Phân biệt "đau khổ" và "sang chấn", tránh "thi vị hóa" các rối loạn tâm thần
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, chấn thương tâm lý (hay sang chấn tâm lý) là phản ứng cảm xúc trước một trải nghiệm khủng khiếp. Trong đó, cá nhân phải trải qua, chứng kiến hoặc đương đầu với sự kiện liên quan đến cái chết, mối đe dọa đến sự an toàn thể chất của bản thân/người thân, đe dọa tính mạng hoặc bị thương tích nghiêm trọng.
Đau khổ, tổn thương, u sầu dai dẳng hay tâm trạng trầm buồn không đồng nghĩa với sang chấn.
Vì thế, việc gán mác "sang chấn" một cách vội vàng cho những trải nghiệm đau khổ thông thường có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, bao gồm việc đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của sang chấn thực sự, tạo ra kỳ thị đối với những người mắc rối loạn tâm lý, hoặc đưa đến thái độ dễ dãi trong việc tự chẩn đoán.
Đồng thời, việc thi vị hay lãng mạn hóa các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt, đa nhân cách... có thể gián tiếp tạo ra các hệ lụy xã hội không mong muốn.
Ví dụ, việc miêu tả một nhân vật có hành vi tự làm hại bản thân một cách đẹp đẽ, lãng mạn có thể khiến cho người đọc có cái nhìn sai lệch về hành vi này, thậm chí là mang tính khích lệ họ tìm đến đó như một giải pháp khả dĩ.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh, chọn các rối loạn tương đối hiếm gặp để khắc họa. Điều này lâu dần cũng dễ tạo ra cách nhìn nhận chưa chính xác về sức khỏe tinh thần (ví dụ như quan điểm cho rằng cứ đi khám tâm lý thì chắc chắn là bị tâm thần phân liệt, một tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng) và hàm chứa nguy cơ làm gia tăng kỳ thị trong cộng đồng.
Cần thận trọng, tránh lạm dụng cụm từ sang chấn (trauma), vì không phải cứ đau khổ (suffer), tổn thương (hurt), cảm thấy trầm buồn u sầu (feel depressed/melancholy) là sang chấn.
Hiểu về chữa lành (healing)
Bên cạnh đó, cũng cần tránh lạm dụng từ "chữa lành" bởi nó có thể dẫn đến một số nguy cơ như: xem nhẹ hay đơn giản hóa quá trình vượt qua khó khăn tâm lý.
Các từ ngữ "nhậu chữa lành", "karaoke chữa lành", "gội đầu dưỡng sinh chữa lành"... khiến người nghe nảy sinh những mong đợi xa thực tế về việc phục hồi tâm lý (như kỳ vọng vượt qua và mãi mãi không mắc lại một khó khăn tinh thần nào đó). Trong khi đây là một hành trình dài, đòi hỏi nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ từ môi trường.
Hiện nay, từ "chữa lành" được dùng khá phổ biến và trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, theo thuật ngữ tâm lý, khái niệm có tính khoa học, chính xác hơn là phục hồi (recovery).
Những tổn thương tâm lý cũng giống như tổn thương thể lý, cần có quá trình để phục hồi dần dần và bao giờ cũng để lại dấu vết thương tổn, chứ không thể quay trở lại như ban đầu.
Chấp nhận chấn thương của mình là một bước quan trọng. Từ đó mới có thể diễn ra việc đối thoại và từng bước làm lành với những xung đột bên trong, hoặc thậm chí là với đối tượng gây ra sang chấn.
Vì vậy, hiểu chính mình, hiểu vấn đề mình đang gặp phải một cách chính xác thông qua các thuật ngữ chuyên ngành thì chúng ta mới có thể kiến tạo lại trạng thái cân bằng bên trong cơ thể mình, giữ sức khỏe tinh thần một cách bền vững, tránh hai thái cực (trầm trọng hóa hoặc đơn giản hóa quá mức), cũng như sự lạm dụng khái niệm một cách vô tội vạ.
Hội thảo khoa học quốc tế "Chấn thương, khủng hoảng và chữa lành trong văn học - nghệ thuật Việt Nam, Nhật Bản" do khoa văn học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Hội An hồi gần cuối tháng 3 đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn học, tâm lý và giáo dục.
Từ sự trao đổi mang tính liên ngành, các học giả đặc biệt chú trọng đến vấn đề sử dụng thuật ngữ tâm lý trong phân tích văn học nghệ thuật cũng như trong đời sống để tránh việc hiểu sai, hiểu lầm các khái niệm vốn đang được thông dụng hóa trong xã hội như chấn thương, sang chấn, trầm cảm, chữa lành…
Trong nghiên cứu, lý luận văn học - nghệ thuật, việc sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành tâm lý như sang chấn, chữa lành ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuật ngữ này cần được thực hiện một cách thận trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận