Các nhân viên sửa logo của Huawei tại một cửa hàng điện thoại ở thủ đô Bắc Kinh ngày 14-4-2020 khi Trung Quốc vẫn đang lao đao vì dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters
Năm ngoái, Washington đã cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Huawei, nhưng Huawei vẫn có thể mua vật liệu bán dẫn tại nước ngoài được sản xuất bằng phần mềm và thiết bị của Mỹ. Động thái mới nhất của Chính phủ Mỹ được coi là có thể đẩy hoạt động sản xuất của tập đoàn Trung Quốc này vào cảnh điêu đứng.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết quy định mới sẽ lấp lỗ hổng này. Nói cách khác, Washington sẽ chặn nguồn cung chip điện tử trên toàn cầu cho Huawei, đồng thời đưa Huawei vào danh sách đen.
Nhân tố "TSMC"
Lệnh cấm mới lên Huawei được Mỹ công bố cùng lúc với thông tin hãng sản xuất vật liệu bán dẫn của Đài Loan, TSMC, tiết lộ kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 12 tỉ USD và tạo khoảng 1.600 việc làm tại bang Arizona của Mỹ.
Cả TSMC và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cùng mô tả dự án đầu tư này là tối quan trọng nhằm củng cố lại hoạt động sản xuất công nghệ cao tại Mỹ.
Khi được Fox Business hỏi Mỹ đã và đang làm gì để giảm phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của Trung Quốc, ông Ross đã chỉ thẳng về dự án của TSMC.
"Arizona, nơi vốn có Intel cũng như ON Semiconductor, nay sẽ có một khu phức hợp công nghệ vô cùng quyền lực mà chúng tôi hi vọng sẽ được tích hợp theo chiều dọc. Và điều đó sẽ tạo điều kiện cho nhiều hoạt động hơn nữa" - ông nói.
Ngay sau động thái của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16-5 tuyên bố Mỹ cần ngừng "đàn áp vô lý" các công ty của họ như Huawei. Trả lời phỏng vấn của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này sẽ bảo vệ mạnh mẽ quyền hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tờ Global Times ngày 16-5 cũng dẫn nguồn thạo tin trong Chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng trả đũa Mỹ bằng cách nhắm tới các doanh nghiệp như Apple, Cisco Systems hay Qualcomm. Nguồn tin của Global Times còn nhắc đến trường hợp hoãn hợp đồng mua máy bay với Boeing.
"Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp đối phó mạnh mẽ để bảo vệ các quyền hợp pháp của chính mình" nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch thay đổi luật lệ và ngăn nguồn cung các loại chip điện tử thiết yếu cho Huawei, Global Times dẫn từ nguồn tin tiết lộ.
Ngoài ra, các lệnh cấm nhằm vào các thiết bị 5G của Huawei đã đánh mạnh vào mảng kinh doanh điện thoại di động của hãng. Theo tạp chí Forbes, các động thái nhằm vào Huawei của Washington đã bước vào năm thứ 2. Mất đi quyền tiếp cận với các phần mềm và hệ điều hành của Google đã khiến doanh thu bên ngoài Trung Quốc của Huawei sụt giảm đáng kể.
Tập đoàn này hiện dựa vào doanh thu từ thị trường nội địa để duy trì bảng cân đối kế toán, đồng thời đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển lớn mỗi năm.
Gây rối loạn cho Huawei
Giới chuyên gia nhận định động thái hôm 15-5 của Mỹ sẽ gây rối loạn cho hoạt động vận hành của Huawei. Động thái này gần như châm dầu vào lửa cho các căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Tuy được xem là khoản đầu tư quan trọng, TSMC cho biết chính quyền Mỹ và bang Arizona không đưa ra "hỗ trợ" cụ thể nào cho nhà máy của họ. Cùng lúc đó, các giới hạn mới của Bộ Thương mại có thể ảnh hưởng đến TSMC vì hãng này bán rất nhiều sản phẩm bán dẫn cho Huawei từ các nhà máy tại Đài Loan của mình. Những nhà máy này của TSMC cũng sử dụng thiết bị và phần mềm Mỹ.
Tương tự như trường hợp của TSMC, giới quan sát lo ngại các quy định mới có thể đẩy Mỹ vào thế khó cùng đồng minh khi sự can thiệp của Nhà Trắng đang vượt khỏi biên giới Mỹ. "Dù đã bị bộ đưa vào danh sách đen Entity List hồi năm ngoái, Huawei và các chi nhánh nước ngoài của họ vẫn qua mặt các hạn chế nhằm bảo vệ an ninh quốc gia (Trung Quốc) thông qua các nỗ lực tại địa phương. Tuy vậy, những nỗ lực này vẫn phụ thuộc vào công nghệ Mỹ" - bộ trưởng thương mại Mỹ tuyên bố.
Trong khi Huawei có thể di chuyển hoạt động sản xuất của mình và tìm các nhà cung cấp mới để sao chép các sản phẩm của Qorvo hay Broadcom, việc khó khăn hơn cả là loại bỏ toàn bộ công nghệ, tài sản trí tuệ hoặc phần mềm của Mỹ ra khỏi chuỗi sản xuất của hãng. Nếu được thực thi đúng cách, những biện pháp giới hạn mới từ Washington sẽ thật sự giáng một đòn nặng đối với Huawei.
Lấy ví dụ, tuy có thể chuyển hướng sang hợp tác cùng một nhà cung cấp vật liệu bán dẫn Ấn Độ, Huawei vẫn có thể gặp rắc rối nếu công ty này sử dụng phần mềm Mỹ để thiết kế sản phẩm.
Ông Christopher Ford - trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh - cho biết sẽ rất khó để các hãng chip điện tử loại bỏ hoàn toàn thiết bị và phần mềm Mỹ khỏi quá trình sản xuất bởi đây là những công nghệ cần thiết cho đa số các loại chip công nghệ cao hiện nay.
"Con át chủ bài" công nghệ được Washington tung ra giữa thời điểm Mỹ - Trung đang ở bờ vực một cuộc chiến tranh lạnh 2.0.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận