Hãng tin Reuters cho biết bộ trưởng Bộ Ngoại giao ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bắt đầu kế hoạch chia sẻ dữ liệu về các tên lửa của Triều Tiên theo thời gian thực vào tháng 12 tới.
Cũng trong ngày 12-11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp người đồng cấp Hàn Quốc Shin Won Sik tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara tham gia cuộc họp với hai nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ, Hàn bằng hình thức trực tuyến.
Ông Kihara nói với các phóng viên rằng các bộ trưởng quốc phòng ba nước đã thảo luận về việc tăng cường hợp tác ba chiều trước "môi trường an ninh nghiêm trọng".
Theo lời bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là lần đầu tiên bộ trưởng Bộ Quốc phòng ba bên tổ chức một cuộc họp chung.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thống nhất với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn ngày 18-8 về việc chia sẻ các dữ liệu cảnh báo tên lửa của Triều Tiên theo thời gian thực.
Trong một tuyên bố liên quan, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lên án hợp tác quân sự ngày càng gia tăng giữa Nga - Triều Tiên và gọi việc này vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Đồng thời, ông Shin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan.
Trong một diễn biến có liên quan khác, Đại tướng Charles Q.Brown - chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc tại Seoul hôm 12-11.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức, vị tướng hàng đầu nước Mỹ đã thảo luận về "các hành động khiêu khích liên tục", bao gồm cả việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Hàn Quốc.
Kể từ sau chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Mỹ và các đồng minh "đứng ngồi không yên", đồn đoán Bình Nhưỡng chuyển vũ khí cho Matxcơva để đổi lấy công nghệ.
Gần đây, tình báo Mỹ và Hàn Quốc liên tục tung ra hàng loạt bằng chứng Triều Tiên chuyển 1.000 viên đạn pháo cho Nga, đe dọa đến an ninh hạt nhân của toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận