27/04/2018 17:55 GMT+7

Người giữ 'linh hồn' chính sách đối ngoại Triều Tiên

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Bán đảo Triều Tiên hi vọng bắt đầu một chương sử mới sau thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Tạo nên điều đó có một phần đóng góp không nhỏ của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su Yong.

Người giữ linh hồn chính sách đối ngoại Triều Tiên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su Yong trong một sự kiện tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar - Ảnh: AFP

Ở tuổi 77, "ông già" Ri Su Yong vẫn đang là "linh hồn" của chính sách đối ngoại Triều Tiên, là cố vấn tin cậy nhất của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un.

Ông Ri là bạn của gia tộc họ Kim suốt nhiều thập kỷ, là cộng sự tin cậy và đắc lực của gia đình này. Sinh năm 1940, ông từng là bạn học cùng trường với ông Kim Jong Il, cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên đương nhiệm Kim Jong Un.

Có uy tín với phương Tây

Sau khi tốt nghiệp Đại học Quan hệ quốc tế trong nước, ông Ri bắt đầu sự nghiệp ngoại giao tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Vào đầu những năm 1980, ông công tác tại Đi sứ quán Triều Tiên ở Thụy Sĩ.

Lấy tên là Ri Chol vào thời điểm đó (không ai rõ lý do vì sao), ông Ri trở thành đại sứ của Triều Tiên ở phái đoàn ngoại giao nước này tại LHQ ở Geneva và cũng gần như là đại diện chính thức của ông Kim Jong Il tại châu Âu, đảm đương nhiệm vụ giải quyết mọi vấn đề quyền lợi tài chính của Triều Tiên tại châu lục này.

Một tay ông Ri đã tạo dựng vị thế cho Triều Tiên tại châu Âu, gây dựng mối quan hệ với các cơ quan phương Tây và các tổ chức phi chính phủ.

Ông Ri cũng là người lo thu xếp những đợt chữa bệnh, học hành và nhiều sự vụ khác cho những người Triều Tiên giàu có tại nước ngoài.

Ông cũng đảm nhiệm luôn vai trò như người cha đỡ đầu, người bảo ban, cố vấn cho ông Kim Jong Un và em gái trong những năm 1990 khi họ theo học một trường nội trú tại Thụy Sĩ.

Theo nội dung cuốn hồi ký của bà Song Hye Rang - người bà con xa của dòng họ Kim, ông Ri đã đảm nhiệm việc giám sát, bảo đảm an toàn cho các con của ông Kim Jong Il.

Việc này cụ thể tới mức có đôi khi ông Ri phải dùng cả ống nhòm dõi nhìn vào cửa chính của trường học từ một căn hộ thuê phía bên kia đường.

Suốt 3 thập kỷ sống và làm việc tại Thụy Sĩ, ông Ri, với cặp kính trí thức và mái tóc đen chải ngay ngắn về phía sau, đã trở thành một nhà ngoại giao kiêm doanh nhân rất được người trong giới ở phương Tây nể trọng.

Ông Michael Madden - chuyên gia nghiên cứu về giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, cũng là người điều hành trang web North Korea Leadership Watch - nhận xét: "Ông ấy đã có được tiếng tăm rất tốt đẹp tại Thụy Sĩ".

Là người thành thạo tiếng Pháp, ông Ri được cho là người đã có công môi giới cho hợp đồng giữa Công ty Orascom của Ai Cập giành được một hợp đồng về dịch vụ điện thoại di động của Triều Tiên năm 2008.

Người giữ linh hồn chính sách đối ngoại Triều Tiên - Ảnh 2.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bên tảng đá ghi dòng lưu niệm "Cây hòa bình" mà họ vừa trồng chung - Ảnh: REUTERS

Vai trò lớn hơn chức vụ

Ông Ri được gọi về lại Bình Nhưỡng không lâu trước khi ông Kim Jong Il qua đời năm 2011. Dưới thời ông Kim Jong Un, ông Ri được giao chức trách bao quát hơn, trở thành nhân vật không thể thiếu trong chính quyền mới của Triều Tiên.

Trang Ozy.com bình luận ở một vài phương diện, có thể ví vai trò của ông Ri Su Yong với gia tộc họ Kim cũng tương tự vai trò của nhà kinh doanh kiêm cố vấn chính trị Vernon Jordan hay cựu ngoại trưởng James Baker III với các "triều đại" chính trị của hai ông Clinton và ông Bush ở Mỹ.

"Ông ấy là người rất tháo vát - ông Ken Gause, tác giả cuốn "North Korean House of Cards: Leadership Dynamics Under Kim Jong Un", nhận xét về ông Ri - Đó là một người có thể giúp cho thông tin, tiền bạc và hàng hóa ra vào Triều Tiên thuận tiện hơn".

Ông Ri mau chóng được nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un bổ nhiệm giữ cương vị bộ trưởng ngoại giao năm 2014. Cơ quan đối ngoại cao nhất của Triều Tiên sau nhiều thập kỷ thiếu sự chăm chút dưới thời ông Kim Jong Il cần có một sự cải tổ.

Đó là lý do để ông Kim Jong Un "chọn mặt gửi vàng", tin tưởng đặt vào đôi tay của một người cố vấn tin cậy trách nhiệm cải tổ và thiết lập lại một chính sách đối ngoại mới cho đất nước.

Những hình ảnh đáng nhớ của cuộc thượng đỉnh liên Triều ngày 27-4 - Nguồn: TTO 

Theo ông Michael Madden, không phụ lòng tin này, chỉ trong 2 năm tại nhiệm, ông Ri đã cải tổ toàn bộ cơ quan ngoại giao Triều Tiên, bổ nhiệm các đại sứ mới và công du tới hàng loạt nước để củng cố các mối quan hệ của Triều Tiên trên toàn thế giới.

Trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un hầu như chỉ ở Bình Nhưỡng điều hành công việc (ngoại trừ chuyến công du bí mật tới Trung Quốc mới đây), ông Ri trở thành gương mặt đại diện quốc gia của Triều Tiên trên các diễn đàn lớn của thế giới.

Năm 2016, ông Ri từng có bài phát biểu phản bác mạnh mẽ với Hội đồng Nhân quyền của LHQ, sau khi các nhà điều tra của cơ quan này cáo buộc Bình Nhưỡng có những tội ác chống lại loài người.

Trong bài phát biểu, ông Ri nêu rõ lập luận nước ông "không bao giờ và chưa bao giờ" có những hành động đó, đồng thời cáo buộc ngược lại Hội đồng Nhân quyền LHQ là một tổ chức "chính trị hóa, phân biệt đối xử và áp dụng tiêu chuẩn kép" trong phán xét vấn đề nhân quyền của Triều Tiên.

Theo ông Ri, LHQ cáo buộc Triều Tiên trong khi lại làm lơ với tình trạng bạo lực súng đạn ở Mỹ và cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu.

Với cách thể hiện mạnh mẽ như vậy trên cương vị bộ trưởng ngoại giao, ông Ri tiếp tục được tin tưởng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và tại nhiệm cho tới tháng 5-2016.

Theo chuyên gia Madden, không có gì nghi ngờ về việc ông Ri đóng vai trò chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên thời gian qua, trong sự lãnh đạo của chính quyền Triều Tiên, mà đỉnh điểm chính là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm nay (27-4) ở Bàn Môn Điếm.

Người giữ linh hồn chính sách đối ngoại Triều Tiên - Ảnh 4.
D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên