18/05/2021 09:20 GMT+7

Người nghèo phố thị nương nhau sống

THÁI BÁ DŨNG - MAI THƯƠNG - LÊ DÂN
THÁI BÁ DŨNG - MAI THƯƠNG - LÊ DÂN

TTO - Kiếm sống từ sự tấp nập trên đường phố, dịch COVID-19 kéo đến làm nguồn sống của nhiều người nghèo bị cắt đứt. Để tồn tại qua ngày gian khó, họ dựa vào vai nhau và hi vọng sớm có chính sách hỗ trợ.

Người nghèo phố thị nương nhau sống - Ảnh 1.

Cụ Mạnh khoe mớ đồ vừa kiếm được với những bạn trọ sau buổi sáng liều mình ra phố trong ngày dịch - Ảnh: B.D.

Có sạp bán trái cây trên quốc lộ 61C (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Cần Thơ) nhưng ế ẩm quá nên bà Nguyễn Thị Thu Giang xoay trở bán thêm cơm phần cho khách vãng lai. Tuy vậy, giờ người dân hạn chế đi lại nên quán cơm chỉ hoạt động cầm chừng, mất luôn việc bỏ mối ổi cho các quán ăn, quán karaoke xung quanh. 

"Tui mong Chính phủ hỗ trợ những người mua bán nhỏ lẻ kịp thời để giảm bớt khó khăn" - bà Giang nói.

Hạt gạo xẻ đôi, sống nhờ cộng đồng

Cụ Trần Thị Mạnh (75 tuổi, Quảng Trị) nhiều năm nay sống không người thân thích ở Đà Nẵng, kiếm sống bằng việc lượm rác, nhặt chai lọ, bao nilông. 

Mấy tháng trước, khi thấy cụ nằm ốm trong tấm bạt thưng bên một căn nhà hoang ở dãy chung cư, một nhóm bạn trẻ tốt bụng đã đón cụ về dãy trọ dành cho những người vô gia cư ở một con hẻm trên đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, Đà Nẵng). 

Có chỗ ở nhưng hằng ngày cụ Mạnh vẫn phải lọ mọ tìm rác. Mấy hôm nay thành phố hạn chế tụ tập, hàng quán cũng đóng cửa, nguồn sống của cụ Mạnh bị cắt đứt. Một hôm cụ đánh liều ra đường thì gặp một anh công an hỏi thăm, yêu cầu cụ về nhà. 

"Anh công an thấy thương nên dúi cho tui ít tiền rồi đón xe ôm bắt tui về" - cụ Mạnh nói.

Xóm trọ nơi cụ Mạnh ở là một nơi rất đặc biệt bởi cả 6 phòng đều là những người tàn tật, không nhà cửa, không quê hương, nhiều phụ nữ đơn thân đến tá túc. Họ được một nhóm bạn trẻ tại Đà Nẵng đưa về, thuê trọ cho ở miễn phí. 

Bình thường các phòng khóa trái cửa, thế nhưng 2 tuần nay những người sống bám vào đường phố không thể đi bán, họ đành ngồi ở nhà nhìn ra trong trĩu nặng âu lo.

Trong mớ lỉnh kỉnh mà cụ Mạnh mang về, ngoài mớ bánh trái, ít tiền lẻ mà anh công an tốt bụng biếu còn có một bịch gạo trắng. Cụ Mạnh lôi bao gạo này ra nói như khoe với mọi người: "Qua nhà mệ nấu cơm ăn thoải mái chứ cả hai tuần ni mệ toàn ăn ké". 

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (39 tuổi) - bị liệt hai chân, đơn thân và đang nuôi một đứa trẻ 2 tuổi, sống sát phòng cụ Mạnh - ngoái ra nói lớn: "Tụi con không có cho thì thôi chứ lấy chi của mệ. Để đó đi, trưa nay con cắm cơm rồi, mệ qua đây ăn". Cụ Mạnh im lặng, mắt rơm rớm.

Trưa 17-5, trở lại khu trọ của những người vô gia cư, chúng tôi ghi nhận cảnh những người ở xóm trọ nghèo vẫn chỉ biết tựa cửa nhìn ra. Chị Nguyệt nói những ngày qua thấy những người ở trọ không có nguồn sống, những người dân ở kế đó cũng tìm cách góp gạo, các nhóm thiện nguyện, các tổ chức từ thiện cùng chung tay giúp đỡ. 

Một số người ở xóm trọ cũng cho biết khi có chế độ hỗ trợ từ Nhà nước, họ được gia đình báo rằng đã nhận ở quê nhưng "số tiền đó để cha mẹ, anh em giữ lại, mình ở đây tự kiếm" - chị Nguyệt nói.

Đĩa rau luộc 5 nhà chia nhau

Trưa Hà Nội đầu mùa nắng nóng, 5 hộ dân trong xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên quây quần bên bữa trưa "góp gạo thổi cơm chung". Bữa cơm chỉ có đĩa rau luộc, bát lạc rang dầm nước mắm, món canh cà và cá khô. 

Việc phải từ tạm dừng hầu hết các dịch vụ không thiết yếu để phòng chống dịch COVID-19 đến giải tán các khu chợ tạm, chợ cóc... khiến bữa cơm của những người kiếm sống từ các nơi này trở nên thiếu thốn.

"5 năm nay tôi dọn vệ sinh cho các tiệm massage, spa ở khắp khu phố cổ, mỗi nơi dọn dẹp ngày 2 lần còn có đồng ra đồng vào, giờ mất hẳn nguồn thu nhập mà con cái, cha mẹ ở quê vẫn ngóng trông vào mình trên này" - cô Trịnh Thị Lý (57 tuổi, quê Hà Nam) chia sẻ. 

Mất việc, cô Lý hỏi thăm các hộ gia đình cần thuê giúp việc theo giờ để xin vào làm nhưng "tôi nào có biết nấu ăn ngon, có được ăn ngon bao giờ đâu mà biết nấu. Đồ nhà người ta hiện đại quá tôi không biết dùng. Người chỉ biết dọn dẹp nhà vệ sinh, lau chùi cầu thang như tôi người ta không nhận" - cô Lý ngậm ngùi.

Nằm ngả mình trên chiếc xe cũ kỹ dựng bên bến xe buýt trên phố Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ông Quảng Đại (quê Hưng Yên) tranh thủ nghỉ trưa với cái bụng rỗng từ sáng. 

"Nào có dám ăn gì, từ sáng giờ chưa được cuốc xe nào. Ngày trước tôi hay đứng ở các quán bia hoặc trên phố Tạ Hiện, chờ có khách Tây người ta đi nhậu về thì hay đi xe tôi vì tôi võ vẽ biết vài câu tiếng Anh để trả giá. Chứ nay quán bia đóng cửa hết, chả biết đứng đâu mà bắt khách" - ông Đại nói.

Giống như lao động ở các đô thị lớn khác, ông mua ve chai, bà bán trái cây tại Cần Thơ cũng chật vật mưu sinh. Nhìn chiếc xe ba gác chứa lưng chừng đồ ve chai khi đang rảo tìm người bán ve chai tại phường An Bình (quận Ninh Kiều), ông Huỳnh Hữu Hạnh (ngụ huyện Phong Điền) than: dịch COVID-19 nhiều người ngại tiếp xúc, họ có ve chai cũng không bán. 

Hơn nữa, người dân cũng ít tụ tập, hạn chế tiệc tùng nên đồ ve chai như vỏ lon bia, nước ngọt, thùng cactông cũng ít đi. "Ngày thường tui kiếm 200.000 - 300.000 đồng, giờ gặp dịch bệnh chỉ đủ tiền mua gạo" - ông Hạnh nói.

Chờ chính sách hỗ trợ

Ông Võ Văn Tiến - trưởng phòng việc làm, an toàn lao động Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng - cho biết trong năm 2020, một lượng lớn những người bán hàng rong, làm nghề tự do được Nhà nước hỗ trợ vì dịch. Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ giải quyết cho những người có hộ khẩu, giấy tờ thủ tục đầy đủ tại Đà Nẵng.

"Đợt dịch này vẫn chưa có gì thay đổi, bổ sung thêm" - ông Tiến nói.

Ông Tiêu Minh Dưỡng, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, cho biết thành phố giao cho sở nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ người mua ve chai, mua gánh bán bưng... Tuy nhiên cũng phải chờ Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn do Thủ tướng đã giao bộ xây dựng gói chính sách mới thay cho nghị quyết 42.

COVID-19: Người giàu cần 9 tháng lấy lại tài sản, người nghèo mất 10 năm COVID-19: Người giàu cần 9 tháng lấy lại tài sản, người nghèo mất 10 năm

TTO - Tổ chức chống đói nghèo Oxfam cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng: những người giàu có nhất nhanh chóng giàu thêm trong khi những người nghèo nhất có thể phải mất cả thập kỷ để hồi phục.

THÁI BÁ DŨNG - MAI THƯƠNG - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên