Hàng loạt DNNN, trong đó có EVN kiến nghị Bộ Tài chính về quy định khống chế chi phí lãi vay là 20%. Trong ảnh: Trụ sở EVN tại Hà Nội - Ảnh: TL
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Công ty M.T.C.B (viết tắt) cho biết công ty này đang đầu tư dự án cáp treo gắn với dịch vụ tại địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, được nhà nước khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi thuế. Vốn đầu tư được huy động từ các cổ đông, các doanh nghiệp, các đối tác có quan hệ liên kết và từ nguồn vốn vay ngân hàng.
Nguồn vốn đầu tư rất cao nên công ty chưa thể có lãi ngay trong những năm đầu. Do vậy nếu khống chế lãi vay theo Nghị định 20/2017 (không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ) sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn.
"Vì sự sống còn của doanh nghiệp chúng tôi kiến nghị chưa áp dụng quy định khống chế tỉ lệ lãi vay vì dự án cuả công ty chúng tôi nằm ở vùng sâu vùng xa và không có dấu hiệu của chuyển giá", Công ty này kiến nghị.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã gửi kiến nghị lên Chính Phủ trong đó khẳng định rằng họ ủng hộ đối với chủ trương chống chuyển giá, đặc biệt là giao dịch liên kết qua biên giới, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm chuyển lợi nhuận phát sinh ở VN ra nước ngoài.
Tuy nhiên quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20/2017 lại "đánh" vào những doanh nghiệp trong nước, đặc biệt những doanh nghiệp đang trong quá trình đầu tư và không có dấu hiệu chuyển giá. Do vậy các doanh nghiệp kiến nghị sửa nhanh quy định này theo hướng không áp dụng quy định khống chế lãi vay hoặc cho phép doanh nghiệp được phân bổ lãi vay theo doanh thu theo thời gian hoạt động của dự án ghi trên giấy chứng nhận đầu tư.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng quy định khống chế lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế như trong Nghị định 20/2017 đang tạo thành rào cản, gánh nặng cho doanh nghiệp trong nước. Do vậy không cần chờ đến sửa Luật mà phải sửa ngay Nghị định. Mặt khác việc sửa cũng có thể tiến hành nhanh vì nằm trong thẩm quyền của Chính Phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận