Bị khống chế lãi vay, nhiều doanh nghiệp lo khả năng mở rộng đầu tư bị hạn chế. Trong ảnh: tại một dự án vay vốn lớn để đầu tư - Ảnh: V.HÀ
Nghị định 20/2017 được coi là nghị định về chống chuyển giá nhưng lại đang khiến hàng chục doanh nghiệp nội có văn bản "kêu" khả năng khó mở rộng đầu tư, do chi phí lãi suất bị "siết" quá chặt.
Đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế
Tổng cục Thuế cho biết đã nhận được tới 39 công văn của doanh nghiệp nêu vướng mắc liên quan đến việc thực hiện nghị định 20/2017 và thông tư hướng dẫn nghị định này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết đã làm việc với một số doanh nghiệp về vấn đề kể trên.
Một số doanh nghiệp thắc mắc là việc thống nhất khống chế tỉ lệ lãi vay được tính vào chi phí hợp lý khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, khiến họ khó khăn khi phát sinh thêm hàng trăm tỉ đồng tiền thuế.
Với ý kiến cho rằng nghị định chỉ áp dụng cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này, theo ông Tuấn, là không chính xác. Bởi nghị định nêu rất rõ, những doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì phải chịu khống chế tỉ lệ lãi vay chứ không phân biệt FDI hay trong nước...
Chia sẻ thêm, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết khống chế tỉ lệ lãi vay được đưa ra sau khi nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Thực tế, các nước đều có giới hạn tỉ lệ lãi vay, có nước áp mức 30%, có nước quy định là 10%, và mức 20% là phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Sau hơn 1 năm nghị định có hiệu lực, phía các doanh nghiệp FDI chấp hành tốt, trong khi đó có một loạt doanh nghiệp nội lại kêu khó khăn.
Bộ Tài chính cũng băn khoăn?
Tại dự thảo tờ trình về tình hình thực hiện nghị định 20/2017 gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính báo cáo nghị định này được xây dựng nhằm chống chuyển giá, chống tránh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lợi dụng chi phí lãi vay để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Nhưng trên thực tế, trong quá trình thực hiện, các tập đoàn, tổng công ty trong nước và các công ty thành viên lại chịu tác động nhiều nhất.
Trong khi đó, dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính công nhận các đối tượng trên không có hoặc có rất ít động cơ để chuyển giá thông qua việc sắp xếp các giao dịch vay...
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa đề xuất phương án giải quyết, trong đó cấp thiết là quy định về khống chế chi phí lãi vay.
Theo đó có 2 nhóm vấn đề được đề xuất. Một là cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nghị định 20, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo. Hai là nguyên tắc áp dụng nghị định. Có cách hiểu chưa thống nhất một số nội dung, Bộ Tài chính sẽ có công văn hướng dẫn...
Trong khi chờ cơ quan chức năng trả lời, một số doanh nghiệp nội lo lắng nếu tiếp tục khống chế chi phí lãi vay không được quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay, chi phí khấu hao; với tiềm lực còn có hạn, doanh nghiệp Việt sẽ khó lòng đầu tư vào những dự án lớn để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.
Giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
Tác động tới doanh nghiệp trong nước, dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính cũng công nhận việc áp dụng nghị định 20/2017 sẽ khiến giảm lợi nhuận còn lại để đầu tư, giảm lợi thế cạnh tranh của một số doanh nghiệp Việt so với các công ty con của các tập đoàn, công ty đa quốc gia thành lập và hoạt động tại Việt Nam...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận