19/03/2021 11:37 GMT+7

Người Mỹ gốc Á 'đang hét lên cầu cứu' vì bị lăng mạ, rượt đánh

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - 'Cộng đồng chúng tôi đang đổ máu, chúng tôi đau đớn suốt cả năm qua và đang hét lên cầu cứu', dân biểu Grace Meng khẩn thiết trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 18-3. Hơn một chục người, đa số gốc Á, đã được mời tới điều trần.

Người Mỹ gốc Á đang hét lên cầu cứu vì bị lăng mạ, rượt đánh - Ảnh 1.

Biểu cảm của một phụ nữ trong cuộc tuần hành phản đối bạo lực và phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính nhắm vào người Mỹ gốc Á ở Atlanta ngày 18-3 - Ảnh: REUTERS

Cuộc điều trần diễn ra sau khi Robert Aaron Long, một thanh niên da trắng 21 tuổi, xả súng giết chết 8 người ở thành phố Atlanta, bang Georgia ngày 16-3. Trong số những người thiệt mạng có 6 người phụ nữ gốc Á làm việc trong các tiệm matxa/spa địa phương.

Cảnh sát không loại trừ tâm lý bài nhập cư và chống người gốc Á là nguyên nhân dẫn tới vụ xả súng tồi tệ nhất nước Mỹ kể từ năm 2019, theo Đài NPR.

Ông Steve Cohen, người đứng đầu tiểu ban hiến pháp, dân quyền và tự do dân sự của Hạ viện Mỹ, thừa nhận tâm lý chống người Mỹ gốc Á đã tăng đột biến trong năm qua. Không chỉ bị lăng mạ, nhiều người gốc Á còn bị rượt đánh, đâm bằng dao rọc giấy, thậm chí bị châm lửa đốt.

"Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những định kiến xấu xa đã có từ lâu đời ở Mỹ", Hãng tin Reuters trích lời vị dân biểu thuộc Đảng Dân chủ trong cuộc điều trần ngày 18-3.

Bà Judy Chu, dân biểu California và là một trong những người được triệu tập điều trần, gọi vụ xả súng ở Georgia là điều đã được cảnh báo từ trước. Bà mô tả cuộc khủng hoảng đối với người Mỹ gốc Á đã tới mức "không thể bị phớt lờ".

"Những gì diễn ra ngay lúc này và trong những tháng tới sẽ gửi một thông điệp cho các thế hệ sau về việc liệu chúng tôi có quan trọng hay không, về việc liệu quốc gia mà chúng tôi gọi là quê hương sẽ chọn loại bỏ hay bao hàm chúng tôi" - giáo sư Daniel Dae Kim, một người Mỹ gốc Á, kêu gọi tại phiên điều trần.

Dân biểu Grace Meng, một người của Đảng Dân chủ, cũng bày tỏ sự khẩn thiết. Bà nhấn mạnh người Mỹ gốc Á đang đối mặt với "virus thù hận" và cố chấp kể từ khi COVID-19 bùng phát: "Cộng đồng của chúng tôi đang đổ máu, chúng tôi đau đớn suốt năm qua và đang hét lên cầu cứu".

Các thành viên khác của Đảng Dân chủ nhận định bạo lực không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét tới những gì ông Donald Trump đã nói về COVID-19.

“Khi các chính trị gia sử dụng các thuật ngữ như 'virus Trung Quốc' hoặc 'Kung flu' (chơi chữ từ Kungfu - PV) để chỉ COVID-19, dù có chủ đích hay không, họ đã đặt hồng tâm lên lưng những người Mỹ gốc Á", ông Cohen nêu quan điểm.

Mỹ treo cờ rủ tưởng niệm nạn nhân xả súng Atlanta

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu các tòa nhà liên bang, căn cứ quân sự và các cơ sở ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới treo cờ rủ đến hết ngày 22-3 để tưởng niệm 8 nạn nhân của vụ xả súng ở Atlanta.

Nhà Trắng cũng xác nhận ông Biden sẽ hủy một sự kiện chính trị và tới Georgia, gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á để lắng nghe những khó khăn, đe dọa mà họ phải đối mặt.

Số vụ bạo lực nhắm vào người gốc Á ở Mỹ đã tăng 149% vào năm 2020 ở 16 thành phố lớn so với năm 2019, theo Trung tâm Nghiên cứu về chủ nghĩa thù hận và cực đoan.

Minari: Giấc mơ Mỹ đau thương, thuần khiết qua mắt trẻ Minari: Giấc mơ Mỹ đau thương, thuần khiết qua mắt trẻ

TTO - Cuối cùng Oscar đã 'chuộc lỗi' thay Quả cầu vàng khi đề cử 'Minari' ở hạng mục mà bộ phim xứng đáng: Phim hay nhất. Đây rõ ràng là một bộ phim rất Mỹ, nói lên chính vấn đề của nước Mỹ dù 70% lời thoại là tiếng Hàn.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên