29/10/2018 15:08 GMT+7

Bị đánh thuế 'chống chuyển giá' trăm tỉ, nhiều ông lớn kêu trời

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Quy định khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang khiến cho hàng loạt ông lớn có nguy cơ phải đóng thêm hàng trăm tỉ đồng.

Bị đánh thuế chống chuyển giá trăm tỉ, nhiều ông lớn kêu trời - Ảnh 1.

Hàng loạt DNNN kiến nghị Bộ Tài chính về quy định khống chế chi phí lãi vay là 20% - Ảnh: TL

Một loạt doanh nghiệp đã phải gửi văn bản lên Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi quy định nghị định 20/2017 vì cho rằng không có động cơ "chống chuyển giá" nên kiến nghị không nằm trong nhóm đối tượng bị chi phối bởi nghị định 20. Phần lớn các kiến nghị này đều là các doanh nghiệp nhà nước.

Đội thêm tiền thuế hàng trăm tỉ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết hiện đang có khoản vay ngoại tệ nhận nợ lại từ khoản vay giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Theo đó, tổng mức của khoản vay này chiếm tỉ lệ tới 82% trên tổng dư nợ các khoản vay của công ty. Do đó, nếu theo quy định của nghị định 20/2017 áp trần chi phí lãi vay chỉ ở mức 20% thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại.

"Dự án triển khai từ năm 2003 và hoạt động từ 2011 đến nay, vẫn hoạt động và trả nợ bình thường, nếu áp theo nghị định 20 thì công ty sẽ bị ảnh hưởng rất lớn do chỉ được để lại 20%" - vị này cho hay.

Theo EVN, các khoản mà tập đoàn này cho vay lại đều là những trường hợp do EVN vay để "đầu tư các công trình điện sau đó chuyển giao sang các công ty con, công ty liên kết của EVN theo quyết định của Thủ tướng hoặc Bộ Công thương", với mức lãi suất tương ứng với lãi suất ghi trong hợp đồng vay.

"Nhu cầu điện tăng cao nên việc đầu tư mới các dự án điện rất lớn, nhưng nguồn vốn tự có không đủ đáp ứng nên EVN và các đơn vị thành viên vẫn phải tiếp tục huy động nguồn vốn vay.

Bản chất các giao dịch liên kết có tính chất "cho vay lại" giữa EVN và các đơn vị được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tuân thủ nguyên tắc giá thị trường, nên nếu tính giới hạn chi phí lãi vay sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của EVN rất lớn, gây khó khăn trong cân đối đầu tư" - EVN cho biết.

Theo tập đoàn này tính toán, trường hợp áp dụng quy định này thì EVN và các đơn vị thành viên phát sinh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tăng rất lớn. Cụ thể, EVN GENCO 1 nộp thêm 339 tỉ đồng, EVN GENCO 3 tăng khoảng 216 tỉ đồng.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cũng cho rằng những doanh nghiệp liên kết thuộc Lilama đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá.

Trong khi đó, chi phí lãi vay phát sinh thực tế từ việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, theo giá thị trường, có hồ sơ, chứng từ hợp lệ. Do vậy, việc quy định mức trần trên tổng chi phí lãi vay như trên, theo Lilama cho rằng là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.

"Về bản chất chi phí lãi vay từ huy động vốn của các doanh nghiệp, không phân biệt có hay không có quan hệ liên kết tại các tổ chức tín dụng là như nhau. Như vậy, quy định này tại thời điểm hiện nay là chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết và doanh nghiệp không có quan hệ liên kết" - doanh nghiệp này cho hay.

Cần khống chế chi phí ở mức phù hợp

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc đưa ra mức trần chi phí lãi vay là cần thiết để ngăn chặn việc chống chuyển giá cũng như yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cao năng lực vốn tự có vì trên thực tế, hành vi chống chuyển giá không chỉ có ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà cả các doanh nghiệp trong nước.

Đơn cử như hành vi công ty mẹ ở nước ngoài cho công ty con vay với lãi suất cao và chuyển giá ở lãi vay; hoặc trường hợp doanh nghiệp thành lập công ty con ở các vùng sâu vùng xa, hưởng thuế mức thấp và chuyển thu nhập về doanh nghiệp để được giảm thuế; hay doanh nghiệp mua bán chuyển nhượng báo lỗ để chuyển giá...

"Cần bắt buộc khống chế mức trần nếu không sẽ giảm trừ vô tội vạ và lợi dụng để chuyển giá, trốn thuế. Cũng không thể có quy định mang tính "phân biệt đối xử" giữa doanh nghiệp trong nước ngoài doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, việc khống chế mức trần 20% có thể xem xét kỹ lưỡng hơn, dựa trên việc khảo sát tình hình chung của doanh nghiệp và có trường hợp ngoại lệ" - ông Thịnh cho hay.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên