05/12/2019 09:54 GMT+7

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Sau hơn một năm, Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam ở Nam Sudan, trong đó chủ lực là ban hậu cần đã trồng nhiều loại hoa quả, rau trái và thu hoạch được vài tấn. Các anh nuôi còn làm cho món ăn Việt được yêu thích khắp căn cứ Bentiu.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 1.

Cán bộ, y bác sĩ VN giúp tổ hậu cần chuẩn bị món Việt tiếp khách - Ảnh: HỒNG VÂN

Lần đầu tham gia giữ gìn hòa bình, không có kinh nghiệm từ người đi trước, mọi thứ đều phải sáng tạo, thích nghi trong điều kiện thiếu thốn. Đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng theo khẩu vị Việt cho anh em là thách thức. Y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, còn chúng tôi chăm lo bữa ăn cho họ.

Trung tá TRẦN XUÂN THẢO (trưởng ban hậu cần)

Ngoại giao bằng... ẩm thực Việt

Mỗi khi đơn vị có khách, nhà bếp họp với đại diện các khoa, ban để thêm người hỗ trợ. Bàn tiệc từ khai vị đến tráng miệng gồm 5-6 món, luôn có ít nhất một món Việt như gỏi, chả giò, gà luộc, xôi đậu, gà hầm thuốc bắc và cả chè bà ba, một món chè khá kỳ công với hầu hết nguyên liệu mang sang từ Việt Nam.

Ngày 7-11, sau một ngày làm việc, bệnh viện có bữa tối tiếp đoàn khách gồm nhiều chuyên gia của phái bộ đến từ Nam Sudan, Nigeria, Úc... Chị Medith Joseph - nhân viên Bệnh viện cấp 1 của LHQ ở Bentiu - tò mò hỏi về thành phần các món ăn và thích thú khi biết người

Việt coi món ăn như bài thuốc, quan tâm đến sự cân bằng của gia vị, màu sắc và tác dụng bồi bổ sức khỏe của thức ăn. Bữa đó, chị Joseph rất ấn tượng với món gà hầm thuốc bắc.

Ông James Mick - trưởng cơ quan đảm bảo của căn cứ Bentiu - chia sẻ: "Tôi có một phụ tá rất tin cậy người Nam Sudan, lần đầu đến ăn tối ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam, chúng tôi ăn lẩu. Do không biết cầm đũa, cậu ấy rất lúng túng.

Vài ngày sau, tôi có việc trở lại ăn tối ở bệnh viện các bạn và thật bất ngờ lần này cậu ấy cầm đũa khá thoải mái. Thì ra vì món lẩu, cậu đã tập cầm đũa không ngừng. Chúng tôi có bữa tối làm việc với tất cả các đơn vị, nhưng lần nào cũng ấn tượng với đồ ăn ở bệnh viện Việt Nam".

Trung tá Bùi Đức Thành - giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tại Nam Sudan - chia sẻ: "Đôi khi cuộc thảo luận dễ dàng hơn khi mọi người ngồi quanh bàn ăn. Món ăn góp phần quan trọng trong công tác ngoại giao, kết nối của bệnh viện. Từ đó, khi cần hỗ trợ, các đơn vị đều giúp đỡ rất nhiệt tình".

Ba ngày trước lễ trao huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình cho tập thể cán bộ, y bác sĩ Việt Nam, tôi chứng kiến công binh Ấn Độ sang ủi sân, cắt cỏ, còn đội quân nhạc Mông Cổ miệt mài tập quốc ca Việt Nam.

Trong nội bộ bệnh viện, mọi người đều công nhận đội hậu cần vất vả nhất. Họ thường làm trước ăn sau và dọn rửa những cái xoong nồi khổng lồ cuối cùng trước khi tắt đèn nhà bếp.

Tâm sự về công tác hậu cần, thiếu tá - kỹ thuật viên nha khoa Bùi Thị Xoa nhận xét: "Khi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, sự cố gắng của đội hậu cần là 200%".

Chị Xoa dù là kỹ thuật viên nha khoa nhưng vẫn thường xuống phụ nhà bếp làm đủ loại công việc từ sơ chế nguyên liệu, hong xôi, nấu chè... khi đơn vị có khách hoặc liên hoan. Có ngày, chị thức từ 3h sáng để hỗ trợ tổ hậu cần.

Trong lễ trao huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình diễn ra ngày 14-11, đội hậu cần với sự giúp đỡ của một số cán bộ bệnh viện đã chuẩn bị 16 bàn ăn cho 130 nhân viên bệnh viện cùng khách.

Đội hậu cần và nhiều y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, lái xe... của các khoa, ban đã chung tay suốt ba ngày trước đó để sơ chế, chế biến các món ăn. Đổi lại, niềm vui của họ là các thực khách đều khen ngợi, thưởng thức bữa tiệc đến món cuối cùng.

Ít ai biết suốt một năm đội hậu cần đã nấu ăn trong lều bạt nóng bức ở châu Phi. Đến tuần đầu tháng 10-2019, họ mới chuyển về khu bếp vừa tự xây dựng.

Thượng úy Phạm Vân Đạt - bếp chính - cho biết: "Những ngày mới sang, chúng tôi phải đi kiếm củi để nấu. Bếp đặt giữa trời hứng gió từ bốn phía, anh em phải tìm những tấm panô dựng lên để chắn gió, rất cực khổ mới nấu xong bữa cơm.

Khổ nhất là khi trời mưa, bệnh viện phải huy động các anh chị em lấy áo mưa che bếp lò, đầu bếp mặc áo mưa xào nấu. Sau này chuyển bếp vào lều, nấu bếp dầu. Nhưng có khi trong mùa mưa, đội hậu cần phải mặc áo mưa, lội bùn đến ống quyển đi xách từng can dầu 20 lít về cho nhà bếp".

Có mặt ở Bentiu, tôi chứng kiến mỗi ngày nhà bếp chế biến gần 40kg thịt, 35kg rau, 30kg gạo, đảm bảo ba bữa ăn cho mọi người. Mỗi ngày, họ thức dậy từ 5h sáng, xong việc lúc 8h30 tối. Khi có khách hoặc sự kiện của đơn vị, nhà bếp làm việc đến đêm hoặc chuẩn bị từ 3h sáng.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 5: Món Việt ở Nam Sudan - Ảnh 3.

Vườn rau xanh mướt trước khu tập thể Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam tại Nam Sudan - Ảnh: HỒNG VÂN

Những giọt nước quý hiếm

Nước là tài nguyên cực kỳ quý ở Nam Sudan, nhất là mùa khô. Sau khi sang Bentiu khoảng hai tháng, tập thể y bác sĩ Việt gặp tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Giếng khoan sâu đến 160m mà bơm lên vẫn lợn cợn cát trắng. Cát làm nghẹt, rồi sau hư hẳn máy bơm.

Thời kỳ thiếu nước dữ dội, mỗi người chỉ được 5 lít nước để vệ sinh cá nhân lẫn tắm giặt. Toàn bộ nước tắm phải hứng lại để giặt đồ. Giặt xong lại đổ vào thùng chứa để tưới cây và giội nhà vệ sinh.

Trung úy Đàm Chánh Hưng - lái xe của bệnh viện - nhớ lại: "Khoảng tháng 5-2019, suốt hơn một tháng liền chúng tôi phải lái xe đi bơm nước mỗi ngày. Do các đơn vị như bộ binh Ghana, công binh Ấn Độ, Anh... cũng đợi lấy nước, có khi đến lượt mình là 2h sáng và đến 5h sáng mới lấy đầy một xe bồn 14.000 lít".

Đại úy Vũ Anh Tuấn tâm sự: "Cái nắng châu Phi rất khốc liệt, mùa khô, nước trong bồn có thể chần chín trứng. Khi mới sang, khu nhà chúng tôi ở không có một bóng cây ngọn cỏ. Mọi người, bắt đầu từ giám đốc bệnh viện, quyết tâm trồng thêm hoa, rau tạo cảnh quan và có thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày".

Sau 4 tháng, bệnh viện bắt đầu có mướp đủ để nấu ăn cho toàn đơn vị và duy trì đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Mọi người ăn mướp nhiều đến ngán, vì nhà bếp nấu mướp ngày hai bữa suốt... 8 tháng liền.

Vườn rau tăng gia của đơn vị được đại úy Đinh Minh Kỳ - cán bộ ban hậu cần - đảm bảo chăm sóc chính.

Anh Kỳ cho hay: "Đất ở Bentiu tốt, hợp với mướp, mồng tơi nhưng thời tiết quá nắng nóng. Ngoài ra, cào cào, châu chấu nhiều vô số kể nên rau mới trồng phải giăng lưới bốn bên để hạn chế sự phá hoại của cào cào".

Ban hậu cần đem sang vài can mắm tôm và chỉ dám dùng rất tiết kiệm. Họ cũng làm giá từ đậu xanh do LHQ cung ứng để có chất rau cho anh em, làm dưa từ bắp cải và nuôi gà để bữa cơm không chỉ có thịt đông lạnh.

Gần 3 tuần ở Nam Sudan, ngày nào cũng được ăn đồ Việt, tôi không bị bứt rứt như những đợt công tác khác. Bữa sáng đơn giản với cơm và thịt nạc kho tiêu mà thật vững dạ và ấm lòng.

"Nhiều người hỏi tôi sao không ở nhà cho yên ổn, còn lấy chồng, sinh con, đi đến đất nước còn mùi thuốc súng, nghèo đói, bệnh tật làm gì? Nhưng tôi mới nghe nhiệm vụ gìn giữ hòa bình là muốn đi rồi. Tuổi tôi, cái gì cũng thấy mới, cái gì cũng muốn trải nghiệm".

Kỳ tới: Tâm sự của người em gái útở Bentiu

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Kỳ 4: Ngồi bên nhau uống tách trà

TTO - Mỗi bác sĩ mũ nồi xanh của Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam được 2Gb dung lượng data miễn phí một tháng.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên