Hôm thứ ba 16-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc, Đô đốc Đổng Quân, nhằm cải thiện liên lạc giữa quân đội hai bên và giảm nguy cơ xảy ra xung đột trong khu vực. Tuy vậy, những nỗ lực đối thoại mới giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không giấu được sự khác nhau và không đồng quy về lợi ích giữa hai bên.
Những điểm mới trong Balikatan
Cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến tới Trung Quốc trong tháng này để đàm phán. Đây là lần đầu tiên ông Austin nói chuyện với ông Đổng, cũng là lần đầu tiên ông nói chuyện lâu dài với một người đồng cấp Trung Quốc kể từ tháng 11-2022 khi Bắc Kinh đình chỉ mọi liên lạc như vậy sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan.
Ngay sau cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, vào ngày 17-4 hạm đội 7 của Mỹ thông báo một máy bay trinh sát P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đã thực hiện chuyến bay qua eo biển Đài Loan. Phía Mỹ nói chuyến bay trinh sát bay qua eo biển Đài Loan được thực hiện trong vùng không phận quốc tế và đúng luật quốc tế, còn Trung Quốc thì cho rằng Mỹ đã "phô trương quá đáng" chuyến bay này.
Người phát ngôn Bộ Tư lệnh chiến khu miền Đông của Quân Giải phóng Trung Quốc cho biết phía họ đã điều động máy bay chiến đấu bám sát và giám sát việc máy bay Mỹ đi qua eo biển và xử lý vụ việc theo pháp luật.
Ngay sát dưới điểm nóng eo biển Đài Loan, khu vực Biển Đông cũng chứng kiến nhiều sự kiện sôi động. Mỹ và Philippines vừa thông báo cuộc tập trận Balikatan hay "vai kề vai" hằng năm sẽ bắt đầu vào tuần tới, từ ngày 22-4 đến 10-5 với sự tham gia của 16.700 binh sĩ cả hai bên.
Trung Quốc ngay lập tức phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cảnh báo Philippines cần "đủ tỉnh táo để nhận ra việc đưa nước ngoài vào để phô trương lực lượng ở Biển Đông và kích động đối đầu sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực".
Balikatan là cuộc tập trận Mỹ - Phi hằng năm nhưng không đơn giản là cuộc tập trận theo kế hoạch. Có rất nhiều điểm đáng chú ý ở năm nay và khác biệt so với các năm trước.
Thứ nhất, nội dung chính cuộc tập trận năm nay là diễn tập chiếm lại các đảo bị kẻ thù chiếm đóng ở các khu vực đối diện với Đài Loan và Biển Đông. Chắc chắn những nhà tổ chức tập trận muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng Mỹ và Philippines sẵn sàng cho các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.
Thứ hai, đây là lần đầu tiên các lực lượng của Philippines và Mỹ tiến hành cuộc tập trận quân sự đầu tiên bên ngoài lãnh hải của Philippines. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên lực lượng cảnh sát biển Philippines với sáu tàu cảnh sát biển tham gia tập trận. Lực lượng này thời gian qua thường xuyên đụng độ với cảnh sát biển Trung Quốc quanh các khu vực mà hai bên đều tuyên bố có chủ quyền.
Răn đe và kiềm chế lẫn nhau
Theo lời của ông Michael Logico - đại tá quân đội Philippines giám sát cuộc tập trận, năm nay lần đầu tiên một đội quân nhỏ của Pháp sẽ tham gia tập trận với một tàu khu trục. Ông Logico cho biết khoảng 14 quốc gia sẽ tham gia với tư cách quan sát viên, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, các nước trong ASEAN và Liên minh châu Âu. Tập trận Mỹ - Phi có thể mở rộng với sự tham gia nhiều hơn của các quốc gia khác trong tương lai.
Hành động của Mỹ trong các ngày qua cũng như những ngày sắp tới cũng thể hiện chính sách của Mỹ tiếp tục can dự nhiều hơn vào châu Á. "Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông sẽ vi phạm hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta", ông Biden đã nói như vậy khi gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Nhà Trắng vào tuần trước.
Trung Quốc cũng thực hiện chính sách ngoại giao chủ động của mình đối với các quốc gia mà nước này có nhiều quan hệ kinh tế trong thời gian gần đây.
Hôm thứ năm 18-4, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã bắt đầu chuyến công du tới khu vực Đông Nam Á, trong đó ông sẽ đến thăm Indonesia, Campuchia và Papua New Guinea.
Ông Vương Nghị sẽ kết thúc chuyến công du ở Papua New Guinea, đảo quốc mà Bắc Kinh đang cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ và Úc. Tất nhiên điều này đang khiến Úc lo lắng khi Papua New Guinea vốn nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của Úc.
"Răn đe" là một biện pháp vẫn thường được dùng trong chính sách đối ngoại của các cường quốc nhằm thuyết phục phía bên kia từ bỏ ý định. Mỹ và Trung Quốc đều không giấu giếm điều này trong những ngày qua.
Từ "trục và nan hoa" tới "lưới mắt cáo"
Trong nhiều thập niên qua, chính sách của Mỹ ở châu Á thường được ví von một cách không chính thức là hệ thống "trục và nan hoa", trong đó Mỹ dẫn dắt như cái trục, các quốc gia đồng minh và đối tác như nan hoa quay xung quanh.
Nhưng thời gian gần đây, Mỹ đã sử dụng một cách so sánh khác để mô tả tầm nhìn của họ đối với khu vực: một hàng rào lưới mắt cáo với các lưới dính với nhau, biểu tượng cho các quốc gia đồng minh và đối tác gắn chặt với nhau thay vì tách biệt như nan hoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận