01/03/2019 21:15 GMT+7

Người phiên dịch cho Chủ tịch Triều Tiên là ai?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Người phiên dịch cho Chủ tịch Kim Jong Un ngay tại cửa tàu đón phái đoàn Triều Tiên ở ga Đồng Đăng cũng như khi trở về khách sạn Melia là cựu sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Người phiên dịch cho Chủ tịch Triều Tiên là ai? - Ảnh 1.

Ông Ri Ho Jun (bìa phải) tháp tùng Chủ tịch Kim Jong Un tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch chiều 1-3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nhiều thầy cô tại khoa Việt Nam học và tiếng Việt đã nhận ra người bên cạnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un khi đặt chân đến Việt Nam là sinh viên cũ của mình.

Ông Ri Ho Jun từng là sinh viên khoa tiếng Việt Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội hơn 30 năm trước (nay là khoa Việt Nam học và tiếng Việt Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). 

Ông là người phiên dịch cho Chủ tịch Kim Jong Un ngay tại cửa tàu đón phái đoàn Triều Tiên ở ga Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) cũng như khi trở về khách sạn Melia (Hà Nội).

Người học tại khoa rồi đảm nhiệm các vị trí quan trọng ở cơ quan ngoại giao các nước không ít, nhưng hình ảnh chủ tịch Triều Tiên đến Việt Nam với phiên dịch là một cựu sinh viên của khoa vẫn khiến tôi thật sự xúc động. Tiếng Việt đã trở thành cầu nối ngoại giao như thế...

Thầy TRẦN NHẬT CHÍNH

Nhờ trò, thầy có vé máy bay... đứng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt - cho biết ông Ri Ho Jun là một trong bốn sinh viên Triều Tiên cùng theo học cử nhân tiếng Việt tại khoa giữa những năm 1980. Trong bốn cựu sinh viên ngày ấy, ông Ri Ho Jun được thầy Nam đánh giá là "một người mạnh dạn hơn cả".

Năm 1987, thầy Nam đưa bốn sinh viên Triều Tiên đi thực tế tại TP.HCM. Thầy trò cùng giao lưu với khoa ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Khi đó, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM cũng đang chuẩn bị mở khoa tiếng Việt cho người nước ngoài. Sau đó, đoàn còn đi tham quan một số cơ sở, danh lam thắng cảnh như Lái Thiêu, Vũng Tàu, các điểm du lịch của TP.HCM...

"Nhưng đến ngày trở lại miền Bắc mới là vấn đề. Hồi đó, vé máy bay ra Hà Nội rất khó. Tôi không tài nào đặt vé được cho mình, còn bốn anh sinh viên là người nước ngoài nên được đi. Mấy thầy trò đang chưa biết làm thế nào vì có khi thầy phải chờ mấy ngày nữa thì anh Ri nói: "Thầy đi với em, chắc em nói thì tốt hơn".

Vậy là anh Ri cùng tôi vào gặp cán bộ của hàng không. Anh nói đại ý: thầy đưa chúng tôi đi mà giờ thầy không về được thì ra Hà Nội chúng tôi không biết làm thế nào tổng kết chuyến đi... Cuối cùng ông sếp hàng không đã đồng ý cho tôi... một vé đứng cho chuyến bay của hôm sau. 

Và hôm sau, khi lên máy bay, cô tiếp viên đã bảo tôi: Anh cứ vào trong một phòng vệ sinh khóa lại và ngồi trong đó suốt cả chuyến bay ra Hà Nội. Đó là một ngày của tháng 6-1987" - thầy Nam nhớ lại.

Người phiên dịch cho Chủ tịch Triều Tiên là ai? - Ảnh 3.

Thầy Trần Nhật Chính giở lại tấm ảnh chụp chung với sinh viên Ri Ho Jun 35 năm trước - Ảnh: NGỌC HÀ

Cha, con cùng học tiếng Việt

Còn thầy Trần Nhật Chính - người được mệnh danh là thầy giáo "ruột" của những sinh viên Triều Tiên này - nhớ như in hình ảnh những sinh viên Triều Tiên vô cùng chăm chỉ theo học ngành tiếng Việt, hệ cử nhân bốn năm, khoảng từ những năm 1984 - 1988.

Trong kho tư liệu của gia đình, vẫn còn nguyên những tấm ảnh vợ chồng thầy Chính và cô con gái đầu lòng chụp chung với bốn sinh viên người Triều Tiên tại công viên Thủ Lệ vào năm 1984. Trên những bức ảnh khổ nhỏ, đã cũ, bốn sinh viên Triều Tiên trẻ măng, dáng gầy nhỏ, không có đặc điểm gì nổi bật là "sinh viên ngoại". Ông Ri Ho Jun là trưởng nhóm sinh viên này, "cứng" tuổi nhất, nhưng cũng chỉ tầm trên dưới 20.

Thầy không biết tiếng Triều Tiên, trò không biết tiếng Việt, nên trong một số trường hợp, để giải nghĩa tiếng Việt, đôi khi phải "mượn" tiếng Anh làm cầu nối. Theo thầy Chính, riêng sinh viên Ri Ho Jun còn biết cả tiếng Pháp.

"Khi đó, sinh viên của khoa chủ yếu đến từ "các nước anh em" như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Romania... Sinh viên quốc tế ở nội trú hoàn toàn trong trường, được học tập, sinh hoạt theo chính sách ngoại giao với các nước khi đó. 

Nhà tôi gần trường, nên bốn sinh viên Triều Tiên thường qua chơi. Bốn sinh viên luôn đeo huy hiệu nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành một cách trang nghiêm trên áo. Khác với sinh viên quốc tế thường kể về đất nước mình, bốn sinh viên này rất hiếm khi kể chuyện về đất nước Triều Tiên" - thầy Chính nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp, ông Ri về nước và nhiều lần trở lại Việt Nam, đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Việt Nam. 

"Ri Ho Jun cũng có một số lần trở lại trường tìm gặp các thầy cô đã từng dạy mình. Có lần, khi đảm nhiệm vị trí bí thư thứ ba Đại sứ quán Triều Tiên, anh Ri có mời cả gia đình tôi đi ăn tại một nhà hàng nổi tiếng trên phố Tràng Thi, Hà Nội. Khi đó, con gái của Ri Ho Jun cũng sang Việt Nam và học tiếng Việt tại khoa. Tôi lại dạy tiếng Việt cho cô con gái của anh" - thầy Chính chia sẻ.

Chính vì sự gần gũi này mà khi người phiên dịch cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un xuất hiện trên truyền hình, lập tức con trai thầy Chính đã nhận ra "đó là sinh viên cũ của ba mình".

Người phiên dịch cho Chủ tịch Triều Tiên là ai? - Ảnh 4.

Ông Ri Ho Jun (trái) và thầy Trần Nhật Chính tại Công viên Thủ Lệ khoảng năm 1984 (ảnh chụp lại)

Người phiên dịch cho Chủ tịch Triều Tiên là ai? - Ảnh 5.

Ông Ri Ho Jun (đeo kính) khi còn là sinh viên khoa Tiếng Việt Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (ảnh chụp lại)

Người phiên dịch cho Chủ tịch Triều Tiên là ai? - Ảnh 6.

Sinh viên Triều Tiên học tại khoa Tiếng Việt Trường ĐH Tổng hợp chụp cùng gia đình thầy Trần Nhật Chính khoảng năm 1984 (ảnh chụp lại)

Đọc báo Triều Tiên, thấy sẽ có thượng đỉnh kế tiếp Đọc báo Triều Tiên, thấy sẽ có thượng đỉnh kế tiếp

TTO - Dù thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc không có thỏa thuận, nhưng những dư âm để lại và những tường thuật tích cực của báo chí Triều Tiên cho thấy sự kiện đã đạt được những thành công nhất định, có ý nghĩa cho tương lai.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên