Nga cho biết họ không gia hạn thêm thỏa thuận quốc tế "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" sau khi hết hạn vào ngày 17-7. Thỏa thuận này cho phép vận chuyển an toàn ngũ cốc của Ukraine thông qua các cảng ở Biển Đen.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là gì?
Thỏa thuận trên đã giúp kiềm chế giá lương thực trên toàn thế giới sau cuộc xung đột Nga và Ukraine năm ngoái. Đây là hai nước nằm trong số những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới.
Theo Đài Al Jazeera, Điện Kremlin khẳng định sẽ quay trở lại với thỏa thuận ngay lập tức nếu nhu cầu cải thiện xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính nước Nga được đáp ứng.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2-2022 đã đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
Vào tháng 7-2022, Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã dàn xếp một thỏa thuận với Nga cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận sẽ cho phép các con tàu đi lại an toàn từ các cảng Yuzhny, Odessa và Chornomorsk của Ukraine đến eo biển Bosporus ở Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị tấn công.
Cùng với đó là một thỏa thuận riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng thực phẩm và phân bón của Nga.
Nhưng từ lâu, Nga đã phàn nàn rằng các phần của thỏa thuận liên quan đến những mặt hàng xuất khẩu này của Nga đã không được thực hiện.
Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn, bao gồm vào tháng 11-2022 (thêm 120 ngày), vào tháng 3-2023 (thêm 60 ngày) và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18-5. Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17-7.
Ngũ cốc Ukraine được vận chuyển đi đâu?
Kể từ khi thỏa thuận được ký kết, dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy khoảng 32,9 triệu tấn ngũ cốc đã rời Biển Đen. Trong số này có 16,9 triệu tấn ngô và 8,91 triệu tấn lúa mì.
Các mặt hàng thực phẩm khác được xuất khẩu trong cùng kỳ bao gồm bột hướng dương (1,85 triệu tấn), dầu hướng dương (1,65 triệu tấn), lúa mạch (1,26 triệu tấn), và hạt cải dầu (1 triệu tấn).
Ukraine thường được gọi là vựa lúa mì của châu Âu, với hơn 55% diện tích đất đai là đất canh tác. Sau khi xung đột xảy ra, Ukraine là nhà sản xuất ngô (bắp) lớn thứ tám và nhà sản xuất lúa mì lớn thứ chín thế giới trong giai đoạn 2022-2023.
Theo Liên Hiệp Quốc, 45 quốc gia trên 3 châu lục đã nhận được hàng hóa lương thực theo thỏa thuận này.
Số lượng cao nhất cho đến nay đã được xuất khẩu sang Trung Quốc (7,96 triệu tấn, tương đương gần 25% tổng số), tiếp theo là Tây Ban Nha (5,98 triệu tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (3,24 triệu), Ý (2,1 triệu), Hà Lan (1,96 triệu), và Ai Cập (1,55 triệu).
Tuy nhiên, Nga cho biết nguồn cung cấp lương thực được vận chuyển qua hành lang ngũ cốc không đến được các nước nghèo nhất thế giới.
Gần 44% hàng xuất khẩu đã được chuyển đến những nước mà Liên Hiệp Quốc gọi là các nước có thu nhập cao.
Nơi nào cần ngũ cốc nhất?
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Ukraine trước cuộc xung đột đã sản xuất đủ lương thực để nuôi sống 400 triệu người/năm.
Vào năm 2021, gần 2/3 tổng lượng thu mua ngũ cốc của cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc đến từ Ukraine.
Liên Hiệp Quốc cho biết thỏa thuận này cho phép WFP vận chuyển hơn 725.000 tấn lúa mì để giúp đỡ những người có nhu cầu ở các quốc gia bị chiến tranh và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ethiopia đã nhận được hơn 1/3 trong số đó (262.759 tấn), hơn 20% đến Yemen (151.000 tấn) và 18% đến Afghanistan (130.869 tấn).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận