02/01/2025 08:18 GMT+7

Năm mới, nghĩ cách cho 365 ngày sống khỏe

Sống khỏe không phải là một "trào lưu" thoáng qua, mà là một lựa chọn lâu dài, nền móng mang ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Một nền tảng sức khỏe tốt sẽ giúp bạn thực hiện được những mục tiêu trong tương lai.

365 ngày sống khỏe  - Ảnh 1.

Vận động hằng ngày giúp rèn luyện sức khỏe, phòng tránh bệnh tật - Ảnh: NAM TRẦN

Một năm mới bắt đầu, trong kế hoạch năm mới bạn đã đặt mục tiêu, kế hoạch "nuôi dưỡng" cho sức khỏe của mình chưa? Bằng việc kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học và thói quen vận động hợp lý, mỗi người đều có thể bắt đầu hành trình hướng tới một cuộc sống tốt hơn ngay hôm nay.

"Vun đắp" cho sức khỏe mỗi ngày

Trong bối cảnh sống hiện đại, nhu cầu quan tâm đến sức khỏe đã được chú trọng hơn rất nhiều. Từ việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh đến duy trì thói quen vận động thường xuyên, xu hướng này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thể chất mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho tinh thần.

Là một nhân viên văn phòng với công việc bận rộn, chị Phùng Thủy (30 tuổi) trước đây thường xuyên bỏ bữa sáng, ăn đồ ăn sẵn để tiết kiệm thời gian. Cùng với đó, ngoài công việc hằng ngày, chị Thủy hiếm hoi dành thời gian tập thể dục

"Mỗi lúc về nhà, tôi chỉ muốn nằm nghỉ ngơi sau ngày làm việc mệt mỏi. Sau 2 năm, tôi lên 8kg và bắt đầu bị huyết áp cao, mất ngủ thường xuyên. Tôi nhận ra sức khỏe của mình giảm sút nghiêm trọng. Tôi khó tập trung làm việc và thường xuyên bị ốm vặt", chị Thủy nói.

Sau khi nhận ra mình có vấn đề về sức khỏe, chị Thủy mới quyết tâm dành thời gian để thay đổi bản thân. Chị Thủy bắt đầu lên kế hoạch cho một ngày. "Thay vì ngủ nướng đến 7h30, tôi cố gắng đi ngủ trước 22h, dậy vào 6h sáng, đi bộ rồi chuẩn bị bữa sáng nhẹ nhàng, bắt đầu ngày làm việc.

Buổi tối, sau giờ tan ca, tôi cũng dành 30 phút để tập yoga ở nhà. Thay vì ăn đồ ăn sẵn, tôi chuyển sang nấu ăn hằng ngày", chị Thủy chia sẻ và nói kế hoạch là vậy nhưng thời gian đầu thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.

Chị tự động viên bản thân nếu không cố gắng thì sức khỏe sẽ giảm sút và mọi kế hoạch, dự định trong tương lai sẽ không thể thực hiện được. Sau 6 tháng kiên trì, chị Thủy giảm được 6kg, huyết áp ổn định hơn, sức khỏe đã cải thiện rất nhiều. "Nhiều người nói khó có thể sắp xếp công việc, quá bận rộn, không có thời gian…, nhưng tôi nghĩ rằng khi bạn thực sự muốn thay đổi thì sẽ sắp xếp được. 

Việc duy trì thói quen ăn uống hay vận động, nếu xác định đó là một "công việc bắt buộc" hằng ngày giống như những công việc khác thì bạn mới có thể dành thời gian, tâm sức cho nó", chị Thủy nhắn nhủ.

365 ngày sống khỏe  - Ảnh 2.

Chị Quỳnh Hoa trên đường chạy Mộc Châu - Ảnh: NVCC

Khỏe không khó!

Chia sẻ của chị Lương Quỳnh Hoa (50 tuổi, TP.HCM) về hành trình vượt qua chính mình, làm cho cơ thể mạnh khoẻ hơn: Nhìn lại một năm qua, sự nỗ lực của mình đã tăng hơn chút chút, là niềm vui, là động lực cho năm 2025.

Mở hàng đầu năm giải trail Mộc Châu, tiếp đến tham gia giải Tiền Phong lần đầu làm HM, giữa năm giải trail La Vuông, kết thúc năm bằng giải trail Sa Pa.

Tổng kết lại mình lời được mớ sức khỏe, có thêm nhiều người bạn cùng sở thích, đặc biệt có nhiều ảnh đẹp để khoe với con cháu. Cũng ngộ là đường bằng mình không đi mà cứ leo trèo vậy không biết. Đủ sức để leo là hạnh phúc rồi.

Dinh dưỡng, vận động - chìa khóa cho sức khỏe

Để bắt đầu một lối sống khỏe, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - trưởng khoa khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên là tốt nhất cho sức khỏe nên phải ưu tiên trong khẩu phần ăn.

Mỗi người nên duy trì thói quen ăn lành mạnh như ăn cơm (chất bột đường) phải chiếm 50-60% trong bữa ăn, sau đó là chất đạm từ 15-20%, tức lượng đạm là khá ít. Còn lại là chất béo cho các món xào rán, dùng các loại hạt có dầu, hoặc thực phẩm chế biến dưới dạng nộm, trộn... để lấy chất béo từ dầu mỡ.

"Nên chú trọng vào việc ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi và hạn chế thực phẩm chế biến sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì và tim mạch", bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm người thừa cân, béo phì… nên đi khám dinh dưỡng, tầm soát các bệnh lý liên quan để được các chuyên gia hướng dẫn về chế độ ăn, tập luyện hợp lý.

Các chuyên gia y tế cho hay việc duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế rượu bia, thực phẩm chế biến sẵn không chỉ làm hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì mà còn ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu…

Song song với việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, thói quen vận động cũng là yếu tố then chốt để sống khỏe.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người nên vận động tối thiểu 150 phút mỗi tuần với cường độ trung bình hoặc ít nhất 75 phút mỗi tuần cho hoạt động cường độ mạnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tập luyện thể thao và dinh dưỡng giảm 50% nguy cơ bệnh tật. Một bệnh nhân đái tháo đường nếu có chế độ vận động, dinh dưỡng hợp lý, họ có thể sống thọ hơn bệnh nhân khác 15 - 20 năm.

Ngược lại, nếu lười vận động và có chế độ ăn uống thừa calo, người dân sẽ gặp những vấn đề sức khỏe như đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, mất ngủ, thoái hóa khớp...

Nhiều người nghĩ rằng vận động cần nhiều thời gian và thiết bị, nhưng trên thực tế, chỉ cần những bài tập đơn giản như đi bộ nhanh, leo cầu thang hoặc tập yoga tại nhà. Các hoạt động này vừa giúp tăng cường sức bền vận động, vừa hạn chế căng thẳng tâm lý.

365 ngày sống khỏe  - Ảnh 3.

Chị Quỳnh Hoa trên đường chạy giải đêm ở Sa Pa - Ảnh: NVCC

Bí quyết sống khỏe là cần lên kế hoạch cho sức khỏe

Đầu tư cho sức khỏe là một cuộc đầu tư dài hạn và bạn có thể bắt đầu nó ngay từ hôm nay bằng những việc làm đơn giản nhất:

1. Tăng cường vận động: Mỗi ngày hãy dành ít nhất 30 phút cho hoạt động như đi bộ, tập yoga, bơi lội, cầu lông hoặc một bộ môn thể thao yêu thích, để tăng cường tối ưu cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

2. Ăn uống lành mạnh: Mỗi bữa ăn phải đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng, bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Hạn chế ăn mặn, thực phẩm nhiều đường và đồ chiên rán. Không bỏ bữa, nhất là bữa sáng và uống đủ nước. Nói không với rượu bia, thuốc lá.

3. Cân bằng làm việc và nghỉ ngơi: Hãy cố gắng hoàn thành các công việc được giao tại công ty, sau đó dành thời gian nghỉ ngơi và làm những điều mà mình yêu thích.

Đặc biệt, đừng quên chú ý đến giấc ngủ, tốt nhất bạn ngủ đủ 8 tiếng/ngày để tái tạo năng lượng, giúp bạn cảm thấy tràn đầy sức sống vào sáng hôm sau.

4. Khám sức khỏe định kỳ: Ngay cả khi cảm thấy khỏe mạnh hoàn toàn, song điều này không có nghĩa cơ thể không có bệnh tật. Một số bệnh lý âm thầm diễn tiến và chỉ có thể phát hiện dưới sự hỗ trợ của chuyên gia y tế. Bộ Y tế khuyến khích mỗi người nên đi khám định kỳ (1 năm/lần). Mục đích không chỉ đánh giá tình trạng hiện tại, mà còn dự đoán yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trong tương lai.

365 ngày sống khỏe  - Ảnh 4.Ngày Dinh dưỡng Cộng đồng Việt Nam: Xây dựng thói quen lành mạnh

Sự kiện Ngày Dinh dưỡng Cộng đồng Việt Nam lần 2 thu hút sự quan tâm của cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, tăng cường vận động thường xuyên và thực hành dinh dưỡng khoa học, cải thiện tầm vóc, trí lực người Việt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên