16/10/2023 05:48 GMT+7

Muôn hình vạn trạng kiểu mạo danh doanh nghiệp lớn để lừa đảo

Chiêu trò mạo danh để bán hàng, lừa đảo vẫn hoành hành. Những thương hiệu nào đã bị? Cần cẩn trọng ra sao để không bị "tiền mất tật mang"?

Nhiều trang mạng bán hàng trực tuyến qua nhóm chat mạo danh các doanh nghiệp lớn - Ảnh: BÉ HIẾU

Nhiều trang mạng bán hàng trực tuyến qua nhóm chat mạo danh các doanh nghiệp lớn - Ảnh: BÉ HIẾU

Nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cho biết phải gánh chịu thiệt hại không chỉ về doanh số bán hàng mà còn cả uy tín thương hiệu - vốn đã tốn kém rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc xây dựng trong nhiều năm.

Đã mạo danh còn thách thức chính chủ

Khi iPhone thu hút sự quan tâm của người dùng, các đại lý ủy quyền chính hãng của Apple (AAR) phải gánh chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Tình trạng mạo danh cũng bùng phát.

"Không chỉ liên tục bị mạo danh trên các trang mạng xã hội, hệ thống 24hStore còn bị mạo danh cả nhân viên tại nhiều tỉnh thành. Đã có khách hàng bị lừa mua iPhone dỏm và đến cửa hàng của chúng tôi khiếu kiện. Kiểm tra hóa đơn mới phát hiện không phải thuộc hệ thống" - bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore, nói.

Bà Hồng cho biết dù đã liên tục dùng nhiều biện pháp từ cảnh báo người dân đến báo cáo cơ quan chức năng nhưng tình trạng mạo danh không hề thuyên giảm.

400

Đó là số phản ảnh bị lừa đảo mỗi tuần gửi tới Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

"Thậm chí khi chúng tôi cảnh báo với bên mạo danh, họ còn lớn tiếng thách thức, xem việc trắng trợn mạo danh của họ chỉ là bình thường" - bà Hồng chia sẻ và cho rằng điều này khiến khách có tâm lý ngại và lo lắng khi mua hàng, uy tín và thương hiệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng.

Liên tục bị kẻ xấu mạo danh trong thời gian dài, đại diện Thế Giới Di động và Điện Máy Xanh ngao ngán: "Chúng tôi là nạn nhân, uy tín bị tổn hại khó đo đếm".

Theo ghi nhận, một trong những chiêu lừa phổ biến nhất là kẻ lừa đảo liên hệ tự xưng nhân viên Điện Máy Xanh chào mời khách hàng tham gia đánh giá sản phẩm để nhận tiền hoặc nhận quà từ chương trình tri ân.

Đặc biệt, kẻ xấu sử dụng đường dẫn website thực của Điện Máy Xanh, thậm chí còn đưa ra giấy tờ xác minh cho thấy đây thực sự là chương trình của hệ thống.

Sau khi có được sự tin tưởng, kẻ xấu cài bẫy bằng các bước tinh vi với sự tham gia của nhiều "nhân sự của công ty" để tư vấn, mục đích cuối cùng là yêu cầu khách hàng chuyển tiền ứng trước để nhận được mức hoa hồng lớn hơn hay nhận được hàng hóa... Sau khi người ta chuyển tiền, chúng sẽ tắt hết mọi liên lạc.

Đại diện hệ thống Điện Máy Xanh khẳng định hệ thống này "không thực hiện gọi điện bán hàng trực tiếp, kêu gọi mua gói bảo hành, không có chương trình tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, không kêu gọi khách đánh giá sản phẩm để kiếm tiền, không gọi điện để tặng nhiều sản phẩm chia làm nhiều lần, không yêu cầu khách phải chuyển tiền để nhận được quà... Chúng tôi cũng không gọi điện trực tiếp chào mời mức ưu đãi lớn...".

Theo đại diện hệ thống này, ngoài việc giả mạo công văn và con dấu, kẻ xấu còn đánh cắp thông tin cá nhân và hình ảnh của nhân viên Điện Máy Xanh để tạo niềm tin. Tinh vi hơn, chúng còn sử dụng thông tin có "dấu hiệu" liên quan đến Điện Máy Xanh, chẳng hạn như dùng tên chuyển khoản có bao gồm chữ Điện Máy Xanh hay DMX...

Một chiêu lừa điển hình làm việc tại nhà - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Một chiêu lừa điển hình làm việc tại nhà - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Mạo danh không chừa ai

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương đã phải lên tiếng cảnh báo việc đơn vị này bị mạo danh để lừa đảo.

Trước đó, cục này đã cùng chương trình Amazon Global Selling hợp tác triển khai sáng kiến góp phần nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhiều kẻ xấu đã cố tình sử dụng logo, tên của cục, chương trình Amazon Global Selling khiến doanh nghiệp và người dân hiểu lầm, sập bẫy.

Đầu tháng 8 vừa qua, Công ty VNG cũng phải cảnh báo việc mạo danh hãng. Kẻ mạo danh liên hệ ứng viên và gửi bản mô tả công việc, đồng thời mời tham gia vào nhóm chat trên nền tảng Telegram với lý do phỏng vấn và kiểm tra năng lực.

Ứng viên được yêu cầu tải thêm ứng dụng, điền các thông tin cá nhân và nạp tiền vào tài khoản với lời mời gọi hỗ trợ dự án và hứa hẹn trả một khoản tiền dù chưa là nhân viên chính thức.

Theo VNG, các nhà tuyển dụng của họ trao đổi với ứng viên dù hình thức nào cũng sẽ không bao giờ yêu cầu tải ứng dụng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng...

Tập đoàn FPT và các công ty thành viên cũng bị mạo danh để lừa đảo tuyển dụng. Chúng hẹn gặp ứng viên ngay tại chân tòa nhà FPT Tower sau giờ hành chính để phỏng vấn; nhắn tin tư vấn các vị trí FPT đang tuyển dụng trên các website việc làm; gửi link hướng dẫn ứng viên đăng nhập rồi nạp tiền...

Thậm chí có những kẻ lừa đảo còn sử dụng hình ảnh giám đốc nhân sự tập đoàn và lãnh đạo các công ty thành viên FPT làm hình đại diện...

Hay như Công ty cổ phần MISA - chuyên cung cấp giải pháp chuyển đổi số tài chính kế toán và quản trị doanh nghiệp - cũng đã lên tiếng cảnh báo có cả website và ứng dụng di động (App Mobile) mạo danh MISA để lừa đảo...

Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, giải pháp quan trọng hàng đầu là người dân khi nghe thông tin cần đối chiếu lại các kênh chính thức, tạm dừng ngay để kiểm tra khi bất cứ ai yêu cầu cung cấp thông tin liên quan tài khoản, chuyển tiền. Cái gì đơn giản, dễ dàng hơn để kiếm được lợi ích thường là lừa đảo.

Cẩn thận chiêu "làm việc tại nhà"

Chị Nguyễn Thị Thanh Diễm (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tìm việc làm, thấy rao trên mạng nên đăng ký nhận 1.000 cây bút bi Thiên Long để lắp tại nhà với số tiền thù lao 12 triệu đồng.

Nhóm mạo danh nhân viên Thiên Long trưng cả giấy phép kinh doanh, có dấu mộc đỏ của cơ quan chức năng, người đại diện, video nhà xưởng... nên chị tin tưởng đóng 800.000 đồng tiền cọc để nhận bút.

Sau vài ngày thấy không ổn, chị Diễm muốn rút lại số tiền cọc này. Nhóm lừa đảo yêu cầu chị đóng thêm 3 triệu đồng mới làm được "đơn xin rút tiền". Tuy vậy, sau khi nhận thêm 3 triệu đồng, nhóm này mất dạng.

"Chúng có đông người và chia nhiều vai để diễn từ nhân viên, giám đốc... rất thành thạo để khéo léo đánh vào tâm lý khách muốn làm thêm việc tại nhà", chị Diễm bức xúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long (TP.HCM) xác nhận chỉ trong vài tháng qua, đơn vị đã ghi nhận hàng chục nạn nhân ở nhiều tỉnh thành bị lừa đảo bằng chiêu thức như trên, trong đó có nạn nhân bị lừa đến 185 triệu đồng.

Thiên Long khẳng định không có chính sách tuyển dụng hay hợp tác với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào liên quan đến việc lắp ráp bút viết tại nhà.

Mạo danh quản lý thị trường, dọa kiểm tra để vòi tiền doanh nghiệpMạo danh quản lý thị trường, dọa kiểm tra để vòi tiền doanh nghiệp

Gần đây có một nhóm chuyên mạo danh quản lý thị trường, dọa kiểm tra để vòi tiền doanh nghiệp khiến các nạn nhân rất mệt mỏi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên