20/02/2020 16:24 GMT+7

Nghiên cứu khoa học về COVID-19 'nhiều chưa từng có', nhưng có nên share?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Công bố nhanh công trình nghiên cứu khoa học đúng đắn là điều hữu ích để ngăn chặn COVID-19. Song thông tin ban đầu còn thiếu sót hoặc sai lệch sẽ dẫn đến hoảng loạn.

Nghiên cứu khoa học về COVID-19 nhiều chưa từng có, nhưng có nên share? - Ảnh 1.

Thông tin nghiên cứu về COVID-19 được chia sẻ với tốc độ chưa từng thấy trên mạng - Ảnh: LE SOIR

Song song với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) lây lan ở Trung Quốc, thông tin về nghiên cứu khoa học - từ đáng tin cậy đến lừa đảo - cũng được công bố và chia sẻ với tốc độ chưa từng thấy trên mạng.

Do mức độ lây nhiễm của COVID-19, nhiều thông tin khoa học được chia sẻ nhanh chóng mà không qua đồng nghiệp đánh giá.

Chuyên gia thông tin khoa học Tom Sheldon ở Anh

Thông tin nhanh nhưng chưa qua đánh giá

Hãng tin Reuters đã phân tích và nhận thấy có ít nhất 153 nghiên cứu về COVID-19 của 675 nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới được công bố từ đầu dịch.

Trong số này có các bài viết về dịch tễ học, các phân tích di truyền và các báo cáo lâm sàng liên quan đến mọi khía cạnh của dịch.

Tốc độ công bố thông tin nghiên cứu về dịch bệnh như thế là rất nhanh.

Để so sánh, trong dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003, phải mất hơn một năm từ khi dịch bùng phát mới có phân nửa số nghiên cứu nêu trên được công bố.

Ông Richard Horton - tổng biên tập nhóm các tạp chí khoa học và y khoa The Lancet ở Anh - cho biết ông đã lập ra một bộ phận có năng lực cao nhất để sàng lọc mỗi ngày từ 30-40 bản thảo nghiên cứu khoa học.

Đến nay, các nhà nghiên cứu văcxin, bác sĩ lâm sàng, nhà sản xuất giải pháp chẩn đoán và các cơ quan chính trị đã phối hợp xác định được các mã di truyền, phả hệ di truyền và mô hình dịch tễ học giúp họ bắt đầu nghiên cứu giải pháp ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan.

Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu đang ở dạng thô. Các chuyên gia ghi nhận hầu hết dữ liệu khoa học được công bố trên mạng chưa được các đồng nghiệp đánh giá, một số tài liệu thiếu mức độ chặt chẽ về khoa học, thậm chí một số thông tin sai đã bị rút lại.

Nghiên cứu khoa học về COVID-19 nhiều chưa từng có, nhưng có nên share? - Ảnh 4.

Tổng biên tập Richard Horton (tạp chí The Lancet) đã lập ra một bộ phận có năng lực cao nhất để sàng lọc bản thảo nghiên cứu khoa học - Ảnh: monocle.com

Chỉ là công bố ban đầu

Hãng tin Reuters đã quét tài liệu trên trang Google Scholar cùng với ba trang bioRxiv, medRxiv và ChemRxiv. Khoảng 60% trong 153 nghiên cứu về COVID-19 đều là công bố ban đầu.

Các công bố ban đầu thu hút giới nghiên cứu, truyền thông quốc tế và công chúng nhưng thật ra chỉ có thể tham gia tranh luận khoa học và thúc đẩy hợp tác chứ chưa được các đồng nghiệp đánh giá.

Tổng biên tập Richard Horton nhận định: "Nếu đó là thông tin giả, thông tin ngụy tạo hoặc tin đồn thì chắc chắn sẽ góp phần gây sợ hãi và hoảng loạn".

Ví dụ tiêu biểu là nghiên cứu của các nhà khoa học ở New Delhi (Ấn Độ) công bố hôm 31-1 ghi nhận có sự giống nhau "lạ lùng" giữa virus corona chủng mới và virus HIV. Thông tin này đã bị các nhà khoa học trên thế giới chỉ trích và nhanh chóng rút lại nhưng đã xuất hiện trong hơn 17.000 tweet và đã được 25 cơ quan báo chí đăng tải.

Một ví dụ khác: Bài viết của một nhà nghiên cứu ở Anh gửi cho tạp chí The Lancet cho rằng virus corona chủng mới có nguồn gốc do "virus rơi từ không gian".

Một nghiên cứu được công bố trên trang web Journal of Medical Virology hôm 22-1 đã dẫn đến hàng loạt tin đồn rằng COVID-19 ở Trung Quốc có thể là một loại cúm từ rắn. Các chuyên gia di truyền học nổi tiếng đã nhanh chóng nghi ngờ nghiên cứu trên.

Nghiên cứu khoa học về COVID-19 nhiều chưa từng có, nhưng có nên share? - Ảnh 5.

Tổng biên tập Magdalena Skipper (tạp chí Nature) cho biết: “Các bài viết chỉ được chấp nhận một khi đã được đánh giá cẩn thận” - Ảnh: medscape.com

Nguyên nhân do đâu?

Một phần của vấn đề chính là áp lực. Trở thành người đầu tiên công bố khám phá khoa học sẽ tô điểm cho hồ sơ khoa học tốt hơn và dễ dàng nhận được tài trợ, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đang lây nhiễm nhanh.

Tiến sĩ Efstathios Giotis ở Đại học Hoàng gia London (Anh) giải thích: "Do tiến triển của dịch, các nhà khoa học thường bị sức ép phải công bố ngay kết quả nghiên cứu".

Chuyên gia bệnh nhiễm này nhận xét mọi yêu cầu nghiên cứu đều được xem xét nghiêm ngặt và được  các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá độc lập, song đối với COVID-19 điều này lại không được thực hiện thường xuyên.

Tiến sĩ di truyền học Magdalena Skipper - tổng biên tập tạp chí Nature (Anh) - cho biết nhóm tạp chí của bà cũng như The Lancet đều chọn lọc bản thảo rất kỹ lưỡng. Bà nhấn mạnh: "Các bài viết chỉ được chấp nhận một khi đã được đánh giá cẩn thận".

Hiện nay, trang BioRxiv đã thêm nhãn cảnh báo màu vàng vào đầu thông tin nghiên cứu mới về virus corona chủng mới với nội dung: "Xin nhắc lại: đây là báo cáo sơ bộ và chưa được các đồng nghiệp đánh giá. Không nên xem đây là kết luận, hướng dẫn thực hành lâm sàng (hoặc) hành vi sức khỏe cũng như không nên xem như thông tin hoàn chỉnh trên các phương tiện truyền thông".  

Dịch COVID-19 ngày 20-2: Triều Tiên tăng thời gian cách ly người có nguy cơ lên 30 ngày Dịch COVID-19 ngày 20-2: Triều Tiên tăng thời gian cách ly người có nguy cơ lên 30 ngày

TTO - Số ca nhiễm mới tại tỉnh Hồ Bắc giảm xuống còn 349 ca so với 1.693 ca của ngày trước. Số tử vong cũng giảm còn 108 ca. Trong khi đó 2 khách nhiễm bệnh trên tàu Diamond Princess được thông báo đã tử vong.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên