Ông Trump dự kiến sẽ gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 5 này hoặc tháng 6. Đây là cuộc gặp quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.
Ngay trước sự kiện này, hàng loạt các cuộc gặp cấp cao khác được tiến hành trong những ngày qua.
Hôm nay (9-5) là thời điểm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có cuộc họp với nội dung chính được cho xoay quanh vấn đề Triều Tiên.
Ngày 8-5, báo chí quốc tế cũng rộn ràng với thông tin ông Kim Jong Un âm thầm đích thân tới thành phố Đại Liên của Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Mỹ trong khi đó cũng có sự chuẩn bị riêng, khi ông Pompeo đã lên đường tới Triều Tiên.
Thông tin này được Tổng thống Trump xác nhận trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng được phát sóng hôm 8-5 (giờ Mỹ).
"Vào thời điểm này, Ngoại trưởng Pompeo đang trên đường tới Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc gặp sắp tới của tôi với ông Kim Jong Un. Chúng tôi đã có kế hoạch cho cuộc gặp này. Vị trí tổ chức gặp gỡ đã được chọn, cũng như thời gian và ngày tháng. Mọi thứ đã xong xuôi. Và chúng tôi đang hướng tới một cuộc gặp thành công".
Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đang được hi vọng sẽ hạ nhiệt, sau khi năm 2017 đã chứng kiến hàng loạt động thái dọa dẫm lẫn nhau.
Cuối tháng 4 qua, lãnh đạo Kim Jong Un đã có cuộc gặp được mô tả lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, khi cả hai thống nhất chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên, tiến tới ký hiệp ước hòa bình.
Ông Kim Jong Un cũng lần đầu tiên giới thiệu hình ảnh của mình rộng rãi trên trường quốc tế khi liên tiếp có những chuyến đi và động thái cam kết duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang được chờ đợi giải quyết là tiến trình "phi hạt nhân hóa" mà Triều Tiên đã hứa hẹn. Chưa chắc trong mắt Bình Nhưỡng và Washington, khái niệm "phi hạt nhân hóa" này giống nhau.
Chính vì vậy cuộc gặp sắp tới giữa ông Kim và ông Trump được kỳ vọng sẽ gợi mở thêm về tương lai của bán đảo Triều Tiên cũng như mối lo an ninh ở khu vực này.
Ông Trump nói thêm: "Chúng tôi nghĩ các mối quan hệ đang được xây dựng với phía Triều Tiên. Chúng ta sẽ thấy nó hiệu quả hay không. Có thể có, hoặc không. Nhưng đó có thể là điều tuyệt vời cho Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và toàn thế giới".
Ông Pompeo kỳ này sẽ chính thức sắm vai Ngoại trưởng Mỹ khi đến Triều Tiên, khác với lần ông này bí mật sang Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 4. Khi đó, ông Pompeo vẫn còn là giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Trao đổi với các phóng viên tháp tùng chuyến đi lần này, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông kỳ vọng sẽ gặp gỡ "những lãnh đạo cấp cao" ở Bình Nhưỡng, trong đó có khả năng sẽ là ông Kim Jong Un.
"Chúng tôi đang chuẩn bị gặp gỡ với bất kỳ ai thay mặt chính phủ Triều Tiên đàm phán, và có thể giúp chúng tôi có những câu trả lời chắc chắn để chuẩn bị", AFP dẫn lời ông Pompeo.
Theo lời ông Pompeo, chuyến đi này trước tiên và quan trọng nhất là xây dựng một nền tảng cho cuộc gặp thành công của hai lãnh đạo. Nội dung cần xây dựng sẽ bao gồm chương trình làm việc, ngày giờ chính xác và địa điểm cụ thể.
Mục tiêu thứ hai là muốn truyền tải thông điệp từ phía Mỹ, rằng Washington sẽ không giảm áp lực cấm vận cho tới khi đạt được mong muốn của mình. Ông Pompeo cảnh báo: "Chúng tôi sẽ không tiến hành các bước nhỏ, nơi thế giới về cơ bản bị thúc ép vào việc giảm nhẹ sức ép kinh tế. Điều đó không dẫn tới kết quả mà tôi hiểu là ông Kim Jong Un muốn cũng như Tổng thống Trump đang yêu cầu".
Cũng trong kế hoạch của chuyến đi này, ông Pompeo đã gây áp lực lên Triều Tiên để Bình Nhưỡng thả ba công dân Mỹ đang bị bắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận