01/06/2023 11:01 GMT+7

Ngăn chặn lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa

Ngăn chặn lợi ích nhóm ra sao? Để nâng cao chất lượng giáo dục, nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Ngăn chặn lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa - Ảnh 1.

Học sinh lớp 2 trong giờ học môn tự nhiên xã hội với sách giáo khoa mới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Quy định thể hiện chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" - một chủ trương đổi mới sâu sắc, có tính cách mạng trong giáo dục phổ thông nhằm huy động các nguồn lực, tạo nhiều kênh cung cấp tri thức. Quan trọng hơn, việc này nhằm tránh tình trạng độc quyền SGK của cơ chế bao cấp cũ để phù hợp với cơ chế thị trường trong thời đại kinh tế tri thức, cách mạng công nghệ 4.0 và xu thế hội nhập với thế giới.

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" không dễ dàng trong thời kỳ chuyển đổi. Đặc biệt, gần đây dư luận đã nêu lên những hiện tượng bất thường trong việc thực hiện thông tư số 25 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lựa chọn sách giáo khoa, có khả năng dẫn đến triệt tiêu chủ trương "một chương trình - nhiều sách giáo khoa".

Việc thông tư này quy định hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học đã mâu thuẫn ngay với các quy định trong thông tư và dẫn đến nhiều hệ quả. 

Cụ thể, thông tư quy định cơ sở giáo dục phổ thông phải tổ chức xét chọn rất công phu, qua nhiều bước nghiên cứu, đánh giá, thảo luận và bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa của tổ chuyên môn (gồm các giáo viên), đại diện cha mẹ học sinh để lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học. Tuy vậy, toàn bộ kết quả lựa chọn hết sức công phu đó rất có thể bị một hội đồng chỉ gồm 15 người bác bỏ. 

Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển hay một bộ sách giáo khoa sẽ thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo. Như vậy toàn bộ các quy định lựa chọn chặt chẽ ở trên đều bị vô hiệu hóa.

Mặt khác, theo ý kiến công luận, hiện nay do có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn và phát hành sách giáo khoa nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. 

Nhà xuất bản có thể đầu tư cho sở giáo dục và đào tạo để có lợi cho việc phát hành sách của mình; cạnh tranh về tỉ lệ chiết khấu phát hành; vận động một số địa phương và cán bộ quản lý giáo dục trong việc chỉ định mua sách giáo khoa; chỉ đạo các công ty phát hành sách giáo khoa ở địa phương không được phát hành sách giáo khoa các nhà xuất bản khác...

Lẽ ra Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lường trước việc này. Quy định trao toàn quyền cho hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tạo điều kiện cho thành viên hội đồng chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín. Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh.

Khi tình trạng lựa chọn sách giáo khoa thiếu khách quan diễn ra tràn lan, việc lựa chọn sách giáo khoa lại quay về cơ chế chỉ có một bộ sách giáo khoa cho một môn học ở địa phương, tức là triệt tiêu chủ trương "một chương trình - nhiều sách giáo khoa" của Đảng và Nhà nước.

Để ngăn chặn việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm sửa đổi thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn sách giáo khoa của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách. Hội đồng lựa chọn chỉ kiểm tra, xác nhận sách được lựa chọn đã được bộ cho sử dụng, báo cáo UBND tỉnh quyết định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần bổ sung vào thông tư các quy định về yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK, cũng như cách xử lý ý kiến khác nhau giữa đề xuất của cơ sở và hội đồng lựa chọn sách.

Cùng với đó UBND cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo để việc lựa chọn sách giáo khoa ở địa phương có định hướng và cơ chế lựa chọn đúng đắn. Đặc biệt, cần chỉ đạo chặt chẽ việc lựa chọn thành viên hội đồng lựa chọn sách theo tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức. Đồng thời xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực.

TP.HCM phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8, 11TP.HCM phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8, 11

UBND TP.HCM vừa phê quyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục tại TP.HCM ở bậc tiểu học, THCS và THPT từ năm học 2023 - 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên