Đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) nói thương mại điện tử là một xu thế của thế giới, mức tăng trưởng và biến chuyển thị trường tại Việt Nam cũng đang diễn ra rất nhanh, không thể sử dụng những quy định cũ của một bộ luật đã có tuổi đời 10 năm để điều chỉnh được nữa.
Bài học nhãn tiền từ Grab, Uber
Theo đại biểu Lê Quang Huy, các sự kiện mới đây như hoạt động kinh doanh game trực tuyến, bán hàng qua mạng... đã cho thấy thương mại điện tử đang nở rộ và mang lại thu nhập rất lớn. Dù ngành thuế đã có rất nhiều nỗ lực để thu thuế nhưng kết quả mang lại vẫn còn chưa sát với thực tế.
Ông Huy cho rằng những phương thức để quản lý thuế với loại hình thương mại điện tử đưa ra trong dự thảo luật sửa đổi còn mờ nhạt. Phương thức thu thuế cần hướng đến mục đích tránh thất thu, tăng niềm tin cho cả người giao dịch lẫn các cơ quan quản lý thay vì nhằm mục đích "tận thu".
"Đành rằng việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử là rất khó, tuy nhiên cần xác lập một tầm nhìn dài hạn, quản lý thuế theo phương thức mới theo kịp xu thế chứ không chỉ dừng lại ở việc kê khai thu nộp điện tử áp dụng hóa đơn chứng từ điện tử như dự thảo", đại biểu Nghệ An nói.
Ông Lê Quang Huy cũng cho rằng công việc này không thể tách rời mối liên kết giữa các cơ quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Thông tin và truyền thông, các tập đoàn cung cấp dịch vụ số trên Internet...
Sự liên thông này nhằm giúp cơ quan thuế có một cách thức xác định doanh thu, lợi nhuận, mức thuế phù hợp, chính xác, đồng thời ngăn chặn được tình trạng chuyển giá.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thì cho rằng công tác thuế phải có tư duy linh hoạt, bám sát xu thế của kinh tế số thế giới hiện nay.
"Nếu quản lý như cũ thì những thách thức kinh doanh qua mạng nan giải mà ngành thuế sẽ đối diện sẽ tiếp tục diễn ra như các vụ việc của Uber, Grab... Thay vì thu hẹp quyền của các chủ thể, chúng ta phải tạo ra được hành lang để các cơ quan, các doanh nghiệp hoạt động đúng luật, đóng thuế đầy đủ", ông Nhân nói.
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) - Ảnh: Quochoi.vn
Luật chưa đánh giá đúng mức tình trạng chuyển giá
Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) thì nhấn mạnh đến tính công bằng của công tác thuế đối với người dân với doanh nghiệp.
"Người dân chậm thuế một ngày thì bị hối đủ cách. Trong khi doanh nghiệp chậm thuế, nợ thuế, không đóng thuế thì phải đợi thanh tra. Đợi xong rồi thì còn lâu mới xử. Mà khi xử thì chỉ cần một lý do đại khái như quên nộp thì doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội thoát thân", đại biểu Gia Lai nói.
Nhiều đại biểu cũng nêu lo ngại về tình trạng chuyển giá gây thất thu cho ngân sách nhà nước nhưng dự thảo luật chưa có quy định rõ ràng, thể hiện sự nhìn nhận chưa đúng mức độ nghiêm trọng của tình trạng đang rút tài nguyên đất nước để đưa ra nước ngoài này.
Giải trình với các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận tình trạng chuyển giá là có thật, diễn ra ở rất nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên việc xử lý của cơ quan nhà nước đang gặp nhiều khó khăn bởi các doanh nghiệp đưa ra nhiều hình thức để biện giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận