Động thái "bật đèn xanh" của Mỹ được cho sẽ giúp đồng minh Hàn Quốc giành lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Theo thông báo của phía Hàn Quốc vào hôm 9-10, các công ty nằm trong danh sách được nới lỏng hạn chế nêu trên có Samsung Electronics và SK Hynix.
"Gỡ khó" cho đồng minh
Với mục đích ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ sản xuất chip của Mỹ, Washington đã đặt ra một loạt biện pháp giới hạn xuất khẩu chip từ tháng 10-2022.
Tuy nhiên, Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chip điện tử với Trung Quốc, phụ thuộc rất lớn vào ngành công nghiệp bán dẫn cả về nguồn việc làm lẫn doanh thu. Samsung và SK Hynix đang chiếm lĩnh thị trường chip nhớ cho điện thoại thông minh và máy tính xách tay của thế giới. Cả hai doanh nghiệp này đều sản xuất chip tại Trung Quốc.
Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố việc miễn trừ thời hạn một năm cho Samsung và SK Hynix để hai nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thời hạn miễn trừ sắp hết cũng là lúc nhiều lo ngại dành cho ngành bán dẫn của Hàn Quốc lớn dần.
Thông báo hôm 9-10 vì vậy thực chất là quyết định tiếp nối của các miễn trừ trước đó dành cho Samsung và SK Hynix. Khác biệt ở chỗ, lần này Mỹ không đưa ra thời hạn miễn trừ.
"Quyết định của Chính phủ Mỹ đồng nghĩa với việc vấn đề thương mại lớn nhất đối với các doanh nghiệp bán dẫn của chúng ta đã được giải quyết" - ông Choi Sang Mok, thư ký cấp cao của tổng thống Hàn Quốc về vấn đề kinh tế, cho biết.
Samsung khẳng định động thái của Mỹ đã "xóa bỏ đáng kể" sự bấp bênh bao trùm hoạt động sản xuất bán dẫn của công ty này tại Trung Quốc. SK Hynix cũng chào đón quyết định của Mỹ, khẳng định họ sẽ "đóng góp cho sự ổn định của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu".
Giới chuyên gia cho rằng miễn trừ ngắn hạn tạo ra sự bất an đối với doanh nghiệp trong quyết định đầu tư, qua đó khiến họ mất đi khả năng cạnh tranh.
"Miễn trừ không hạn định là điều kiện ổn định nhất dành cho doanh nghiệp, và chỉ có cách này mới giúp họ cân nhắc khởi động lại hoạt động đầu tư tại Trung Quốc. Nhưng thực tế chúng ta không thể tránh khỏi các rủi ro chính trị và bất ổn địa chính trị" - ông Eric Chen, chuyên gia phân tích của Hãng nghiên cứu Digitimes Research, giải thích.
Trung Quốc chưa chắc hưởng lợi
SK Hynix đang vận hành một công xưởng DRAM tại thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô), một cơ sở NAND Flash ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Công ty này còn có nhiều cơ sở đóng gói chip ở Trùng Khánh. Samsung cũng có ba nhà máy chip ở các thành phố Tây An (Thiểm Tây), Tô Châu (Giang Tô) và Thiên Tân.
Mặt khác, một số nhà đầu tư ở Trung Quốc lại không mấy hào hứng với thông tin này. "Quyết định mới nhất của Mỹ không nên được xem là sự nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của nước này đối với Trung Quốc. Còn quá sớm để nói rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ hạn chế sử dụng chip đối với các nhà sản xuất chip Trung Quốc", một nhà đầu tư không nêu tên trong ngành nói với tờ Economic Observer ở Trung Quốc vào hôm 10-10.
Nhà đầu tư này lưu ý rằng tin tốt duy nhất đối với Trung Quốc là quyết định của Mỹ sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, giảm bớt căng thẳng địa chính trị trong khu vực.
Các miễn trừ mà Samsung và SK Hynix nhận được từ Mỹ diễn ra trong bối cảnh nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC) đang chờ đợi bước tiến mới.
Theo báo South China Morning Post, YMTC kỳ vọng nhu cầu dành cho các sản phẩm bộ nhớ điện tĩnh flash (NAND Flash) sẽ tăng lên nhờ hợp đồng từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy chủ (server) và máy tính cá nhân. YMTC đã xây dựng quan hệ vững chắc với các nhà cung cấp nội địa để thay thế linh kiện từ Mỹ trong các thiết bị sản xuất, sau khi bị các nhà cung cấp Mỹ ngừng hợp tác do lệnh cấm của Washington.
Bà Arisa Liu, nhà phân tích chất bán dẫn của Viện Nghiên cứu kinh tế Đài Loan, đánh giá hai doanh nghiệp Hàn Quốc SK Hynix và Samsung Electronics nay "có thể thở phào nhẹ nhõm", trong khi hoạt động của YMTC nhiều khả năng "dần chững lại". Điều này xuất phát từ việc sự bất định do các hạn chế của Mỹ mang tới đã được xóa bỏ, theo nữ chuyên gia.
Mỹ cân nhắc siết xuất khẩu chip AI
Theo bốn nguồn thạo tin của Hãng tin Reuters, Washington đang xem xét việc lấp lỗ hổng cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ, thông qua các đơn vị đặt ở nước ngoài.
Năm 2022, Mỹ đã công bố nhiều hạn chế đối với việc vận chuyển chip AI và công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc, nhằm tìm cách cản trở những tiến bộ quân sự của nước này. Những quy định đó sẽ tiếp tục được thắt chặt trong những ngày tới, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận