16/09/2023 05:30 GMT+7

Ngân hàng mãi giữ lãi suất cao, doanh nghiệp 'nghỉ chơi'

LÊ THANH
và 1 tác giả khác

"Tôi tin chắc rằng nếu ngân hàng còn duy trì lãi suất cao thì không doanh nghiệp nào chơi với ngân hàng đó nữa" - ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, bơm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực lúa gạo và thủy sản. Trong ảnh: chế biến gạo xuất khẩu tại huyện Phú Tân, An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, bơm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực lúa gạo và thủy sản. Trong ảnh: chế biến gạo xuất khẩu tại huyện Phú Tân, An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đó là ý kiến của ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - phát biểu tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức vào chiều 15-9 ở Cần Thơ.

Ông Đào Minh Tú cho biết tín dụng đến nay mới tăng 5,56% trong khi cùng kỳ là 9,86%. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nói chung hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu vì nhu cầu tiêu dùng đều giảm.

Doanh nghiệp mong giảm lãi suất

Phát biểu tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo - Công ty TNHH Lộc Vân (Đồng Tháp) - đề xuất ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay để mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện tại lãi suất cho vay mà doanh nghiệp này phải trả dao động 7,3 - 9%/năm áp dụng kỳ hạn 6 tháng.

"Mặc dù lãi vay có giảm nhưng vẫn cao hơn mức 5,5 - 6% của năm 2021. Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc tiết giảm chi phí lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường", đại diện doanh nghiệp Lộc Vân chia sẻ.

Cùng với đề xuất giảm lãi suất cho vay, nhiều doanh nghiệp còn kiến nghị ngân hàng nên linh hoạt hạn mức cũng như thời điểm vay vốn phù hơp với hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo như tăng cho vay vào thời điểm thu mua, nhất là vụ đông xuân.

Ngoài ra, giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời của An Giang mong các ngân hàng thương mại xem xét kéo dài thời hạn vay sang trung dài hạn thay vì 6 tháng như hiện nay. Bởi sản xuất con giống thì cần 12 tháng, nhưng 6 tháng phải lo trả vốn cho ngân hàng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Ngân hàng phải chủ động giảm lãi suất

Để hỗ trợ doanh nghiệp, trao đổi tại hội nghị, ông Đào Minh Tú thông tin từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành bốn lần, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Dư nợ tín dụng đến nay là 12,6 triệu tỉ đồng.

Ngân hàng không thiếu vốn, thậm chí là đang dư thừa, đang chữa bệnh thừa tiền. Cũng giống như doanh nghiệp tồn kho hàng hóa thì ngân hàng đang thừa kho tiền. Do đó, ngân hàng đẩy mạnh tăng tín dụng hơn nữa để tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp.

Nhưng để tháo gỡ khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, theo ông Tú, cần phải có giải pháp hỗ trợ việc tiêu thụ hàng hóa. Cụ thể, những lĩnh vực cần có bàn tay của Nhà nước như giải quyết câu chuyện thị trường thông qua đối thoại, hợp tác xúc tiến đầu tư với các nước sẽ góp phần giúp khai thông được hàng hóa. Bên cạnh đó, giải pháp kích cầu thị trường trong nước với 100 triệu dân cũng cần được đẩy mạnh.

Về phía ngân hàng, ông Tú nhấn mạnh muốn tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng phải chủ động hơn nữa trong việc giảm lãi suất cho vay. Thời gian qua, một số ngân hàng còn chậm giảm lãi suất. Nhưng đến thời điểm gần đây, nhất là 1-2 tuần vừa rồi, ngân hàng không thể không hạ lãi suất.

"Tôi tin chắc rằng nếu ngân hàng còn duy trì lãi suất cao thì không doanh nghiệp nào chơi với ngân hàng đó nữa. Với chính sách khách hàng được vay ngân hàng này để trả ngân hàng khác đã tạo sức ép buộc các ngân hàng phải cạnh tranh với nhau để hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng", ông Tú nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước có cơ chế gì giúp khách hàng vay của ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác có lãi suất cao hơn, khi tài sản đảm bảo đang thế chấp ở ngân hàng khác? Ông Đào Minh Tú trả lời đây là những vấn đề kỹ thuật trong khâu tổ chức thực hiện của các ngân hàng thương mại, không phải là vấn đề của cơ chế chính sách.

Cơ chế mới tạo điều kiện cho khách hàng có thể lựa chọn vay vốn của ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn. Mặt khác, cơ chế này cũng khiến các ngân hàng thương mại cạnh tranh với nhau nhiều hơn, giúp hạ lãi suất tích cực hơn.

Kết luận hội nghị, ông Tú chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải tiếp tục hạ lãi suất các khoản vay mới và cả những khoản cũ, cả lãi suất cho vay nội tệ và ngoại tệ. Đồng thời tiếp tục cắt giảm phí và thủ tục không cần thiết.

Đặc biệt, ông nghiêm cấm tình trạng giải ngân tín dụng kèm bán bảo hiểm, dứt khoát không có chuyện bán kèm bảo hiểm mới giải ngân vốn, việc mua hay không là quyền của người dân và doanh nghiệp.

Về giải pháp để hạ lãi suất cho vay trung dài hạn, giúp doanh nghiệp có thể đầu tư nhà xưởng, mở rộng sản xuất kinh doanh, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng đến nay lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm. Thực tế có nhiều mức lãi suất của nhiều ngân hàng còn thấp hơn thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Đây là việc hết sức thuận lợi, điều kiện tích cực cho việc giảm giá thành và giá đầu vào của các doanh nghiệp. Lãi suất ngắn hạn đã giảm thì xu hướng lãi suất trung dài hạn cũng sẽ giảm theo. Không có lý gì lãi suất trung dài hạn kéo dài hoặc ở mức cao mãi.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8, dư nợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt gần 535.000 tỉ đồng, chiếm 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản rất ấn tượng. Cụ thể: dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%); dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Lãi suất tiền gửi giảm nhanh, lãi suất tiền vay vẫn lẳng lặng tăngLãi suất tiền gửi giảm nhanh, lãi suất tiền vay vẫn lẳng lặng tăng

Dù lãi suất huy động liên tục giảm mạnh, Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước nhiều lần chỉ đạo quyết liệt nhưng lãi vay vẫn được các ngân hàng neo ở mức cao bằng cái gọi là "lãi suất cơ sở" thay vì dựa vào lãi suất huy động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên