Những ngày cuối tháng 12, sức ép giao thông bắt đầu tăng dần trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội. Cảnh tượng ùn tắc bắt đầu diễn ra ngay cả trong khung giờ thấp điểm.
Trong khi đó, vỉa hè ở nhiều nơi lại được cày xới để lát đá khiến người đi bộ phải chen chúc cùng dòng xe cộ dưới lòng đường.
Giữa trưa, đáng lẽ là khoảng thời gian đông khách nhất của một quán bún thang trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa). Vậy nhưng người phụ nữ ngoài 60 tuổi (chủ quán) thay vì tất bật phục vụ khách thì bà phó mặc cho tâm linh bằng động tác "đốt vía".
Bà nói gần nửa tháng nay vỉa hè tuyến phố này bắt đầu được thi công lát đá. Hàng quán vì thế mà bắt đầu ế ẩm. Ngay cả giữa trưa hay giờ ăn sáng cũng chỉ còn lác đác vài người ghé ăn bởi bụi bẩn và vật liệu xây dựng tập kết chiếm gần hết mặt tiền căn nhà.
Dù vỉa hè được "thay áo mới", tuy vậy người dân nhiều khu vực thi công tỏ ra không mấy vui vẻ. Nguyên nhân được họ lý giải là công nhân thi công theo dạng cầm chừng.
"Thay vì làm cuốn chiếu cho xong thì họ lại đào lên rồi bỏ đi đoạn khác làm, nhà cửa chúng tôi vì thế cứ bụi bẩn, không có lối đi lại", ông Đỗ Anh Minh (chủ một cửa hàng trên đường Xã Đàn) nói.
Vật liệu ngổn ngang trên vỉa hè ở đường Xã Đàn (quận Đống Đa) khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường, nhiều cửa hàng kinh doanh ế ẩm - Ảnh: HỒNG QUANG
Chung tình trạng, chị Lan (kinh doanh quần áo ở quận Cầu Giấy) tỏ ra bức xúc khi liên tục phải hất nước và quét dọn để bụi bẩn không bốc lên. Cuối năm là mùa mua sắm cao điểm, vậy nhưng 2 tuần nay doanh thu cửa hàng này sụt gần 80% so với ngày thường.
"Chúng tôi được mùa mua sắm cuối năm thì vỉa hè lại cày tung lên thì còn ai mua bán nữa", chị Lan nói và cho biết ở nhiều đoạn vỉa hè mới được thay bằng đá xanh nhưng chỉ sau vài tháng đã vỡ vụn, đặt ra câu hỏi về chất lượng của loại vật liệu này.
Theo quan sát của Tuổi Trẻ Online, hàng loạt tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy đang bị đào bới. Đáng chú ý, nhiều tuyến đường vỉa hè được thi công cách đây gần 1 tháng đến nay vẫn chưa hoàn thành như đường Tô Hiệu, Trần Thái Tông... So với một tháng trước đó, khối lượng thi công đã hoàn thành khoảng 70%.
Không chỉ lát đá vỉa hè, nhiều tuyến đường còn được đào lên để thảm nhựa, xén vỉa hè mở rộng đường, thay dải phân cách, cải tạo khu vực trồng cây xanh…
Dễ nhận thấy các tuyến đường được thi công đều chung tình trạng bụi bặm và bừa bộn vật liệu xây dựng tập kết. Nhiều người đi bộ vì thế phải cố len lỏi qua đống vật liệu hoặc đi xuống lòng đường cùng dòng xe cộ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết việc cải tạo vỉa hè thuộc thẩm quyền và kế hoạch đầu tư của các quận, huyện.
Trong khi đó, đối với các hạng mục chỉnh trang mặt đường, xén dải phân cách… thuộc Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông (trực thuộc Sở Giao thông vận tải).
Hiện, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có chỉ đạo các đơn vị thi công phải hoàn thành toàn bộ việc thi công các phần việc liên quan tới mặt đường trước 31-12 để phục vụ người dân đi lại dịp cao điểm cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.
Cần phải lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè
Giữa năm nay, UBND Hà Nội đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Công an Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu, trình Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng từ việc thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong vấn đề quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường.
Ông Dũng cũng yêu cầu giải pháp cho vấn đề này là phải lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố. Trong đó có tính tới đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận