Hai báo cáo riêng từ các công ty Mỹ cho biết Nga dùng truyền thông xã hội để can thiệp vào nền chính trị Mỹ - Ảnh: REUTERS
Báo cáo cũng chỉ rõ những nỗ lực của Nga trong việc dùng truyền thông xã hội để tác động đến người dân Mỹ và nỗ lực gây chia rẽ người Mỹ theo chủng tộc và hệ tư tưởng cực đoan.
Hãng tin Reuters cho biết hai báo cáo cùng công bố trong ngày 17-12 bao gồm một báo cáo từ công ty New Knowledge và một từ nhóm nghiên cứu của ĐH Oxford kết hợp với công ty phân tích truyền thông xã hội Graphika. Cả hai đều là đơn đặt hàng của các thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Theo đó hai báo cáo trên đã xác minh phần lớn các phát hiện trước đây của các cơ quan tình báo Mỹ. Tuy nhiên các nghiên cứu lần này cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn về các hoạt động của Nga trong vài năm trở lại đây.
Báo cáo của New Knowledge chỉ ra một cơ quan chuyên gây kích động và xung đột trong cộng đồng mạng của Nga đã cố gắng khuyến khích "các phong trào ly khai" tại California và Texas.
"Những dữ liệu mới công bố này cho thấy Nga đã quyết liệt chia rẽ người Mỹ theo chủng tộc, tôn giáo và ý thức hệ như thế nào" - chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, ông Richard Burr tuyên bố.
Ông Burr nói rằng cơ quan trên của Nga đã làm mọi cách để làm suy giảm niềm tin của người Mỹ vào các tổ chức dân chủ Mỹ và các hoạt động của cơ quan này vẫn chưa dừng lại.
Trong khi đó thượng nghị sĩ Mark Warner (đảng Dân chủ) nhận định: "Các báo cáo này cho thấy mức độ người Nga khai thác các quan điểm sai lầm trong xã hội của chúng ta để chia rẽ người Mỹ trong nỗ lực thao túng và phá hoại nền dân chủ của chúng ta".
"Các cuộc tấn công này toàn diện, có tính toán và sâu rộng hơn những gì được công bố trước đây" - nghị sĩ Warner kết luận.
Mặt khác, báo cáo của Oxford/Graphika nói rằng người Nga đã lan truyền "thuyết duy cảm, thuyết âm mưu và các dạng thông tin sai lệch về chính trị đến cử tri".
Báo cáo này cho biết các tổ chức gây chia rẽ của Nga thúc giục người Mỹ gốc Phi tẩy chay cuộc bầu cử hoặc cố tình làm sai qui trình bầu cử trong khi khuyến khích các cử tri cánh hữu đấu tranh nhiều hơn.
Kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, các tổ chức trên chuyển hướng và đưa ra các thông điệp kêu gọi cử tri Mỹ gốc Mexico và gốc Tây Ban Nha nghi ngờ các cơ quan của Mỹ.
Ngoài ra báo cáo của New Knowledge còn nói rằng các tin tặc Nga cũng nhắm vào các nghị sĩ đảng Cộng hòa như Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham và John McCain cũng như cựu giám đốc FBI James Comey, công tố viên đặc biệt Robert Mueller (người được cử dẫn dắt cuộc điều tra việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ) và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.
Một báo cáo tình báo Mỹ hồi năm 2017 từng thông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo một chiến dịch gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ bao gồm các cuộc tấn công mạng nhằm chê bai ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và ủng hộ ông Trump.
Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ. Ông Trump cũng phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào giữa chính phủ Nga với chiến dịch tranh cử của ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận