06/01/2020 08:12 GMT+7

Mỹ diệt tướng Iran do muốn ngăn chặn thao túng ở Iraq?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Cục diện giằng co giữa bộ ba Iran, Iraq và Mỹ sau vụ ám sát đình đám khiến thế giới lo ngay ngáy về khả năng nổ ra chiến tranh. Nguồn cơn của căng thẳng này bắt đầu từ đâu?

Mỹ diệt tướng Iran do muốn ngăn chặn thao túng ở Iraq? - Ảnh 1.

Người biểu tình Iraq phản đối Mỹ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad hôm đầu năm - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng thông tấn Syria (SANA), Chính phủ Iraq đã ban lệnh cấm mọi hoạt động của liên minh quân sự quốc tế do Mỹ đứng đầu mà không có sự chấp thuận của thủ tướng kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq Adel Abdel Mahdi từ ngày 4-1.

Đây là điều mà Baghdad lo sợ: Một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran ngay trên đất Iraq sau cái chết gây rúng động của tướng đặc nhiệm Iran Qasam Soleimani.

Theo báo New York Times, ngay hôm thứ sáu (3-1), nhiều kỹ sư dầu mỏ người Mỹ đã gom hành lý chạy khỏi Iraq sau khi nghe tin tức. Còn ở trung tâm Baghdad, người biểu tình căng những tấm biểu ngữ mang nội dung nhắm đến Mỹ và Iran: "Đừng mang cuộc xung đột của mấy người đến Iraq".

Chuyện gì xảy ra ở Iraq?

Các vụ biểu tình quy mô và bạo lực bắt đầu nổ ra ở Iraq từ tháng 10-2019. Người dân tức giận vì nạn thất nghiệp, tham nhũng, quan liêu... hoành hành từ trên xuống dưới. Suốt 12 tuần liền, Chính phủ Iraq không thể tìm được một giải pháp, khi thì họ hứa hẹn, khi thì đàn áp biểu tình...

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Iraq thống kê được đã có hơn 500 người bị giết và 19.000 người bị thương trong các vụ bạo động thời gian qua.

Cách phản ứng bạo lực của Baghdad chỉ châm thêm dầu vào lửa. Tổn thương quá lớn khiến người dân càng tức giận hơn, họ đổ cho sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong chính phủ Iraq như nguồn cơn của mọi vấn đề.

Chính tướng Iran Soleimani vừa bị Mỹ giết là nhân vật dàn xếp thỏa thuận thành lập nên chính phủ Iraq hiện tại. Người biểu tình tố sức ảnh hưởng của ông này đã gây ra nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền và các lực lượng bán quân sự người Hồi giáo dòng Shiite.

Hồi tháng 11, người biểu tình đã đốt tòa lãnh sự Iran ở thành phố miền nam Najaf, và trong nhiều tuần lễ phong tỏa Khu Xanh ở Baghdad - nơi đặt các cơ quan chính phủ và ngoại giao nước ngoài. Chính phủ Iraq xem như tê liệt từ lúc đó.

Trong hoàn cảnh lộn xộn này, quân đội Mỹ và các lực lượng bán quân sự Iraq (Washington tố do Iran chống lưng) lại chạm trán nảy lửa. Tiêu biểu là vụ 30 quả rocket bắn vào một căn cứ Iraq hồi cuối tháng 12 khiến 1 người Mỹ thiệt mạng, Mỹ đáp trả bằng cuộc không kích vào lực lượng Kataib Hizbullah khiến 24 người chết.

Tình hình căng đến mức đại giáo sĩ Ayatollah Ali al-Husseini al-Sistani của Iraq cảnh báo rằng nước này "không được trở thành chiến địa cho các tranh chấp khu vực và quốc tế" - ám chỉ Iran và Mỹ. Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi thì cho rằng Mỹ đã vi phạm chủ quyền Iraq khi tiến hành các cuộc không kích.

Mỹ diệt tướng Iran do muốn ngăn chặn thao túng ở Iraq? - Ảnh 2.

Lực lượng an ninh Iraq đứng canh bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad sau khi bị người biểu tình tấn công - Ảnh: AFP

Iran ngoài bành trướng, trong rối loạn

Sau nhiều năm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại Iraq, Iran đã trở thành một thế lực đáng gờm. Tehran hiện có sức ảnh hưởng lớn trong Chính phủ Iraq, giới doanh nghiệp và cả tôn giáo. Các đảng chính trị thân Iran kiếm được chỗ đứng vững chắc trong Quốc hội Iraq, đặc biệt sau khi lính Mỹ rút khỏi Iraq năm 2009.

Khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) xâm chiếm nhiều vùng đất của Iraq hồi năm 2014, cũng chính Iran đã giúp thành lập lực lượng dân quân Shiite để chống cự, tạo cho Tehran một vị thế đáng kể trong lực lượng an ninh Iraq.

Trong quá trình sát cánh cùng Mỹ chống lại IS, các nhóm dân quân này bắt đầu gia tăng sức ảnh hưởng. Họ kiểm soát các phe nhóm mạnh trong quốc hội và quân đội Iraq, một số thậm chí biến tướng thành các nhóm tội phạm như mafia chuyên đi bóc lột người dân.

Kataib Hizbullah - nhóm dân quân bị Mỹ cáo buộc tiến hành tấn công tên lửa - có quan hệ gần với Iran, nhưng nhiều người Iraq xem đây là lực lượng an ninh chính của họ. Nhóm này tách ra từ phong trào Hizbullah ở Lebanon, điểm chung là cả 2 đều được Iran hậu thuẫn chống lại Mỹ.

Tình hình ở Iraq đã đầy rối loạn nhưng thế vẫn chưa hết. Bản thân Iran hiện đang đối mặt với làn sóng biểu tình tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Khủng hoảng chính thức nổ ra hồi tháng 11-2019 khi giá xăng bất ngờ tăng vọt như giọt nước tràn ly ở đất nước mà người dân đang bám víu vào giá xăng rẻ để kiếm thêm chút tiền.

Dân Iran bất mãn với cách dàn lãnh đạo điều hành đất nước, những chính sách vụng về đã khiến nền kinh tế Iran trì trệ (do Mỹ cấm vận) và gây ra cơn giận chỉ chực chờ bùng nổ ở các nước láng giềng như Iraq và Lebanon.

Cũng như ở Iraq, Tehran đã thẳng tay đàn áp biểu tình khiến khoảng 450 người chết - theo thống kê của các nhóm nhân quyền. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thì bào chữa rằng đây chỉ là "âm mưu của kẻ thù chống lại Iran".

Xem qua bức tranh mù mịt trên, có thể nói thế giới đủ cơ sở để lo ngại thùng thuốc súng Trung Đông một lần nữa lại phát nổ.

Mục tiêu của ông Trump không phải là một cuộc chiến trực diện với Iran Mục tiêu của ông Trump không phải là một cuộc chiến trực diện với Iran Mỹ huy động bao nhiêu máy bay không người lái giết tướng Iran? Mỹ huy động bao nhiêu máy bay không người lái giết tướng Iran? Giải mã những hiểu lầm phổ biến về Iran và Iraq Giải mã những hiểu lầm phổ biến về Iran và Iraq
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên