dõi tự thoại trong đầu, buông bỏ đi quá khứ và xây dựng lòng tự trọng. Họ giải phóng những chỉ trích tiêu cực về bản thân, nói lời yêu với "đứa trẻ bên trong". 

Họ cùng nhau vượt qua sự giận dữ, sợ hãi, biết tha thứ cho bản thân và những người làm mình tổn thương, từ đó chữa lành các mối quan hệ để sống một cuộc đời tự do.

"Nếu soi gương để trang điểm là việc mình che khuyết điểm thì ở "Soi gương, thương mình", chúng ta được nhìn thấy bản thân sau bao lớp make up, chúng ta được nhìn thấy mình như mình chính là" - chị Lệ Hằng chia sẻ.

Buông tảng đá đè nặng bấy lâu

Soi gương, thương mình - Ảnh 2.
Chữa lành không phải là hành trình lục vết quá khứ, tìm về những nỗi đau và sống cùng những ký ức đau buồn. Bạn vẫn có thể tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống mới, hạnh phúc với phút giây hiện tại, song song với việc từ từ hàn gắn những tổn thương còn đâu đó bên trong mình. Hành trình chữa lành luôn cần thời gian cho những chuyển hóa tích cực - Ảnh: KỶ LUẬT YÊU THƯƠNG

"Tôi đang thấy tôi né tránh", "tôi thấy mình đau quá", "tôi tổn thương" - những câu nói khó khăn trong những ngày đầu tham gia hành trình dần được thay thế bằng những lời lấp lánh yêu thương: "trái tim được xoa dịu", "cảm ơn tôi đã thương tôi", "đứa trẻ ấy thật xinh đẹp".

Gạt bỏ mọi bận rộn, lắng lo thường nhật, mỗi sáng các học viên thức dậy thật sớm dành thời gian yêu thương bản thân. Hào phóng vòng tay ra ôm lấy chính mình, hào phóng dành tặng cho bản thân chỉ 5 phút thiền định trong tiếng nhạc du dương, hình thành thói quen viết nhật ký và đặc biệt hào phóng dành tặng lời yêu thương với "đứa trẻ bên trong". 

Mỗi ngày tập "Soi gương, thương mình" sẽ giúp mỗi người từ từ gỡ nhẹ nhàng từng lớp vỏ bọc, buông bỏ tảng đá đè nặng bấy lâu trong tâm hồn.

"Chúng tôi mời gọi các bạn làm cho những sứ giả bên trong mình bất ngờ. Thay vì những thông điệp cũ thì chúng ta gửi đến những thông điệp mới. Hãy chấp nhận, dịu dàng và hào phóng với chính mình. Hãy ngưng phán xét chính mình, ngưng thông điệp tiêu cực và tôn trọng mình thực sự là ai, tôn trọng mình khác biệt" - chị Hằng bày tỏ.

Có thể trên hành trình chữa lành, đâu đó sẽ có những câu hỏi, tiếng nói dấy lên bên trong một lần nữa đưa chúng ta đối diện với nỗi đau. Khi đó hãy chậm lại, lắng nghe. Chỉ cần nhận ra "tôi đang đau đáu điều gì, đang tìm kiếm điều gì", bạn hãy cứ lần bước đi theo, nút thắt sẽ dần được mở ra.

Một phần của quy trình chữa lành: Lắng nghe vô điều kiện

"Hồi trước ở văn phòng riêng, mỗi một lần có ai gõ cửa bước vào đều mong muốn tôi cho họ lời khuyên. Nhưng điều tôi mong muốn là khi bước ra khỏi cánh cửa đó, họ nhận ra bản thân làm được và tin vào chính mình.

Khi lắng nghe ai đó tâm sự, tôi không đặt mục tiêu rằng mình phải có lời giải đáp, mà tôi cứ lắng nghe. Bởi trong lúc bế tắc, điều người ta cần nhất là lắng nghe" - chị Lệ Hằng nói.

"Soi gương, thương mình" là một trong số những hoạt động không thu phí, với tinh thần "Pay it Forward" nhằm hỗ trợ tâm lý cộng đồng trong giai đoạn giãn cách xã hội.

3 cuốn sách chữa lành 3 cuốn sách chữa lành 'đứa trẻ' bên trong bạn

TTO - Tìm về đứa trẻ bên trong là chữa lành những tổn thương tâm lý ở tuổi thơ hoặc quá trình lớn lên. Những tổn thương này đeo đuổi, ảnh hưởng tới cách mà con người cảm nhận mọi thứ về thế giới, và nặng nề hơn là sức khỏe tâm thần của mỗi người.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên