Anh Lộc đạp xe chở vợ bầu hơn 8 tháng cố vượt 250km về quê Sóc Trăng - Ảnh: YouTube Lê Thân Thiện
Sáng 4-10, khi đã vô khu cách ly tại quê nhà được hai ngày, dù sức khỏe còn yếu song tâm trạng chị Ong Thị Bé Kiều (28 tuổi, quê huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) đã tốt hơn. Nỗi lo cơm áo, chuyện sinh nở khi "mắc kẹt" tại TP.HCM suốt mấy tháng qua, nhất là đoạn đường về quê cam go bằng xe đạp trước khi được hỗ trợ đưa về giờ đã phần nào vơi bớt.
Tôi đi trên đường, bất chợt nhìn thấy một người đàn ông ướt đẫm mồ hôi đang hì hục đạp xe chở vợ bầu, chất đầy hành lý trên đại lộ để về quê hàng trăm cây số khiến mình không thể thờ ơ.
Anh Lê Minh Phụng
Mất việc, sống trong lán trại 4 tháng
Như bao gia đình miền Tây chọn ly hương, một năm trước, chị Kiều cùng chồng là anh Võ Tấn Lộc (30 tuổi) từ Sóc Trăng lên TP.HCM với mong muốn cuộc sống sẽ bớt khổ cực.
Anh chị xin làm việc tại vựa ve chai một thời gian, sau đó chuyển qua Đồng Nai. Ở đây, anh Lộc băm cây, còn vợ lột vỏ cây, song sức khỏe không đủ nên trở lại TP.HCM, thuê phòng trọ và làm biển quảng cáo.
"Làm một ngày có 200.000 đồng không đủ sống cho hai vợ chồng nên tôi nghỉ. Rồi có người giới thiệu qua làm hồ ở công trình, ăn ngủ ở lán trại cho đỡ tốn kém. Mỗi bữa tụi tôi đi bộ từ chỗ ở qua chỗ làm bên khu dân cư cũng gần nên đó giờ không có xe" - anh Lộc nói. Nhiều tháng rồi, lán trại lợp tôn, chật chội và nóng bức là nơi ăn ngủ của vợ chồng anh và hai hộ gia đình khác cũng làm việc tại đây.
Mỗi ngày quần quật từ sáng tới chiều, anh Lộc làm được 290.000 đồng, còn chị Kiều nhặt ve chai xung quanh đó, thu nhập khoảng 50.000 đồng. Không đủ tiền mua thức ăn bồi bổ nên suốt thời gian đó, bữa ăn của bà bầu này chỉ có mì gói, trứng, rau củ được các nhà hảo tâm giúp đỡ, lâu lâu được thêm mớ trái cây từ nhà dân gần đó cho.
Gắn bó với công trường đúng một tháng thì Sài Gòn bùng dịch, anh Lộc ngừng việc. Suốt 4 tháng, đôi vợ chồng cả ngày ở trong lán khá chật và nóng, ai cho gì ăn nấy. Mớ ve chai chị Kiều nhặt được tới giờ vẫn xếp một góc, dịch nên chưa thể bán được.
"Lúc đó được một người quen thương tình cho 500.000 đồng để mua thức ăn" - anh Lộc ngậm ngùi kể thêm hồi cuối tháng 9, người nhà gọi lên báo cha ruột anh vừa qua đời nhưng anh không thể về chịu tang.
Nhìn vợ ở tháng cuối thai kỳ nhưng không có tiền sinh nở tại TP, anh bàn với vợ phải hồi hương. "Tụi tui không tiền, không người thân, không chỗ ở đàng hoàng, đồ ăn bồi bổ cho vợ cũng không có. Đành phải về thôi! Tới đâu hay tới đó" - anh Lộc ngậm ngùi.
Vợ chồng anh Lộc được lực lượng chức năng tại chốt huyện Bình Chánh giúp đỡ về quê - Ảnh YouTube Lê Thân Thiện
Đường về chông gai và tình người giúp đỡ
Sáng ngày đầu TP.HCM mở cửa (1-10), được người thợ hồ làm chung cho chiếc xe đạp cũ với thùng nước đá nhỏ đem theo uống, hai vợ chồng gói quần áo gọn vào balô rách và một ít đồ sơ sinh bỏ vào giỏ, chuẩn bị hành trình đạp xe 250km về quê nhà với lộ phí... 100.000 đồng.
12h trưa, anh Lộc quảy balô phía trước, vợ anh ngồi sau kèm giỏ đựng đồ em bé được chằng ở yên xe, họ xuất phát từ khu dân cư Đại Phúc (quận 7). Người chồng 30 tuổi điều khiển chiếc xe đạp khó nhọc, anh biết hiểm nguy đang chực chờ nhưng "tới đâu hay tới đó".
Kiệt sức, ngồi nghỉ bên vệ đường, anh chị chỉ biết nhìn và an ủi nhau "ráng vì con". Vợ chồng anh Lộc may mắn được anh Lê Minh Phụng (chủ kênh YouTube Lê Thân Thiện) gặp và giúp đỡ 5 triệu đồng.
"Tôi đi trên đường, bất chợt nhìn thấy một người đàn ông ướt đẫm mồ hôi đang hì hục đạp xe chở vợ bầu, chất đầy hành lý trên đại lộ để về quê hàng trăm cây số khiến mình không thể thờ ơ.
Sau khi giúp một số tiền, tôi đưa hai bạn ra cửa ngõ TP và trình bày hoàn cảnh của họ với lực lượng chức năng tại chốt. May mắn là lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM đã hỗ trợ, hướng dẫn xét nghiệm nhanh, sau đó bố trí xe đưa hai vợ chồng cùng nhiều thai phụ khác về Sóc Trăng trong chiều 1-10" - anh Phụng chia sẻ.
Trên chuyến xe về nhà, do sức khỏe yếu, chị Kiều nôn suốt dọc đường. "Mình được chở về nhà là mừng lắm rồi, có mệt chút tui cũng chịu" - chị Kiều nói. Còn với anh Lộc, khi đó "được lên xe về là rớt nước mắt rồi", còn chiếc xe đạp cũ đã để lại chốt.
8h tối, chiếc xe cứu thương đưa người hồi hương về tới TP Sóc Trăng sau 4 tiếng xuất phát. Ngay trên đất quê nhà, dù thấm mệt, đứng không nổi song hai vợ chồng "mừng hết lớn", họ chỉ biết rưng rưng nhìn nhau.
Họ đợi thêm mấy tiếng nữa để được xét nghiệm và được đưa vào khu cách ly lúc 3h sáng 2-10. Tại đây, vợ chồng chị được bố trí ở cùng 3 người khác và sẽ cách ly 14 ngày.
Vợ chồng chị Kiều được vào khu cách ly ở TP Sóc Trăng - Ảnh: NVCC
Chưa biết có quay lại không
Ở khu cách ly, sức khỏe chị Kiều đã khá hơn dù thai còn yếu. Chị lo lắng khi mỗi ngày phải đóng phí cách ly 80.000 đồng/người, trong khi tiền bạc cho sinh đẻ sắp tới rồi. "Bác sĩ nói tui sẽ sanh mổ vì có thể sanh non. Giờ tui chỉ cầu trời thương cho đẻ thường, chứ mổ tới mười mấy triệu làm sao lo nổi, đẻ xong còn phải lo tiền tã sữa" - người mẹ 28 tuổi bày tỏ.
Cưới nhau hai năm, anh chị mới có quả ngọt đầu tiên, "biết tin có con ổng vui lắm, đâu ngờ dịch bùng cỡ đó. Rồi nghe thai con bệnh đủ thứ nữa, ổng buồn một thời gian đó" - chị Kiều thở dài, tâm sự.
Chị dự tính sau khi hết cách ly, vợ chồng sẽ về nhà chuẩn bị sinh nở. Sau đó, chị ở nhà coi ngó mấy đứa cháu, rồi cơm nước cho cha mẹ tuổi đã cao. "Hoặc là tui xin đi cắt củ hành tím cho người ta, nếu lẹ tay thì ngày cũng được hơn 100.000, nhưng sợ dịch bệnh này hổng ai dám mướn mình" - chị nói. Còn anh Lộc tính đi bắt cua ốc ngoài biển sống qua ngày, "chứ giờ ở không chắc chết luôn".
Hỏi sau dịch có quay lại nơi mà họ đã hai lần liều mạng bỏ chạy không, chị Kiều cười buồn: "Chưa biết nữa. Trước mắt sẽ ở quê để sanh rồi kiếm sống một thời gian, sau đó xem tình hình ra sao rồi tính tiếp".
Lần đầu khám khi thai đã 8 tháng
Hành trình về quê bằng xe đạp của vợ chồng anh Lộc được người đi đường chia sẻ lên mạng xã hội gây xúc động. Nhưng ít ai biết đây không phải lần đầu hai vợ chồng "liều mạng" về nhà.
Anh Lộc cho biết 6 ngày trước khi TP.HCM "bình thường mới", anh chị đã quyết định đi bộ về nhà. Tuy nhiên mới đi được một đoạn thì lực lượng chức năng bắt gặp, hỏi thăm. Khi biết hoàn cảnh, các chiến sĩ công an đã khuyên hai vợ chồng nên quay về và hỗ trợ 1 triệu đồng để chị Kiều khám thai. Và đó là lần đầu tiên thai phụ này được tới phòng khám khi thai đã hơn 8 tháng.
"Bác sĩ nói thai yếu" - anh Lộc buồn rầu nói về đứa con đầu lòng mà anh mong đợi hai năm nay. Đến giờ, khi đã cận kề tháng sanh, chị Kiều vẫn chưa biết con mình là trai hay gái. "Đi khám có lần đó, bác sĩ không nói giới tính của con, không dự đoán ngày sanh luôn, chỉ kêu ăn uống bồi bổ vô, mà tiền đâu để ăn" - chị kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận