Chia sẻ niềm vui với Tuổi Trẻ Online, ông Chức cho hay sáng nay 6-10, cả gia đình ở quê từ Sóc Sơn, Hà Nội đang đến Bệnh viện Bạch Mai để thăm anh C. sau gần 1 tháng điều trị tại đây.
Cuộc gọi nửa đêm và hành trình vô vọng
Đến ngày hôm nay, khi anh C. đã qua giai đoạn nguy kịch, không còn phải thở máy, ông Chức vẫn không thể tin được mọi chuyện đã xảy ra với gia đình mình.
Ông Chức kể lại, đêm 12-9, thời điểm xảy ra vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, Hà Nội, gia đình nhận được cuộc gọi của con trai báo tin nhà bị cháy. Lúc ấy, vợ chồng ông cùng con trai lớn tức tốc lên Hà Nội.
"Sống gần 70 năm đời người, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến thế. Khi cả nhà đến nơi, lửa đã thiêu rụi toàn bộ chung cư. Những dòng xe cứu thương xếp hàng, từng người được cứu hộ đưa ra nhưng mãi không thấy người thân mình đâu.
Cho đến khi người được đưa ra ít dần, gia đình đã xác định có lẽ cả nhà 4 người không còn ai sống sót", ông Chức chia sẻ.
Sau đó, người thân trong gia đình chia nhau đi tìm. Người con trai đến khu vực cháy chờ nhận xác, còn ông tức tốc đến Bệnh viện Bạch Mai - nơi tiếp nhận nhiều nạn nhân vụ cháy nhất, với hy vọng gia đình con trai được đưa đến cấp cứu tại đây.
Khi tới nơi, trong hàng dài danh sách nạn nhân, ông Chức tìm mãi không thấy tên của người con trai.
Ông cố gắng nán lại bệnh viện, tìm kiếm trong vô vọng. "Lúc ấy, mọi thứ đều náo loạn, rất nhiều người từ khắp nơi đổ về, ai cũng mong ngóng tìm được người thân, hy vọng người thân sống sót", ông Chức nói.
Cho tới tận trưa 13-9, ông được người nhà gọi điện nói có bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên mạng xã hội có nạn nhân vụ cháy chưa tìm được người thân.
"Ngay lúc ấy tôi chạy đến Trung tâm Cấp cứu, mang theo hy vọng cuối cùng. Tôi được đưa vào giường bệnh con trai để xác nhận. Nhìn thấy con trai nằm trên giường bệnh, ít nhất con trai vẫn còn tia hy vọng được cứu sống", ông Chức bộc bạch.
Chiều hôm ấy, gia đình nhận được tin báo đã tìm thấy thi thể của hai cháu gái và vợ của con, không còn phép màu nào đến với gia đình ông nữa.
Từ tia hy vọng cuối cùng đến kỳ tích xảy ra
Sau khi trở về quê nhà lo tang lễ cho con dâu và cháu nội, ông Chức gạt nỗi đau thương vội vàng quay lại Bệnh viện Bạch Mai để chăm sóc, chờ tin con trai.
Ông tâm sự những ngày đầu thấy con nằm im trên giường bệnh, ống thở, kim truyền chằng chịt, lòng người cha không khỏi xót xa.
"Con cứ nằm im đó, chân tay không động đậy. Bác sĩ thông báo tiên lượng con rất xấu. Thế nhưng dù là tia hy vọng nhỏ nhoi, tôi tin kỳ tích sẽ đến.
Mỗi ngày bác sĩ cho tôi vào thăm con 2-3 phút, ngày nào khi vào tôi cũng nói với con những lời tốt đẹp. Tôi tin trong vô thức con vẫn nghe được những lời tâm sự từ bố.
Tôi nói chuyện về những người đã vào thăm con, động viên con thế nào. Vì vậy, con hãy cố gắng vượt qua để trở về nhà", ông Chức tâm sự.
Sau hơn 3 tuần được sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, ngày 4-10 anh C. đã được rút ống thở, dần có ý thức và giao tiếp.
Sáng 6-10, ông Chức khoe vừa cùng các bác sĩ vào thăm con trai, dìu con đứng dậy vận động nhẹ nhàng. Dù anh C. chưa thể nói chuyện lại, nhưng sự hồi phục của anh đã là một kỳ tích.
Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng chia sẻ ngay từ thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã xác định đây là trường hợp rất nặng. Trong suốt 23 ngày điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ đã liên tục hội chẩn để có giải pháp điều trị tốt nhất.
"Đã có thời điểm chúng tôi rất lo ngại về nhận thức của bệnh nhân, tuy nhiên hiện tại bệnh nhân bước đầu đã giao tiếp được, dù còn chậm.
Các bác sĩ tiếp tục phục hồi chức năng và vận động tránh cứng khớp hay loét do tì đè, cùng đó là biện pháp bảo đảm dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân", ông Cơ cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận