06/01/2020 12:37 GMT+7

Mỹ tiêu diệt tướng Iran trên đất Iraq: Dựa trên luật nào?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Tổng thống Donald Trump đã hành động giống với các vị tiền nhiệm của mình, chỉ có điều mục tiêu Qasem Soleimani lần này có vị thế, quyền lực và sức ảnh hưởng quá lớn ở Trung Đông.

Mỹ tiêu diệt tướng Iran trên đất Iraq: Dựa trên luật nào? - Ảnh 1.

Tướng Qasem Soleimani - Ảnh: AFP

Tướng Qasem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran - chết dưới hỏa lực tên lửa Hellfire của Mỹ lúc rạng sáng 3-1. Đích thân Tổng thống Donald Trump phê chuẩn vụ tấn công với lý do "nhằm ngăn chặn một mối nguy tức thời đối với nước Mỹ".

Hành động quyết định đơn phương, không thông qua quốc hội kiểu ông Trump không phải chuyện hiếm. Các đời tổng thống Mỹ trước như George W. Bush hay Barack Obama cũng từng làm như thế. 

Khác biệt duy nhất là tướng Qasem Soleimani quan trọng hơn nhiều so với "kẻ tị nạn" Osama Bin Laden (bị giết ở Pakistan) hay mấy nhân vật chỉ huy Hezbollah.

Cũng bởi vị thế của Soleimani mà chính quyền Iraq lập tức "giữ khoảng cách" với Mỹ sau vụ ám sát để không gây thù chuốc oán với Iran. Baghdad lên án Washington vi phạm thỏa thuận đồn trú quân sự, các đảng phái chính trị thì kêu gọi trục xuất hết lính Mỹ. 

Hiến chương Liên Hiệp Quốc nói chung cấm một quốc gia sử dụng vũ lực trên lãnh thổ nước khác, chỉ trừ trường hợp được sự cho phép. Nhưng thực tế các nước lớn luôn có cách để lách luật. Nếu không đủ lực như Mỹ thì cách phổ biến nhất là mượn tay một lực lượng ủy nhiệm.

Hồi năm 2011, Pakistan còn phải bật ngửa khi nghe tin Osama Bin Laden bị giết ngay trên đất của mình bởi đặc nhiệm SEAL của Mỹ. Tổng thống Obama là người ra lệnh.

Lần này Lầu Năm Góc ra thông cáo nói Soleimani bị thủ tiêu "để chặn các kế hoạch tấn công tương lai của Iran". Còn Tổng thống Trump nói viên tướng này đang lên kế hoạch tấn công binh sĩ và nhân viên ngoại giao Mỹ.

Ông Robert Chesney - chuyên gia luật thuộc Đại học Austin (Texas, Mỹ), cho rằng lập luận khả thi nhất của Nhà Trắng là dựa trên điều khoản về phòng vệ của Hiến chương LHQ. 

"Nếu chấp nhận lý do gã này đang lên kế hoạch giết người Mỹ thì phản ứng là hành động hợp pháp" - ông Chesney nhận định.

Điều 51 Hiến chương LHQ có quy định quyền của cá nhân và tập thể tự vệ trước tấn công vũ trang. Mỹ đã dùng luật này để tấn công quân sự chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria hồi năm 2014.

Ông Scott Anderson, cựu cố vấn luật dưới trào Tổng thống Obama, lại cho rằng vin vào luật quốc tế vẫn còn yếu, ông Trump có thể lập luận rằng Chính phủ Iraq không sẵn lòng hoặc không thể đương đầu với mối đe dọa từ Soleimani, nên Mỹ có quyền hành động mà không có sự cho phép.

Một thỏa thuận khung chiến lược ký năm 2008 giữa Washington và Baghdad đặt nền móng để hai nước xây dựng quan hệ quốc phòng gần gũi, mục đích ngăn chặn mọi đe dọa đối với "chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq".

Nhưng thỏa thuận cấm Mỹ dùng Iraq như bàn đạp để tấn công các nước khác.

Mỹ tiêu diệt tướng Iran trên đất Iraq: Dựa trên luật nào? - Ảnh 2.

Bức ảnh nổi tiếng trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden hồi năm 2011 - Ảnh: REUTERS

Theo thông lệ lịch sử và luật quốc tế, một quốc gia có quyền tấn công trước để phòng vệ nếu điều này thật sự cần thiết và tương xứng với tầm cỡ mối đe dọa. Đây cũng là góc độ mà bà Agnes Callamard, thanh sát viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, xem xét liên quan đến vụ tấn công Soleimani của Mỹ.

"Vụ giết Soleimani dường như mang tính trả đũa cho các hành động trong quá khứ hơn là tự vệ trước mối nguy tức thời" - bà Callamard nhận xét.

"Bởi vì Mỹ chưa từng chính thức tuyên chiến với Iran, hành động giết một quan chức Iran cao cấp rõ ràng là một vụ ám sát" - đây là ý kiến tương đồng của bà Mary Ellen O’Connell, chuyên gia luật quốc tế và luật chiến tranh thuộc Đại học Notre Dame (Mỹ).

Hành động cố tình thủ tiêu một chỉ huy quân sự vì những gì họ đã làm/hoặc sắp làm trên chiến trường bị cấm bởi luật xung độ quân sự có từ thời Công ước Hague năm 1907. Công ước Geneva năm 1949 cũng quy định tương tự.

Tại Mỹ, một sắc lệnh hành pháp có từ năm 1976 cấm mọi hành động ám sát chính trị vẫn còn đang hiệu lực. Sắc lệnh này ra đời sau khi người ta phát hiện CIA âm mưu ám sát nhiều lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Chủ tịch Fidel Castro của Cuba.

Tuy nhiên, cũng giống các vị tiền nhiệm, chính quyền ông Trump dùng lý do "tự vệ" để hành động mà không cần thông báo trước cho quốc hội.

Cũng cần phải nói rõ, các nhà lập pháp Dân chủ không ai ưa Soleimani - nhân vật bị cáo buộc chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm người Mỹ. Họ chỉ yêu cầu tổng thống thảo luận với quốc hội về những kế hoạch táo bạo kiểu vậy.

"Chính quyền này, cũng như bao chính quyền thời trước, có quyền hành động để tự vệ. Nhưng tổng thống phải gặp quốc hội ngay lập tức để tham khảo ý kiến" - nghị sĩ Elissa Slotkin của Đảng Dân chủ bình luận.

Căng thẳng Mỹ - Iran, giá vàng lên 44,45 triệu đồng/lượng Căng thẳng Mỹ - Iran, giá vàng lên 44,45 triệu đồng/lượng Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran: Những câu hỏi Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran: Những câu hỏi Ông Trump dọa trừng phạt Iraq "nhiều hơn cả Iran" nếu buộc Mỹ rút quân Ông Trump dọa trừng phạt Iraq 'nhiều hơn cả Iran' nếu buộc Mỹ rút quân
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên