Có lý do cho tâm thế này. Đây là lần đầu tiên, đoàn Việt Nam dự hội sách đông đảo với gần 100 người, trong đó có lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và các nhà xuất bản, công ty sách lớn.
TP.HCM cũng lần đầu tiên có gian hàng tại hội sách. Đoàn Việt Nam và TP.HCM đã có những cuộc họp có giá trị với lãnh đạo hội sách Frankfurt, các hội xuất bản lớn trên thế giới và trong khu vực với mục đích rất rõ ràng: học hỏi kinh nghiệm để Việt Nam có thể tổ chức các hội sách có tầm cỡ khu vực và quốc tế trong năm 2024; chuẩn bị cho việc quảng bá ngành xuất bản Việt Nam tốt hơn trong hội sách năm sau.
Rõ ràng đã có sự quan tâm nhiều hơn của Nhà nước với ngành xuất bản, cũng như sự tự tin vươn ra thế giới của các nhà xuất bản và công ty sách.
Để Việt Nam có thể trở thành "khách mời danh dự" của hội sách Frankfurt trong tương lai, hay tổ chức các hội sách lớn tầm cỡ quốc tế, rất cần nỗ lực của nhiều người.
Chỉ nói riêng trong việc có những đầu sách chất lượng có bạn đọc quốc tế, trước hết tác giả Việt Nam phải xác định không chỉ viết cho người trong nước đọc mà còn xuất bản được bằng ngôn ngữ khác.
Sách dành cho thiếu nhi và sách do doanh nhân viết đều có thể chuyển ngữ và bán bản quyền ra nước ngoài. Riêng với dòng sách cho thiếu nhi, ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì hiện đã có nhiều tác giả, họa sĩ Việt Nam đang cộng tác với các nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới.
Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của Indonesia khi đã chi hàng triệu đô la để chuyển ngữ những tác phẩm nổi tiếng của Indonesia sang tiếng Anh và giới thiệu với cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia hiện nay đều dành ngân sách cho việc hỗ trợ dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của mình sang ngôn ngữ khác.
Rời Frankfurt, tôi đến thăm một số nước Bắc Âu và đến đâu tôi cũng đều ghé vào nhà sách và thư viện. Với các quốc gia phát triển, họ đều dành ngân sách đáng kể cho việc xây dựng và duy trì các thư viện cộng đồng.
Và đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và khuyến đọc. Tôi có ấn tượng mạnh khi đến thăm thư viện cộng đồng Oslo của Na Uy. Nằm ở vị trí đẹp nhất thành phố, sát mép vịnh Oslo, thư viện trông như những trang sách mở.
Thư viện được xây dựng bằng công nghệ và vật liệu thân thiện với môi trường, trang trí đẹp, có lầu 2 dành cho trẻ em vui chơi, có đủ chỗ để đọc sách, làm việc, thư giãn, gặp gỡ bạn bè và cả tận hưởng một không gian yên tĩnh, thanh bình.
Thư viện có hơn triệu cuốn sách/văn hóa phẩm bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có hơn 200.000 đầu sách cho trẻ em. Tôi tin là nếu như Việt Nam có những thư viện đẹp và nhiều sách như vậy chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ.
Với giá đất ở các đô thị lớn đang rất đắt đỏ như hiện nay, bài toán hiệu quả cho việc xây dựng thư viện to đẹp như vậy là không khả thi nên rất khó thu hút vốn từ khối tư nhân.
Tôi nghĩ Nhà nước ngoài việc quy hoạch trường học tại các khu dân cư, nên chăng tính toán thêm quy hoạch cả thư viện cộng đồng. Và tư duy về quản lý thư viện cũng cần thay đổi. Thay vì thư viện là nơi cất giữ, bảo quản sách thì phải trở thành nơi sinh hoạt văn hóa và khuyến khích, mời gọi người dân đến đọc sách.
Khi người dân đến thư viện nhiều, đọc sách nhiều thì đó chính là yếu tố đưa đến tổ chức những hội sách lớn, tầm cỡ như Frankfurt. Và câu chuyện không chỉ là sách hay hội sách mà còn mang đến những điều lớn lao hơn, ý nghĩa hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận