16/11/2019 09:22 GMT+7

Nếu không có cô dìu em qua giông tố tuổi 20...

ĐINH THỊ TÚ SƯƠNG
ĐINH THỊ TÚ SƯƠNG

TTO - Những ngày đen tối ấy nếu không có cô luôn bên cạnh, chắc em đã sớm từ bỏ ước mơ. Cảm ơn cô đã luôn nhấc máy, luôn gọi thường xuyên để nghe em than thở dù trời đã về đêm...

Nếu không có cô dìu em qua giông tố tuổi 20... - Ảnh 1.

Tranh do học sinh ở TP.HCM vẽ mừng Ngày Nhà giáo 20-11 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cảm ơn cô đã luôn thấu hiểu, tin tưởng, yêu thương giúp em vượt qua cơn trầm cảm tưởng chừng nuốt chửng cô gái nhỏ khi vấp ngã trước cuộc đời.

Ngày đó, ngày đầu tiên cô bước vào lớp 6A, trong lòng em thoáng một nỗi sợ. "Trời ơi! giọng nói cô nặng quá! Làm sao để em có thể nghe hiểu hết những gì cô nói?". 

Ấy thế mà một tuần trôi qua sự lo sợ ấy tan biến mất, cô gần gũi, giản dị, dịu dàng khiến chúng em suốt ngày cứ tới tiết cô là ríu ra ríu rít chạy lên "méc" cô đủ thứ. Nào là bạn này mang dép quai kẹp, bạn kia, đi trễ, bạn nọ không chép bài... Cô nhẹ nhàng nhắc nhở các bạn rồi lại đi vào bài giảng, ân cần quan sát từng học sinh.

Em vẫn còn nhớ những vần thơ ngây ngô mà lớp viết dành tặng cô trong cuộc thi báo tường năm ấy:

"Năm nay học lớp 6A

Có cô chủ nhiệm tên là Cô Giang

Cô em hình dáng đoan trang

Là người học thức luôn mang trong đầu

Cô em có lúc u sầu

Vì trò thì chẳng chịu đâu học hành

Cô rằng: "Gắng học thành danh

Mai sau có được tiếng thanh cho đời..."

Tụi em không biết vẽ nhiều nên báo tường của lớp không được giải nào, nhưng cô bảo "Không quan trọng, tụi bây vui là được".

Lên lớp 7, tụi em không còn được cô làm chủ nhiệm. Hôm bàn giao lớp đầu năm, đứa nào cũng khóc đỏ mắt. Cô nói tụi em ráng học tốt là được, rồi vội quay bước nhanh không để tụi em nhìn thấy cô cũng khóc.

Ấy vậy mà cô giáo không còn chủ nhiệm cứ dần dần trở thành một mái nhà khác của em. Cứ một tuần em lại chạy ra cô một lần, để nói huyên thuyên bên tai cô, để năn nỉ cô mặc áo dài đi dạy mà cô vẫn ít khi chịu mặc. Em cứ lải nhải bên tai miết khiến cô phải giải thích cô thường mặc đồ vét đi dạy cho tiện việc đưa rước Bin và Hà vì có lần cô bị cuốn vạt áo vào bánh xe. 

Có lần rảnh rỗi, hai cô trò lấy ảnh cũ ra xem, em thấy bức ảnh cô mặc áo dài đứng bên cây bàng ở trường cũ, thế là em nhất quyết xin bằng được, về dán trong nhật ký, mỗi khi buồn lại mở ra xem. Còn mỗi lần cô đi rước cu Bin, gặp em đi bộ về nhà là cô chở em về đến tận nhà dù phải đi ngược với hướng về nhà cô gần 3 cây số.

Em học vẫn ổn, lên lớp đều đều, và cũng vẫn dẫn đầu lớp về điểm trung bình, vẫn hằng tuần ghé cô "tra tấn" cô. Tuần ào cũng thế, cứ chạy ra đến cửa nhà bếp là sà xuống ôm chặt lấy cô cười hí hí "Thưa cô em mới tới". Cô dạy em lặt rau, nấu ăn và bắt em "ăn cơm rồi hả về". Bây giờ thì muốn được thế cũng không có nhiều cơ hội.

Thời gian cứ êm đềm trôi qua, từ cô học trò lớp 6 nhỏ xíu của cô thoắt cái em trở thành học sinh 12 sắp rời xa mái trường thân thương. Rồi bây giờ em là cô sinh viên năm cuối sắp ra trường, cô vẫn vậy, vẫn luôn yêu thương, bao dung và cổ vũ em!

Những ngày khủng khiếp vừa qua của tuổi 20, áp lực học tập, chuyện gia đình, thành tích thua kém bạn bè cùng nỗi sợ thất nghiệp trong tương lai, trong một lúc dồn dập khiến em hoàn toàn gục ngã. Em sợ hãi và hoảng loạn. Chứng trầm cảm hành hạ em hơn một tháng trời. 

Em thấy mình bất lực, vô dụng và thừa thãi đến nỗi từng suy nghĩ dại dột. Em gọi cô. Cô đã lắng nghe, không phán xét, không trách móc mà phân tích nguyên nhân, định hướng cho em phấn chấn lên. 

Cô nói hồi đó lúc bằng tuổi em cô cũng từng như vậy. Em phạm sai lầm ngớ ngẩn đến em còn khó chấp nhận, nhưng cô vẫn cho em một điểm tựa thật bình yên và vững chắc. Em hay suy nghĩ tiêu cực đến mất hẳn tự tin, cô nói: "Ai chẳng muốn mình giỏi, nhưng sức người có giới hạn, cứ cố gắng hết mình là được". 

Điều lớn nhất cô luôn dành cho em đó là niềm tin. Với cô, em được phép yếu đuối và có thể nói hết những gì không thể nói với ai khác. Em không phải gồng lên khi cảm thấy bất lực, vì em biết luôn có cô bên cạnh.

Trường đòi học phí gấp, nộp trễ sẽ bị cấm thi nhưng nhà em chưa xoay sở kịp, cô bảo đưa số tài khoản cô chuyển khoản cho. Em thật sự không biết nói gì trong khi lương giáo viên ở quê chẳng có bao nhiêu. Cô bảo coi như cô cho mượn, khi nào đi làm trả cô sau. 

Và những ngày sau đó, cứ tầm 10 giờ tối là cô gọi hỏi em hôm nay sao rồi, kể cô nghe. Cô không để em một mình vì biết em hễ một mình là dễ nghĩ tiêu cực. Cô khiến em lại "mít ướt", cảm động đến không khóc được mà mỉm cười vì cảm thấy cuộc đời đã quá ưu ái em để em được ở bên cạnh cô, để không làm điều thiếu suy nghĩ, để em có đủ động lực vươn dậy!

Cảm ơn cô vì tất cả! Cảm ơn cô gần 10 năm ở bên cạnh em, chịu đựng những lời than thở, nghe hết những vui buồn của em, luôn động viên, khích lệ, chở che em để em luôn yêu quý và trân trọng cuộc sống.

Có những điều cô và em không ai nói nhưng em biết cô chính là tác giả tấm thiệp mừng ngày em đậu đại học. Tấm thiệp mừng duy nhất có dòng nhắn nhủ "Thành công nhé trò yêu!". Cô không viết tên nhưng nhìn cách viết âm cuối "nh" và "ng" không lẫn vào đâu được mà từ năm lớp 6, em và đám bạn là học trò cô đã in đậm trong lòng.

Và cô biết không, không phải bây giờ mà từ năm lớp 7, khi không còn được cô chủ nhiệm, em đã sáng tác cho mình một câu slogan: "HỌC CHO XỨNG ĐÁNG HỌC TRÒ CÔ GIANG!".

Cô ơi, em nhất định sẽ phấn đấu hơn nữa trên con đường phía trước vì em sẽ thành công và sẽ sống thật hạnh phúc như hạnh phúc được là học trò của cô!

Đời học sinh, sinh viên ai cũng từng được gặp những người thầy, người cô lưu dấu ấn đặc biệt trong lòng mình. Người thầy, người cô khiến bạn nhớ mãi là ai? Bạn muốn chia sẻ câu chuyện về người thầy, cô yêu quý ấy? Mời bạn gửi bài viết đến Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn.

Những email lúc nửa đêm của cô giáo Những email lúc nửa đêm của cô giáo

TTO - Tôi thường nhận được email phản hồi của cô lúc nửa đêm. Những email góp ý rất kỹ, rất thẳng thắn. Từng dấu chấm câu, từng lỗi chính tả cô cũng để ý sửa...

ĐINH THỊ TÚ SƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên