TP.HCM có thể thoái vốn hoặc bán doanh nghiệp nhà nước để lấy tiền làm những dự án như rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trước đó, phát biểu tại kỳ họp HĐND TP.HCM hôm 7-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận việc tổ chức thực hiện nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM có nhiều vấn đề phức tạp, kết quả chưa như mong muốn. UBND TP sẽ có tổng kết những mặt làm được và chưa làm được vào báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết 54, từ đó đề xuất nghị quyết mới thay thế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Du Lịch cho biết TP.HCM đang trong quá trình tổng kết để làm rõ hơn những mặt tích cực và những tồn tại qua 5 năm thực hiện nghị quyết 54. Mục đích của nghị quyết là tạo điều kiện cho TP có thêm nguồn lực để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển.
Về khách quan, trong 5 năm thực hiện nghị quyết thì có 2 năm đại dịch COVID-19, 1 năm chuẩn bị nên thực tế TP.HCM không có nhiều thời gian. Hơn nữa, một số vấn đề không tùy thuộc vào thẩm quyền của TP.
* Vậy theo ông, TP.HCM được gì qua 5 năm thực hiện nghị quyết 54?
- Tôi cho rằng triển khai nghị quyết 54 được hay chưa đều là bài học thực tiễn để trong tương lai có thể xây dựng một cơ chế đồng bộ và nội dung chính vẫn là cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa trung ương và TP. Trọng tâm sắp tới là xin phân cấp phân quyền.
TP muốn xin thêm cơ chế phân cấp phân quyền thì phải đánh giá xem có năng lực thực thi những quyền đó hay không vì được giao quyền đồng nghĩa với đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn, năng lực cao hơn để đánh giá, bố trí lại bộ máy.
* Phân cấp, phân quyền cụ thể như thế nào?
- Điều tôi kỳ vọng nhất là có cơ chế phân cấp phân quyền rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP. Ví dụ như liên quan về kinh tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường... phải được minh bạch về thẩm quyền: nội dung nào do trung ương quyết, những nội dung nào do TP.HCM quyết.
Thứ hai là vấn đề ngân sách. Theo tôi thì ngân sách phải tính toán một cơ chế là minh bạch tỉ lệ mà TP phải đóng góp về trung ương theo quy định chung phải ổn định trong nhiều năm. Phần ngân sách cho TP được tăng thu thì tăng bao nhiêu TP sẽ được hưởng bấy nhiêu và HĐND TP quyết định chi khoản này. Hoặc TP.HCM không bị trói buộc trong việc phát hành trái phiếu địa phương để thực hiện các công trình.
Về tổ chức bộ máy: trung ương cần cho TP.HCM quyền chủ động hơn trong tổ chức bộ máy: cơ quan nào là tham mưu giúp việc, cơ quan nào quản lý nhà nước.
Về chính sách đãi ngộ cán bộ công chức thì nên để cho TP.HCM tự chủ trên cơ sở nguồn thu. Ví dụ việc này trước đây cần ba người làm, nay chỉ có một người làm. Vậy họ hưởng lương bằng ba người được không?
Nếu Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 phải trên cơ sở rõ ràng những vấn đề trên. Để thực thi được, Chính phủ cần ban hành nghị định triển khai nghị quyết. Nghị định cụ thể rõ từng điểm một, nội dung nào thuộc thẩm quyền TP. Nội dung nào phải trình xin ý kiến các bộ thì mới phải làm.
* Nếu được phân cấp như trên thì những vấn đề của nghị quyết 54 sẽ được giải quyết ra sao?
- Trước hết có một số vấn đề do thiếu tính đồng bộ và cơ chế thực thi, nên làm hạn chế hiệu lực của nghị quyết 54. Ví dụ như vấn đề giao cho TP vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP quản lý.
Về nguyên tắc tài sản thuộc sở hữu nhà nước là sở hữu toàn dân chỉ phân cấp cho TP.HCM quản lý. Nếu đã giao cho TP.HCM quản lý thì phải định giá lại doanh nghiệp và xem đó như nguồn tài sản của TP.HCM. Khi đó, TP.HCM chỉ được dùng nguồn tài sản này để phát triển, không dùng chi thường xuyên. Khi đó, TP.HCM có thể thoái vốn hoặc bán doanh nghiệp để lấy tiền làm những dự án như cải tạo rạch Xuyên Tâm chẳng hạn.
Hoặc cho TP.HCM được lập công ty đầu tư tài chính (HFIC) là một đột phá nhưng phải hướng tới tổ chức một tập đoàn tài chính nhà nước để huy động nguồn lực tài chính thực hiện các công trình xã hội. Nhà nước đưa tiền thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào HFIC, nâng vốn của đơn vị này lên thành 50.000 hoặc 100.000 tỉ đồng. Khi TP cần thực hiện một dự án nào đó, HFIC phát hành trái phiếu doanh nghiệp thực hiện, TP không phải vướng nợ công. Công cụ là vậy, rất tiếc đến nay chưa sử dụng được. Cần phải cho TP sử dụng những quyền như vậy.
TP.HCM chủ yếu vẫn là vay trái phiếu chính phủ chứ quyền phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu công trình… còn rất hạn chế. Tôi cho rằng trái phiếu phát hành được bao nhiêu phải do thị trường đánh giá. Chính phủ đánh giá độ an toàn về tài chính giữa giá trị trái phiếu phát hành so với khả năng chi trả để cảnh báo chứ không khống chế. Nếu TP.HCM không chấp hành, Chính phủ có quyền đình chỉ việc phát hành trái phiếu.
"Có sự hạn chế trong việc phân cấp cho TP.HCM"
Phát biểu tại kỳ họp HĐND TP.HCM hôm 7-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận có sự hạn chế trong việc phân cấp cho TP. Theo đó, lúc ban đầu tiếp cận theo nghị quyết 54, việc này phân cấp cho TP, nhưng khi làm phải hỏi ý kiến các bộ, mà phải quy lại các quy định của pháp luật.
"Phân cấp phải giao điều kiện để thực hiện, đây là vấn đề cốt lõi mà TP sẽ đưa vào nghị quyết thay thế nghị quyết 54 trong thời gian tới", ông Mãi nói. Bên cạnh đó, TP sẽ đưa vào cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức và cơ chế cho trung tâm tài chính vào nghị quyết thay thế nghị quyết 54.
"Điều tôi kỳ vọng nhất là có cơ chế phân cấp phân quyền rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP. Ví dụ như liên quan về kinh tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường... phải được minh bạch về thẩm quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận