Tàu khu trục USS Mustin của Hải quân Mỹ áp sát Hoàng Sa một ngày sau vụ bắn tên lửa của Trung Quốc - Ảnh: US NAVY
Trong thông cáo được phát rạng sáng 28-8, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sự lo ngại về các hoạt động tập trận của Trung Quốc từ ngày 24 tới 29-8 ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
"Cuộc tập trận quân sự này là hành động mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của CHND Trung Hoa nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông", Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Xác nhận Trung Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo từ đất liền ra khu vực tập trận trên, Lầu Năm Góc nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết của nước này trong Tuyên bố về ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002, đồng thời đặt câu hỏi về động cơ thực sự của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN.
"Tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông là phản tác dụng trong việc xoa dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định. Các hành động của CHND Trung Hoa, bao gồm cả các vụ thử tên lửa, càng gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông", thông cáo có đoạn nhấn mạnh.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Washington đã cảnh báo sẽ để ý tới hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông từ tháng 7 với hi vọng Trung Quốc sẽ giảm quân sự hóa và cưỡng ép nước khác.
Tuy nhiên, "Trung Quốc đã chọn cách leo thang các hoạt động tập trận bằng cách bắn tên lửa đạn đạo. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không tiến hành các hoạt động quân sự có thể đe dọa tự do hàng hải và làm trầm trọng thêm các tranh chấp ở Biển Đông".
Trong một thông cáo riêng rạng sáng 28-8, Hạm đội 7 Mỹ xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đã tiến hành hoạt động "đảm bảo tự do hàng hải" ở quần đảo Hoàng Sa chỉ một ngày sau khi Trung Quốc bắn tên lửa.
Thông cáo không nói rõ tàu chiến Mỹ đã áp sát các thực thể nào bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Thời Báo Hoàn Cầu, USS Mustin đã tiến vào "vùng lãnh hải" ở Hoàng Sa, ám chỉ đường cơ sở thẳng vô lý mà Trung Quốc đã vẽ ở quần đảo này.
Tờ báo của chính quyền Trung Quốc còn cho hay hành động của tàu chiến Mỹ "đã bị lực lượng hải quân và không quân Chiến khu phía Nam theo dõi, xua đuổi".
Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Sáng 26-8 (giờ Việt Nam), khi đêm thứ hai đại hội Đảng Cộng hòa ở Mỹ dần đi tới hồi kết, hai quả tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc đã rời bệ phóng từ những vị trí bí mật ở hai tỉnh Chiết Giang, Thanh Hải và lao thẳng về Biển Đông.
Một trong số đó là Đông Phong 26B (DF-26B), loại tên lửa được Trung Quốc tự tin đặt cho danh xưng "sát thủ tàu sân bay", theo báo South China Morning Post. Nguồn tin của tờ này khẳng định vụ bắn tên lửa là để "đáp trả và răn đe các hành động khiêu khích của Mỹ" tại khu vực, ám chỉ máy bay do thám U-2 của Mỹ xuất hiện trong khu vực Trung Quốc tập trận.
Hãng thông tấn AFP dẫn nguồn từ một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã bắn tới 4 tên lửa ra Hoàng Sa trong ngày 26-8 nhưng không nói rõ chủng loại.
Chưa đầy nửa ngày sau đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhắm vào hàng chục công ty và cá nhân Trung Quốc liên quan tới hoạt động cải tạo, bồi đắp trái phép và quân sự hóa đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Giới quan sát nhận định khả năng Mỹ sẽ còn tiếp tục trừng phạt các cá nhân và công ty Trung Quốc trong lĩnh vực dầu khí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận