Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20-6 - Ảnh: Reuters |
Quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga hiện được cho căng thẳng nhất từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Một trong những nguyên nhân cụ thể của tình trạng này là việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014.
Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga tiếp tay cho các tay súng nổi dậy tại miền đông Ukraine, dù Điện Kremlin luôn phản bác điều này.
Điều đó tạo ra một khúc mắc khiến các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp vào Nga vẫn chưa thể tháo gỡ.
"Đó là một phần lý do tại sao các lệnh trừng phạt vẫn nằm đó, vì cho tới khi nào họ (Nga) rút khỏi miền đông Ukraine, chúng tôi vẫn giữ việc trừng phạt Nga", hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói hôm 20-6.
Mỹ áp đặt trừng phạt thêm với Nga
Cũng trong ngày 20-6, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố liệt 38 cá nhân và các tổ chức vào danh sách trừng phạt do có liên quan đến Nga và vấn đề xung đột tại Ukraine.
Đợt trừng phạt mới nhất này nhằm vào các quan chức, công ty Ukraine và Nga mà giới chức Mỹ cáo buộc đã giúp Nga siết chặt kiểm soát tại Bán đảo Crimea.
Các lệnh trừng phạt này sẽ đóng băng các tài sản trong ngân hàng Mỹ của các cá nhân và đơn vị có trong danh sách và cấm các công ty Mỹ làm ăn với những cá nhân hay tổ chức này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ biện pháp trên nhằm duy trì sức ép lên Nga để hướng tới một giải pháp ngoại giao và Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Nga đáp ứng các yêu cầu trong thỏa thuận Minsk.
Sau quyết định từ Bộ Tài chính Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lên tiếng cho biết Matxcơva lấy làm tiếc trước việc Mỹ vừa mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tổ chức của Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Ông Ryabkov khẳng định hiện Nga đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả đối với động thái trên của Mỹ. Bên cạnh đó, ông Ryabkov nhấn mạnh việc Mỹ mở rộng trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không làm ảnh hưởng tới các chính sách của Matxcơva.
Hôm 16-6, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã ra tuyên bố rằng Nga nhìn nhận "rất tiêu cực" về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào nước này, cho rằng các biện pháp này có thể gây phương hại các nước khác.
Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, trong đó có một số nhằm vào các dự án năng lượng của Nga như dự án đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển trực tiếp khí đốt của Nga ở dưới biển Baltic sang Đức.
Trước đây, Nga từng nhiều lần tuyên bố rằng Matxcơva không phải là một bên xung đột tại Ukraine và tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng với tư cách là một bên trung gian. Do đó, Matxcơva không thể thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk, nên mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến việc thực thi thỏa thuận Minsk là "vô lý và phi logic".
Tổng thống Trump "nhân tiện" tiếp tổng thống Ukraine
Cũng trong ngày 20-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Hai bên đã bàn thảo về các giải pháp tìm kiếm hòa bình cho Ukraine cũng như cuộc chiến chống nạn tham nhũng, thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
Đây là cuộc gặp gỡ thu hút sự chú ý từ giới quan sát, do ông Trump lâu nay vẫn bị xem là nhân vật có xu hướng thân thiện với Nga. Ngược lại, ông Poroshenko là người có quan hệ rất tệ với Matxcơva sau khi nắm quyền thay người tiền nhiệm "thân Nga" Viktor Yanukovich.
Trả lời ngắn gọn sau cuộc gặp, ông Trump nói rằng "có nhiều tiến bộ được tạo ra" trong quan hệ song phương Mỹ - Ukraine, theo đài CNN. Tuy nhiên, cuộc gặp này vẫn bị cho có chút ngượng ngùng.
Truyền thông Mỹ và quốc tế nhấn mạnh rằng tên chính thức của cuộc gặp này là "drop by", tức chỉ mang ý nghĩa nhân tiện. Tổng thống Trump đã không đón chính thức Tổng thống Poroshenko, và chỉ có cuộc thảo luận với ông Poroshenko sau khi lãnh đạo Ukraine làm việc với Phó Tổng thống Mike Pence.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận