Quy định trên sẽ yêu cầu các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, chẳng hạn công ty bảo hiểm quyền sở hữu, có trách nhiệm báo cáo danh tính người mua bất động sản bằng tiền mặt cho Mạng lưới thi hành luật pháp về tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính.
FinCEN là văn phòng được giao nhiệm vụ thu thập và phân tích các giao dịch nhằm phát hiện nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính.
Theo Hãng tin Reuters, trong tháng này, FinCEN dự kiến công bố dự thảo hứa hẹn tạo ra một hệ thống quy định mới chặt chẽ hơn để thay thế hệ thống quy định còn nhiều lỗ hổng của Mỹ hiện nay.
Cánh môi giới phản đối
Theo kế hoạch, dự thảo sẽ được công bố để công chúng và người trong giới phản hồi. Nhưng Hiệp hội Quyền sở hữu đất đai Mỹ, đại diện các công ty bảo hiểm quyền sở hữu, cho rằng FinCEN không nên vội vàng đề xuất quy định mới khi chưa đưa ra được đầy đủ các quy tắc quản lý những công ty vỏ bọc.
Vào tháng 3-2023, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo về tình trạng xấu kéo dài nhiều thập niên qua tại Mỹ là tội phạm dựa vào bất động sản để che giấu các khoản thu bất chính. Bà Yellen cho biết số tiền được "rửa" thông qua thị trường này có thể lên 2,3 tỉ USD trong giai đoạn 2015 - 2020.
Các ngân hàng Mỹ từ lâu đã có trách nhiệm phải tìm hiểu nguồn tiền của khách hàng và báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Nhưng ngành bất động sản Mỹ cho đến nay chưa bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc nào như vậy.
Thay vào đó, FinCEN đã vận hành các quy định yêu cầu thông báo hoạt động mua bất động sản (GTO), áp dụng ở một số thành phố lớn bao gồm: New York, Miami và Los Angeles. Quy định mới dự kiến sẽ mở rộng yêu cầu này trên toàn quốc.
Dự thảo có thể vấp phải ý kiến trái chiều từ người Mỹ, đặc biệt tầng lớp nhà giàu không muốn công khai tài sản. Đồng thời quy định mới này sẽ mâu thuẫn với quyền bảo mật thông tin cá nhân vốn rất được coi trọng ở Mỹ.
Một số chuyên gia cho rằng việc minh bạch hóa thị trường tài chính, bất động sản khiến giới nhà giàu Mỹ không hài lòng, buộc họ tính bước chuyển tài sản ra nước ngoài, đến các thiên đường thuế như Panama, Cayman...
Số đông ủng hộ
Bà Erica Hanichak, giám đốc các vấn đề chính phủ của nhóm vận động Liên minh FACT, lên tiếng: "Nạn rửa tiền qua bất động sản là lý do vì sao FinCEN đang thực hiện bước quan trọng này để chính thức đưa được điều gì đó vào sổ sách nhằm loại bỏ hoàn toàn vấn đề đó".
Một số người ủng hộ thậm chí còn cho rằng FinCEN, vốn từ chối bình luận về thời điểm đưa ra đề xuất quy định, đã hành động quá chậm. Lần đầu tiên các quan chức Mỹ đề cập đến quy định này là năm 2021.
Nhưng FinCEN đã phải vật lộn để hoàn thành một quy tắc liên quan nhằm vạch mặt các chủ sở hữu công ty vỏ bọc. Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng cũng đã thúc ép FinCEN thắt chặt đề xuất đó, theo một bức thư công khai hồi tháng 4 vừa qua.
Một trong những nguồn tin cho biết cuộc tranh luận đó đã làm chậm công việc của FinCEN về quy tắc báo cáo nguồn gốc tài chính bất động sản.
Thực tế là FinCEN đã triển khai GTO từ năm 2016 sau khi báo New York Times tiết lộ gần một nửa số bất động sản cao cấp đã được mua bởi các công ty vỏ bọc ẩn danh.
Nhưng bà Jodi Vittori, một chuyên gia về tài chính bất hợp pháp tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhận định GTO rất dễ lách bằng cách mua bất động sản nằm bên ngoài các khu vực bị áp quy định này.
Những người ủng hộ minh bạch thúc đẩy quy tắc toàn quốc chỉ ra ví dụ về tỉ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui), một doanh nhân Trung Quốc lưu vong.
Người này, theo các công tố viên, đã sử dụng một công ty vỏ bọc để chuyển lợi nhuận bất hợp pháp từ một kế hoạch lừa đảo vào giao dịch mua biệt thự trên miếng đất gần 5.000m2 trị giá 26 triệu USD ở New Jersey vào tháng 12-2021.
Người ta chỉ ra nếu ông Quách mang tài sản qua sông Hudson ở Manhattan, tài sản đó sẽ phải chịu GTO và có khả năng bị cảnh báo ngay lập tức cho cơ quan thực thi pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận