18/04/2020 09:51 GMT+7

Muốn mở lại kinh tế giữa nỗi lo

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Tổng thống Donald Trump đã công bố những chỉ dẫn của chính quyền liên bang về việc mở cửa lại nền kinh tế, và giao quyền tự quyết cho các thống đốc căn cứ vào thực tiễn mỗi địa phương.

Muốn mở lại kinh tế giữa nỗi lo - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo công bố kế hoạch mở cửa lại kinh tế Mỹ tại Nhà Trắng ở Washington ngày 16-4 - Ảnh: Reuters

Chúng ta sẽ không mở cửa tất cả cùng lúc, mà thực hiện từng bước thận trọng.

Tổng thống Donald Trump nói ngày 16-4

"Nước Mỹ muốn mở cửa và người dân Mỹ muốn mở cửa - ông Trump tuyên bố trước các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 16-4 (giờ Washington) - Chúng ta phải có một nền kinh tế hoạt động, và chúng ta muốn nó trở lại hoạt động thật nhanh chóng".

3 giai đoạn

Bản kế hoạch nêu rõ 3 giai đoạn mở cửa lại nền kinh tế với những tiêu chí và điều kiện cụ thể của từng giai đoạn, nhưng không nêu ngày cụ thể. 

Ngoài những hướng dẫn tổng quát, bản hướng dẫn khuyến khích các bang căn cứ vào dữ liệu cụ thể về dịch bệnh ở mỗi địa phương để đưa ra quyết định.

- Giai đoạn 1: rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm thể thao, các điểm tôn giáo, phòng tập gym và các địa điểm khác có thể mở lại với việc tiếp tục thực hiện những chỉ dẫn giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhưng các quán bar, trường học và các trung tâm trông giữ trẻ vẫn đóng cửa. 

Chính quyền khuyến nghị những người dễ tổn thương ở nhà trong giai đoạn 1 và vẫn cấm việc thăm nom các nhà dưỡng lão và bệnh viện. Một số người có thể trở lại nơi làm việc theo các giai đoạn, nhưng vẫn khuyến khích làm việc từ xa lúc này.

- Giai đoạn 2: hoạt động đi lại không thiết yếu có thể nối lại, cho phép tụ tập tới 50 người và các quán bar có thể mở nhưng vẫn kèm theo các hạn chế. Trường học và các hoạt động liên quan tới giới trẻ cũng có thể mở lại. 

Những cá nhân dễ tổn thương vẫn được yêu cầu ở nhà và tiếp tục cấm hoạt động thăm nom bệnh viện, nhà dưỡng lão. Lúc này người lao động vẫn được khuyến khích làm việc từ xa.

- Giai đoạn 3: không còn hạn chế nào với các công sở và những người thuộc nhóm dễ tổn thương có thể nối lại các tương tác xã hội, nhưng vẫn cần tuân thủ giãn cách xã hội. Việc thăm nom bệnh viện, nhà dưỡng lão có thể nối lại và các quán bar sẽ được phép tăng thêm số lượng khách tới.

Ông Trump nói một số bang có ít ca bệnh có thể xúc tiến ngay giai đoạn 1 từ thứ sáu (17-4), nếu họ đáp ứng tiêu chí. Tuy nhiên, ông từ chối nêu tên cụ thể bang nào, giao lại quyền tự quyết cho các thống đốc, chỉ tiết lộ khoảng 29 bang có thể sớm bắt đầu mở lại nền kinh tế.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 16-4, ông Trump cũng nói với các thống đốc họ là người sẽ có quyết định cuối cùng về việc mở cửa lại nền kinh tế của bang mình, trái ngược với tuyên bố trước đó rằng tổng thống Mỹ mới là người có toàn quyền quyết định.

Lo ngại

Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận thêm 4.491 người chết do nhiễm virus corona hôm 16-4, ngày thứ hai liên tiếp số người chết tăng cao kỷ lục tại nước này. Số ca tử vong do nhiễm virus corona tại Mỹ đã lên đến hơn 34.600 người hôm qua 17-4.

Nhưng ông Trump nói những chỉ dẫn mới nhất ông vừa công bố đã nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia cố vấn y tế cộng đồng của chính quyền, trong đó có bác sĩ, tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của chính phủ. 

Theo báo Guardian, trước khi chính thức công bố bản kế hoạch này, Nhà Trắng cũng đã tìm kiếm ủng hộ từ các lãnh đạo doanh nghiệp và các nghị sĩ. 

"Quyết tâm chính trong vấn đề này là đảm bảo sao cho việc này được thực hiện an toàn nhất có thể", bác sĩ Fauci chia sẻ quan điểm với báo giới.

Gỡ bỏ những hạn chế phòng dịch tới nay vẫn là chủ đề tranh cãi gay gắt ở bên trong và ngoài chính quyền ông Trump. 

Trong khi giới chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại việc tái bùng phát dịch thì các nhà hoạch định chính sách kinh tế nóng lòng muốn đảo ngược tình trạng thất nghiệp diện rộng hiện nay. 

Chỉ trong vòng tháng qua, gần 22 triệu người Mỹ đã phải đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (riêng tuần qua là 5,2 triệu người) và con số này sẽ còn tăng.

Một số thống đốc đã chứng tỏ bản kế hoạch hướng dẫn của Nhà Trắng có thể chỉ là nhân tố "tham khảo" cho những gì họ quyết định triển khai sắp tới. 

Một số thống đốc thậm chí đã kéo dài thêm sắc lệnh "ở nhà" và ký các sắc lệnh hành pháp mới ngay trong ngày 16-4 để ứng phó với dịch COVID-19.

Ví như thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 16-4 tuyên bố mọi hoạt động đi lại không thiết yếu sẽ vẫn bị cấm tại bang của ông ít nhất tới ngày 15-5. 

Ông Cuomo là thành viên của liên minh các thống đốc Bờ Đông đang tham vấn lẫn nhau về cách ứng phó dịch COVID-19. Một liên minh tương tự cũng tồn tại ở Bờ Tây và một nhóm khác gồm 7 thống đốc ở các bang Trung Tây cũng sẽ tham vấn lẫn nhau như vậy.

Các chuyên gia y tế cộng đồng, trong đó có một số chuyên gia thuộc chính quyền ông Trump, đã cảnh báo việc mở cửa lại nền kinh tế quá sớm có thể làm phát sinh làn sóng lây nhiễm thứ hai, phá hỏng các nỗ lực giảm nhẹ đại dịch đang triển khai và gây quá tải cho hệ thống y tế.

Ngay trong tuần này, bác sĩ Fauci đã lưu ý việc nước Mỹ vẫn đang thiếu các năng lực xét nghiệm và theo dõi đường lây lan của virus cần thiết để mở lại nền kinh tế. 

Một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã nêu ra những lo ngại tương tự trong cuộc họp trực tuyến với ông Trump ngày 15-4.

EU rục rịch mở lại kinh tế

Nhằm tránh "vết xe đổ" là những biện pháp đơn phương rối mù mỗi nước tự đưa ra trong giai đoạn đầu của khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đề nghị chính phủ các nước thành viên có sự hợp tác để mở lại nền kinh tế.

Theo báo Wall Street Journal, giới chức EU dự đoán phải mất một khoảng thời gian "rất dài" để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng corona.

Nhiều nước thành viên EU cho biết đã sẵn sàng nới lỏng các biện pháp phòng dịch, trong đó có Áo, Đan Mạch và CH Czech. Riêng Pháp vẫn kéo dài thời gian phong tỏa nghiêm ngặt tới ngày 11-5. Các chính phủ khác cho rằng vẫn còn quá sớm để bàn việc nới lỏng phòng dịch lúc này.

COVID-19: Mỹ hơn 37.000 người chết, ông Trump công bố hỗ trợ nông dân 19 tỉ USD COVID-19: Mỹ hơn 37.000 người chết, ông Trump công bố hỗ trợ nông dân 19 tỉ USD

TTO - Tổng số người chết vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt qua 37.000 ca, tăng thêm hơn 2.500 người trong 24 giờ ở ngày thứ 4 liên tiếp trong khi số ca bệnh tăng thêm hơn 32.000 ca, theo trang worldometers.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên