Sau các ca nhiễm bạch hầu tại TP.HCM và tỉnh Đắk Nông, nhiều người dân nêu thắc mắc về việc tiêm nhắc vắcxin phòng ngừa bệnh bạch hầu vì không nhớ mình đã từng tiêm chưa.
Trả lời câu hỏi này, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) cho biết vắcxin bạch hầu có hiệu quả phòng bệnh trên 90%. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng giảm hay suy giảm miễn dịch vẫn có thể mắc bệnh.
Ngoài ra, miễn dịch của vắcxin bạch hầu thường duy trì đến 10 năm và giảm dần theo thời gian. Vì thế những người có nguy cơ, kể cả không nhớ hay tiêm vắcxin bạch hầu đã lâu thì đều nên tiêm lại.
Tương tự, bác sĩ Phan Bá Hiếu - phụ trách khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng - cũng cho biết bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắcxin đủ liều và đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đối với những người không nhớ mình từng tiêm vắcxin bạch hầu hay chưa thì vẫn tiêm nhắc được.
ThS.BS Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - nhận định sau 6 tuổi, mọi người dần ít quan tâm đến tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh. Để tránh nhiễm bệnh bạch hầu, BS Nam khuyến cáo mọi người nên đến các cơ sở y tế tiêm nhắc vắcxin sau 10 năm. Theo đó, vắcxin bạch hầu cho người lớn là loại 3 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận