Bỏng da do nắng nóng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng liên tục xảy ra trên cả nước, phía Bắc nắng nóng gay gắt, phía Nam nắng nóng diện rộng.
Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Độ ẩm tương đối, thấp nhất 35 - 55%.
Trong ba ngày từ ngày 6 đến 8-5, các TP miền Bắc đều có chỉ số UV cực đại có nguy cơ gây hại cao đến rất cao. Các thành phố miền Trung và miền Nam cũng đều có nguy cơ tia UV gây hại rất cao.
Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, do thời tiết nắng nóng, lượng bệnh nhân thăm khám các bệnh về da tăng lên, chủ yếu là một số bệnh lý như: viêm nang lông, tăng sắc tố da, viêm da tiếp xúc...
Chị B.H. (Lâm Đồng) đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM thăm khám trong tình trạng mắc bệnh lupus ban đỏ.
"Tôi đã đi khám nhiều lần, bệnh lupus ban đỏ phải kiêng ánh nắng trực tiếp. Những ngày gần đây thời tiết nắng nóng, da tôi rất khó chịu, nổi mẩn đỏ, do đó phải đi khám. Nếu không kiêng ánh nắng mặt trời thì da sẽ đỏ lên và làm trầm trọng bệnh hơn", chị H. cho hay.
Chị H.T. (26 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết, do không trang bị quần áo kỹ khi đi ngoài nắng khoảng 30 phút. Hai cánh tay chị T. bắt đầu xuất hiện bỏng, rát kéo dài 1-2 ngày, cảm giác ngứa ngáy.
Những ngày sau đó, hai cánh tay cháy nắng bị đổi màu thành nâu sạm, da bắt đầu phồng rộp và bong tróc.
Bác sĩ Lưu Huỳnh Thanh Thảo - phó trưởng khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết nếu bị bỏng da do nắng kéo dài khiến người bệnh khó chịu, bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thuốc bôi, dưỡng ẩm da... để giảm viêm trong giai đoạn cấp tính.
Chú ý các biện pháp che chắn
Bác sĩ Trần Thu Nga và bác sĩ Nguyễn Thị Quý - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết bức xạ tia UV là một dạng bức xạ điện từ đến từ Mặt trời và các nguồn nhân tạo như giường tắm nắng và mỏ hàn...
Tia UV năng lượng cao có thể làm hỏng DNA (gene) trong tế bào, từ đó có thể dẫn đến ung thư.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy ngoài ung thư da, tia UV có thể tác động đến sức khỏe và gây ra nhiều vấn đề khác như: gây cháy nắng hoặc khiến da bị lão hóa sớm với các dấu hiệu nếp nhăn, da sần sùi, đốm nâu, dày sừng và giảm độ đàn hồi.
Đặc biệt, tia UV cũng có thể gây ra các vấn đề về mắt như: viêm hoặc bỏng giác mạc, có thể dẫn đến sự hình thành của bệnh đục thủy tinh thể và mộng thịt, cả hai đều có thể làm giảm thị lực.
Ngoài ra, tia UV cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, do đó cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn.
Theo bác sĩ Nga và bác sĩ Quý, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đưa ra những khuyến cáo giúp bảo vệ làn da dưới tác động của ánh nắng mặt trời:
- Nếu phải tham gia các hoạt động ngoài trời nên ở trong bóng râm/tán cây, đặc biệt là vào những giờ giữa trưa, hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng từ 10h đến 16h.
- Đồng thời, nên che chắn khi đi ra ngoài, mặc quần áo dài tay, đội mũ có vành để bảo vệ da vùng đầu, mặt và cổ, đeo kính râm để bảo vệ mắt và vùng da xung quanh mắt khỏi tia UV.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 30 trước khi ra khỏi nhà 30 phút, bôi lại mỗi hai giờ hoặc sau khi đi bơi/đổ mồ hôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận