09/12/2021 09:31 GMT+7

Khám phá để hiểu mình nhiều hơn

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Rối loạn lo âu, mất trí nhớ tạm thời, stress, trầm cảm… là những biểu hiện dễ thấy ở người trẻ hiện nay mà các chuyên gia cảnh báo chớ xem thường.

Khám phá để hiểu mình nhiều hơn - Ảnh 1.

Tham gia vui chơi giải trí, thư giãn là cách rèn luyện để có trạng thái sức khỏe tâm thần tốt - Ảnh: Q.L.

Nhiều ca bệnh tìm đến bác sĩ tâm thần hiện nay là các bạn trẻ. Có những trường hợp mới có biểu hiện bệnh nhưng không ít ca cần can thiệp điều trị bằng thuốc.

Cuộc trò chuyện cùng thạc sĩ - bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nghĩa (đơn vị tâm lý tâm thần, khoa nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) bắt đầu bằng khái niệm sức khỏe tâm thần vốn không mới nhưng không phải ai cũng biết.

Anh nói: "Ai cũng có nguy cơ và hoàn toàn có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần mà trước giờ người ta quen gọi là sức khỏe tinh thần. Thường gặp nhất là stress trong cuộc sống lâu ngày sẽ đẩy tới trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí dẫn tới tự sát".

Lời cảnh báo với người trẻ

* Đâu là nguyên nhân có thể dẫn tới nguy cơ này, thưa bác sĩ?

- Nếu trong gene - gia đình sẵn có cũng sẽ dễ phát sinh hơn so với người khác. Hoặc do ảnh hưởng của nội tiết tố, tuổi dậy thì, phụ nữ sẽ dễ có nguy cơ hơn.

Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, hô hấp, xương khớp... thường bị giới hạn khả năng vận động sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm, dễ stress hơn.

Rồi dịch bệnh COVID-19 thời gian qua cũng được xếp vào nhóm yếu tố nguy cơ làm người ta có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

* Thường người ta nói rằng người lớn tuổi, va chạm và áp lực cuộc sống nhiều mới dễ "có bệnh", liệu có phải như vậy?

- Đa phần các ca tôi gặp rơi vào người trẻ tuổi. Dưới góc nhìn y khoa, lứa tuổi khởi phát bệnh lý về sức khỏe tâm thần lại nằm trong độ tuổi 20 trở đi. Cuộc sống hôm nay có nhiều áp lực đặt lên vai mọi người, trong đó có những bạn trẻ.

Có nhiều dấu hiệu khác nhau và với mỗi trường hợp biểu hiện cũng không giống nhau. Tuy nhiên, sẽ có mấy dấu hiệu chung nhất có thể thấy ở số đông các bạn trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Báo động đỏ chính là khi xuất hiện suy nghĩ về hành vi gây hại cho bản thân: dùng nhiều rượu bia, rạch tay, tự sát, không muốn sống nữa.

Có biểu hiện bị ảnh hưởng chức năng quan trọng trong đời sống xã hội như: học hành sa sút, công việc hay gặp sai sót, bị cảnh cáo, không tương tác với bạn bè xung quanh.

Thứ ba là cảm giác chủ quan về sự đau khổ, luôn thấy mình vô dụng trong cuộc sống, cảm giác tuyệt vọng về mọi thứ. Rồi rối loạn lo âu, có những chuyện không đáng cũng lo lắng, không thể bỏ qua một bên dù chỉ là chuyện nhỏ.

Khám phá để hiểu mình nhiều hơn - Ảnh 2.

Bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nghĩa - Ảnh: Q.L.

Học cách tự hiểu mình

* Phải chăng giới trẻ hiện nay đang sống "khổ" hơn nên mới vậy?

- Có những nguyên nhân về sinh học, tâm lý, xã hội như tôi đã chia sẻ ở trên và các bạn trẻ càng bị chi phối bởi cả ba điều ấy. Nếu bạn nào bị sang chấn tâm lý, bị mất mát về tinh thần thì càng dễ có bệnh. Song song đó là áp lực xã hội mà cái này thời nào, lúc nào cũng có, chỉ là mỗi giai đoạn mỗi khác.

Mạng xã hội cũng góp phần tạo nên các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở các bạn trẻ hiện nay. Khó phủ nhận rằng chính việc mỗi ngày dùng mạng xã hội nhiều quá khiến chúng ta bị ảnh hưởng không ít, tạo ra thứ áp lực tự so sánh.

Lên mạng, gặp hình ảnh người này đẹp, người kia giàu, các bạn trẻ, đặc biệt lứa tuổi học sinh, sinh viên rất dễ bị so sánh một cách tự nhiên rằng ta phải được như người nọ, giống người kia và vô tình tự tạo thành áp lực cho chính mình.

Người ta nói ngày trước đi học có khi chỉ bị so sánh với vài chục bạn trong lớp thôi, còn hôm nay có khi tự so sánh với hàng trăm, hàng ngàn người trên mạng, mà có những người không hề quen nhưng vẫn tự so sánh!

* Làm sao để nhận biết và cách nào giúp các bạn trẻ hạn chế thấp nhất những trục trặc về sức khỏe tâm thần?

- Hãy tìm hiểu và biết về sức khỏe tâm thần là gì trước đã. Tôi mong mỗi bạn trẻ dành thời gian quan tâm, để ý bản thân mình nhiều hơn. Để làm gì? Để có thể khám phá và hiểu về chính mình nhiều hơn.

Có nhiều giải pháp có thể hỗ trợ và tùy từng trường hợp cụ thể để chọn giải pháp nào là phù hợp nhất. Bác sĩ sẽ lắng nghe, chẩn đoán xác định vấn đề, có phác đồ điều trị và nếu cần phải dùng thuốc kèm theo tham vấn, trị liệu tâm lý của các nhà tâm lý.

Khi nhận ra bản thân có biểu hiện bất thường về mặt tinh thần, bạn đừng giấu giếm, hãy tìm đến chuyên gia. Điều này không phải là yếu đuối mà chính là lúc mình thật sự mạnh mẽ. Sẽ có những thang đo trắc nghiệm giúp bạn biết được mình đang ở mức độ bệnh lý như thế nào, nhẹ, trung bình, vừa hay không.

Cô đơn trong chính nhà mình

Những gia đình cha mẹ ly hôn, để con về sống với ông bà thì những bạn ấy thường có vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn bởi lứa tuổi cần được chia sẻ nhiều nhất thì bạn đã quen sống trong cô đơn rồi. Có bạn ngay khi sống cùng cha mẹ nhưng không có kết nối nào, không từng chia sẻ gì với chính cha mẹ mình, dần dà lâu ngày càng rơi vào trầm cảm nặng, cô đơn trong chính nhà mình và thực tế đã có bạn tự tìm đến cái chết.

Sự kỳ vọng quá nhiều từ cha mẹ, gia đình rất dễ tạo thành áp lực đè nặng trên vai con mà không phải ai cũng nhận ra. "Nhiều phụ huynh cứ nói không tạo áp lực gì hết nhưng chính việc bắt con phải làm thế này, không được làm thế kia, lối suy nghĩ con còn trẻ con thì biết gì mà ý kiến đã chính là sự áp đặt lên con mình rồi" - bác sĩ Nghĩa phân tích.

4 yếu tố dinh dưỡng, 4 khía cạnh tâm lý giúp cha mẹ và trẻ em vượt COVID-19 4 yếu tố dinh dưỡng, 4 khía cạnh tâm lý giúp cha mẹ và trẻ em vượt COVID-19

TTO - Các chuyên gia dinh dưỡng và tâm lý chia sẻ với phụ huynh 4 yếu tố về dinh dưỡng và 4 khía cạnh về mặt tâm lý giúp trẻ vượt qua trong giai đoạn COVID-19.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên