06/04/2019 11:03 GMT+7

Ngăn chặn bạo lực học đường: Không 'khoán trắng' cho nhà trường

NGỌC HÀ Thực hiện
NGỌC HÀ Thực hiện

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Linh - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT - nêu quan điểm như thế khi chia sẻ về những vụ bạo lực học đường liên tiếp trong thời gian qua.

Ngăn chặn bạo lực học đường: Không khoán trắng cho nhà trường - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10, TP.HCM) chơi cùng nhau trong sân trường - Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo ông Bùi Văn Linh, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường rất đầy đủ nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

* Bộ GD-ĐT nhận định nguyên do là từ đâu, thưa ông?

- Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm sinh lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình. Một số học sinh chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với sự biến đổi của đời sống xã hội. Những hành vi xấu xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống đã có tác động tiêu cực đến học sinh.

Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả.

Bộ đã quy định công tác tư vấn học đường, công tác xã hội trong trường học, nhưng các nhà trường triển khai còn chậm. Thêm nữa, có việc thiếu quan tâm, chưa sát sao trong giáo dục học sinh của gia đình, thậm chí còn có tâm lý "khoán trắng" cho nhà trường.

Ngăn chặn bạo lực học đường: Không khoán trắng cho nhà trường - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Linh - Ảnh: TRẦN NGUYỆT

* Nhiều ý kiến đổ lỗi cho nhà trường, nhưng cũng có ý kiến gia đình có vai trò quan trọng. Ý kiến của ông thế nào?

- Giáo dục là sự nghiệp "trăm năm trồng người", tức là quá trình này lâu dài, khó khăn. Nguyên tắc phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội mà chỉ thiếu một bên thì quá trình giáo dục toàn diện khó thành công.

Trong đó, nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc; phụ huynh phải nắm bắt được các tâm tư, nguyện vọng, thay đổi của con em để chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và phối hợp cùng nhà trường, đồng thuận với cách giáo dục của giáo viên để xử lý các vấn đề. 

Tới đây, bộ sẽ tăng cường biện pháp hiệu quả hơn nhằm gắn trách nhiệm của gia đình đối với quá trình phối hợp quản lý, giáo dục, chăm sóc các em.

Chính quyền địa phương, các ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động trong nhà trường bảo đảm đúng quy định, bảo đảm các điều kiện về quy định môi trường giáo dục lành mạnh.

* Trong nhiều vụ bạo lực đau lòng, từ học sinh bị đánh đến chứng kiến đều im lặng, phải chăng việc giáo dục, hỗ trợ tâm lý cho trẻ trong nhà trường đang bị bỏ rơi?

- Thực hiện nghị định 80 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã có hai thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Theo đó, tất cả các trường phổ thông đều thành lập tổ tư vấn tâm lý, tổ chức giáo dục kỹ năng sống, tiếp nhận các tâm tư, vướng mắc của học sinh để tư vấn; rà soát, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế... để có thể học tập tốt như các bạn có điều kiện gia đình bình thường.

Tuy nhiên, phải nói rằng việc cập nhật các chính sách, quy định của ngành đối với từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh còn bất cập. Vẫn còn có địa phương, nhà trường chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc các chỉ đạo này.

* Dư luận cũng rất bức xúc khi nhiều thầy cô, nhà trường nghĩ ngay đến việc giấu thông tin khi sự cố xảy ra...

- Tháng 12-2018, bộ đã ban hành công văn chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn các trường thu thập thông tin về học sinh, xây dựng kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường và cách xử lý. 

Bộ đang chủ trì và phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ ban hành nghị định xử phạt trong lĩnh vực trẻ em. Khi đó cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.

Theo tôi, khi phát hiện các mâu thuẫn của học sinh, giáo viên cần tiếp cận ngay vấn đề, qua các kênh trực tiếp, gián tiếp để tìm hiểu rõ bản chất sự việc, trao đổi cùng cha mẹ các em và báo cáo hiệu trưởng nhà trường xin ý kiến chỉ đạo giải quyết ngay. 

Giáo viên tư vấn, cán bộ Đoàn - Đội cũng có trách nhiệm quan tâm đến tư tưởng, ý kiến của các đoàn viên, đội viên, học sinh, tuyệt đối không được chủ quan, bỏ qua và chậm trễ trong xử lý các tình huống.

* Vậy Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp quyết liệt nào để ngăn chặn bạo lực học đường?

- Chúng ta đã có nhiều giải pháp nhưng trong thời gian tới các bộ, ngành và các địa phương sẽ phải cùng nhau vào cuộc trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường. Các địa phương phải thường xuyên giám sát việc thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trong trường học.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những điểm bất cập để tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Tăng cường tuyên truyền những gương người tốt - việc tốt, tấm gương điển hình chăm ngoan, học giỏi, có trách nhiệm với bạn bè và cộng đồng.

Quá trình bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên nhằm nâng cao năng lực sư phạm, xử lý tình huống sư phạm... cũng cần được tăng cường hơn trong thời gian tới đây cho tất cả cá nhân, tổ chức có trong trường học.

* Từ năm 2011-2018 có đến hơn 18.000 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan đến cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Đây có phải là con số đáng báo động?

- Nghiên cứu các nước phát triển cho thấy tình trạng bạo lực học đường cũng rất nghiêm trọng, xảy ra thường xuyên với nhiều hình thức như bắt nạt, đánh nhau…Chính phủ các nước này cũng phải có nhiều giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh công tác này.

Ở VN, với quy mô lớn trên 22 triệu học sinh, sinh viên và 1,2 triệu nhà giáo - tổng cộng chiếm gần 1/4 dân số cả nước, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn không phải là công việc dễ dàng và không chỉ riêng một ngành nào có thể làm được.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn cần làm gì để ngăn chặn triệt để nạn bạo lực học đường?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Duy trì Duy trì 'lửa' ngăn bạo lực học đường

TTO - Thật đau lòng trước các hành vi bạo lực học đường. Nhưng chúng ta không bi quan, bởi đã có thông điệp rất mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ rằng các hành vi này phải được xử lý nghiêm.

NGỌC HÀ Thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên