Người biểu tình cầm ảnh thiếu tướng Qasem Soleimani trong một cuộc biểu tình ở Tehran, Iran sau vụ Mỹ không kích tiêu diệt vị tướng này - Ảnh chụp màn hình Bloomberg
Giết chết Soleimani chẳng khác nào ám sát bộ trưởng quốc phòng Mỹ.
Bà Hillary Mann Leverett - cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - nhận định với kênh truyền hình Al Jazeera
Đáp trả, trong thư gửi tới Liên Hiệp Quốc, đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht Ravanchi cho rằng việc sát hại tướng Soleimani là "ví dụ rõ rệt của một nhà nước khủng bố, là hành động phạm pháp vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó cụ thể là Hiến chương Liên Hiệp Quốc".
Mỹ tiếp tục không kích, tăng cường an ninh
Cũng trong sáng 4-1, Mỹ triển khai đợt không kích mới tại Iraq nhằm tiêu diệt một chỉ huy của lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi. Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho biết bom không kích đã đánh vào một xe của lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ quân đội Iraq cho biết đã có 6 người chết, 3 người bị thương nặng.
Cùng ngày, hàng ngàn người đã tụ tập tại thủ đô Baghdad, Iraq hô to khẩu hiệu chống Mỹ và bày tỏ lòng thương tiếc ngay trước tang lễ của các tướng lĩnh Iran thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở sân bay Baghdad trước đó, bao gồm tướng Soleimani.
Sự ra đi của thiếu tướng Qasem Soleimani đã gây ra cơn địa chấn tại Trung Đông. Cơn địa chấn này dường như đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc đối đầu trực diện hơn.
Trong ngày 3-1, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phát thông báo kêu gọi mọi công dân Mỹ nên rời Iraq càng nhanh càng tốt để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này đã tăng cường các biện pháp để bảo vệ tài sản của Washington trong khu vực và sẵn sàng đối phó bất kỳ hành động trả đũa nào, gồm cả các cuộc tấn công mạng.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ triển khai lữ đoàn Lực lượng phản ứng tức thời (IRF) của Sư đoàn lính dù 82 tới Kuwait để tăng cường an ninh tại Trung Đông. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết số binh sĩ được triển khai sẽ là 3.500.
Mỹ hiện có 3 căn cứ không quân xung quanh Iraq: bao gồm căn cứ Ali al-Salem tại Kuwait (quốc gia Mỹ tăng thêm quân), và hai căn cứ lần lượt ở Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
3%
Đài CNBC ngày 4-1 ghi nhận giá dầu thô tại Mỹ đã tăng gần 3% trong ngày 3-1 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ lệnh tiêu diệt tướng Qasem Soleimani. Các loại tài sản dự trữ an toàn như trái phiếu và đồng USD cũng tăng theo đó. Ngoài ra, cổ phiếu tại Mỹ đã có một ngày giao dịch không mấy khá khẩm. Chỉ số S&P 500 ngày 3-1 giảm khoảng 0,7%, trong khi Dow Jones Industrial Average mất hơn 0,8% vì các nhà đầu tư tỏ ra cẩn trọng.
Theo kết quả phân tích của CNBC từ các biến động tại Trung Đông trong 30 năm trở lại đây, khả năng giá dầu thường tăng trong các tháng sau biến cố lên đến 80%, kéo theo giá vàng và chứng khoán cùng đi lên.
NGUYÊN HẠNH
Tìm diệt theo cách như với Bin Laden
Một quan chức quốc phòng Mỹ chia sẻ với hãng tin AFP rằng quân đội Mỹ đã triển khai đợt không kích tiêu diệt tư lệnh Qasem Soleimani bằng máy bay không người lái (drone) hôm 3-1. Như Lầu Năm Góc thông báo, sứ mệnh này được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các nguồn tin an ninh xác nhận đã có 10 người chết trong cuộc không kích nhằm vào hai chiếc xe đang trên đường di chuyển về phía sân bay quốc tế Baghdad. Ông Soleimani ở trên một trong hai chiếc xe này. Một thủ lĩnh khác của lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi, ông Abu Mahdi al-Muhandis, cũng đã chết cùng.
Phương pháp dùng để tiêu diệt các nhân vật chủ chốt trong quân đội của Iraq có vẻ giống với cách thường làm của quân đội Israel hơn Mỹ. Theo đó, bên tấn công thường tổ chức các lực lượng đặc nhiệm với khả năng tấn công chính xác khi cần tìm diệt các yếu nhân.
Kiểu vây ráp, tìm diệt này đã từng được triển khai trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, và gần đây hơn là cựu thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi.
Vì sao ông Trump ra tay lúc này?
Có hai lý do chính khiến Tổng thống Donald Trump "tuyên chiến" với Iran. Một là, các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Israel, Saudi Arabia dường như lo ngại về sức mạnh của Mỹ sau khi Washington im lặng trước hàng loạt vụ tấn công của Iran. Do đó, Mỹ không thể không ra tay.
Hai là vấn đề chính trị nội bộ. Mùa bầu cử ở Mỹ sắp bắt đầu và các thủ tục luận tội đang được xúc tiến. Vụ việc ông Trump ra lệnh không kích tiêu diệt tướng Iran gợi lại việc tháng 12-1998, Clinton cũng tấn công Iraq trong lúc đang bị luận tội.
Hãng tin Reuters nhận định cuộc không kích được Tổng thống Trump chỉ đạo là một bước leo thang lớn trong "cuộc chiến tranh trong bóng tối" ở Trung Đông giữa Iran với Mỹ và các đồng minh của Washington, chủ yếu là Israel và Saudi Arabia.
Trong một thời gian dài đánh trong bóng tối, Mỹ và Iran đã tránh các cuộc đối đầu trực tiếp bằng mọi giá. Cái chết của một người đàn ông được hàng triệu người ở Trung Đông tôn trọng này là một sự kiện mang hậu quả khó lường dành cho Washington và Tehran, có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến rộng hơn có thể nuốt chửng Trung Đông.
Hành trình trước lúc bị ám sát của tướng Soleimani
* Cuối tháng 9, đầu tháng 10-2019: Tướng Soleimani hạ lệnh cho Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran vận chuyển thêm các loại vũ khí hiện đại, như rocket Katyusha và các loại tên lửa vác vai có khả năng bắn hạ trực thăng tới Iraq thông qua hai cửa khẩu biên giới giữa hai nước.
* Giữa tháng 10-2019: Tướng Soleimani gặp các đồng minh dân quân người Shiite của Iraq tại một biệt thự bên bờ sông Tigris ở thủ đô Baghdad, Iraq. Tại cuộc họp này, ông Soleimani chỉ đạo các đồng minh cấp cao nhất tại Iraq là ông Abu Mahdi al-Muhandis và nhiều lãnh đạo dân quân uy quyền khác tăng cường tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ tại Iraq bằng vũ khí tối tân do Iran cung cấp.
* Đầu tháng 1-2020: Soleimani di chuyển từ Syria tới Iraq. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cáo buộc vị tướng Iran đã ở Syria để hoạch định các cuộc tấn công nhắm vào Mỹ.
* 3-1-2020: Mỹ không kích bằng máy bay không người lái nhắm vào khu vực sân bay quốc tế Baghdad, tiêu diệt tướng Soleimani, ông Abu Mahdi al-Muhandis và nhiều quan chức quân sự khác.
D.KIM THOA (theo Reuters)
Iran bổ nhiệm tân tư lệnh Al-Quds
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (Pasdaran) được thành lập vào tháng 5-1979 chịu sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ tối cao Iran. Theo hiến pháp Iran, quân đội chính quy Iran chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới và duy trì trật tự trong nước, còn Pasdaran phụ trách bảo vệ chế độ. Quân số Pasdaran gồm khoảng 125.000 quân thuộc ba binh chủng bộ binh, không quân và hải quân.
Tổng tư lệnh hiện tại của Pasdaran là thiếu tướng Hossein Salami (kể từ tháng 4-2019). Ông Hossein Salami 60 tuổi, thạc sĩ quản lý quốc phòng, giữ chức tư lệnh không quân từ năm 2005 và phụ trách phó tổng tư lệnh từ tháng 10-2009.
Lực lượng đặc nhiệm Al-Quds trực thuộc Pasdaran ra đời vào đầu thập niên 1990, phụ trách chiến tranh không quy ước, công tác tình báo và hoạt động ngoài lãnh thổ. Từ ngày 3-1-2020, chuẩn tướng Ismael Qaani đã được lãnh tụ tối cao Ali Khamenei bổ nhiệm làm tư lệnh Al-Quds sau khi tướng Soleimani bị tiêu diệt ở Iraq. Ismael Qaani 62 tuổi giữ chức phó tư lệnh lực lượng từ năm 1997. Đại giáo chủ Ali Khamenei mô tả Ismael Qaani là "một trong những tư lệnh xuất sắc nhất".
H.D.L.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận