03/12/2019 15:06 GMT+7

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Nhiệm vụ Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam là khám cho khoảng 4.000 quân nhân và chuyên gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Ảnh 1.

Bác sĩ Việt Nam kiểm tra sức sức khỏe một bệnh nhân nặng trước khi chuyển viện - Ảnh: HỒNG VÂN

Thân thiện, tận tụy

Ngày đông, bệnh viện tiếp nhận khoảng 18 ca bệnh, đa số là ngoại trú. Việc chăm sóc và hướng dẫn người bệnh rất chu đáo, một điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và luôn ngồi tại phòng bệnh.

10h30 ngày 12-11, trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì xe Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đội Cảnh sát Ghana (Ghana FPU) đưa đến hai bệnh nhân, một người bị đau răng và người còn lại bị sưng tay, chân một tháng không rõ lý do. Sau khi làm thủ tục tiếp nhận, người đau răng vào phòng nha để kiểm tra và điều trị, trong khi bệnh nhân bị sưng tay được bác sĩ Việt Nam chỉ định làm thêm xét nghiệm máu, chụp X-quang. Anh được chẩn đoán viêm đa khớp.

Khoa khám bệnh là đầu mối của bệnh viện. Gần 2.000 bệnh nhân đến khám đều được tiếp nhận ở khoa này trước khi phân loại để khám và điều trị theo các chuyên khoa như khoa ngoại, nha hoặc vật lý trị liệu...

Với một số trường hợp tái khám hoặc bệnh nhẹ, bệnh nhân thường vui vẻ trò chuyện cùng các điều dưỡng, bác sĩ Việt ở phòng khám để tìm hiểu về Việt Nam. Dù đa số đều chưa từng đến đất nước hình chữ S này, nhưng qua tiếp xúc với các y bác sĩ, họ đều nhận xét người Việt rất thân thiện.

Trong số khoảng 4.000 quân nhân và người làm việc khối dân sự ở căn cứ Bentiu, nhiều người hoàn toàn không nói được tiếng Anh nhưng đi khám một mình với giấy chuyển viện. Những trường hợp này, y bác sĩ phải dùng dấu hiệu để giao tiếp và khi chăm sóc phải luôn quan sát bệnh nhân để hiểu những gì họ nói.

Trung tá, kỹ thuật gây mê Đinh Văn Tuấn kể kỷ niệm vui khó quên về sự khác biệt ngôn ngữ khi khám bệnh ở căn cứ Bentiu: "Trước khi lên đường, nhiều người lo về việc phải sử dụng tiếng Anh do chưa tự tin ngoại ngữ. Tuy nhiên, một số đơn vị đi tập thể ở đây có quân số vài trăm người, chỉ cấp chỉ huy mới nói tiếng Anh, còn lính tráng nhiều người không biết ngoại ngữ. 

Có lần một nữ bệnh nhân Mông Cổ đến khám nhưng không nói tiếng Anh. Điều dưỡng phải lấy thông tin đầu vào gồm tên, ngày sinh, đơn vị công tác mà không biết trao đổi thế nào. Y sĩ trực phòng khám lúc đó đã sáng ý nghĩ ra một chuỗi động tác bất ngờ: đầu tiên chỉ vào bệnh nhân, rồi đưa tay vòng lên trước bụng và tạo tiếng khóc oe oe. Ngôn ngữ cơ thể phức tạp thế nhưng bệnh nhân vẫn hiểu ra và cung cấp thông tin ngày tháng năm sinh của mình".

Anh Sampson Dodzi Wemegah, bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị Ghana FPU, vui vẻ trao đổi với tôi: "Các bác sĩ, điều dưỡng Việt Nam làm việc rất tốt. Họ đón chúng tôi với sự chuyên nghiệp và ân cần. Bệnh nhân được thăm khám kỹ, y bác sĩ rất tận tâm, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn so với bệnh viện tuyến dưới. Nếu cần tư vấn, hỗ trợ, họ đều sẵn sàng và rất thân thiện".

Mũ nồi xanh Việt Nam ở Nam Sudan - Ảnh 2.

Ca mổ viêm ruột thừa ngày 14-11-2019 tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam ở Bentiu, Nam Sudan - Ảnh: HỒNG VÂN

Luôn sẵn sàng

14h30 một ngày tháng 11, Bệnh viện dã chiến cấp 1 của đơn vị công binh Ấn Độ đưa đến hai bệnh nhân bị đau răng và chấn thương tay phải trong lúc di chuyển máy phát điện. Người ta đã phải cưa chiếc nhẫn đeo ở ngón áp út bị đè móp méo của bệnh nhân để sơ cứu và may lại trước khi chuyển đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam.

Anh Ramesh ngồi lặng nhìn vết thương trong khi chờ chụp X-quang. Anh đã ở căn cứ Bentiu được bốn tháng, chỉ còn hai tháng nữa kết thúc nhiệm vụ. Rất băn khoăn về tình trạng vết thương của mình nhưng anh cố nén cơn đau lẫn sự lo lắng.

Lần duy nhất anh không giấu được sự đau đớn là khi điều dưỡng vệ sinh lại vết thương trước khi nẹp bột. Sau hai ngày, anh cho biết đã cảm thấy khá hơn khi đến kiểm tra băng. Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thông Phán, chủ nhiệm khoa ngoại, người bó bột cho bệnh nhân, tâm sự: "Nếu được chuyển đến từ đầu, chúng tôi có thể may với kỹ thuật tốt hơn. Ramesh bị gãy hở mức hai, xương đốt 1, ngón 5 (ngón út) tay phải. Sau khoảng 14 ngày vết thương có thể cắt chỉ, nhưng cần duy trì nẹp trong tám tuần để liền xương. Mỗi bốn tuần chụp X-quang kiểm tra một lần dự phòng các di lệch thứ phát".

Gần ba tuần ở cùng lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, tôi hiểu tai nạn trong quá trình làm việc ở căn cứ khó tránh khỏi, nhất là các đơn vị công binh thường xuyên phải sửa đường, xây nhà xưởng... Người bị chấn thương nhẹ có thể được phân làm các công việc khác. Trường hợp bệnh tật hay chấn thương nặng sẽ về nước sớm.

Theo thiếu tá Phán, dù là Bệnh viện dã chiến cấp 2 triển khai ở thực địa khó khăn, nhưng quy trình phẫu thuật của các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam vẫn đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc vô trùng, gây mê, chăm sóc hậu phẫu. Trong điều kiện hạn chế về một số trang thiết bị vật tư, bệnh viện linh hoạt từng trường hợp cụ thể để có thể sử dụng trang thiết bị một cách phù hợp, tiết kiệm.

Trời vừa tối, một bệnh nhân người Mông Cổ nhập viện và có các dấu hiệu điển hình của viêm ruột thừa như đau hố chậu phải, sốt... Bệnh nhân được siêu âm, xét nghiệm và được mổ ngay trong đêm. Ca mổ dài 1 giờ 40 phút, kết thúc lúc gần nửa đêm. 

Một tiếng đồng hồ sau, kíp y sĩ, điều dưỡng mới hoàn thành những việc dọn dẹp cuối cùng để trở về phòng nghỉ. Riêng điều dưỡng trực vẫn trực tiếp ở lại phòng để tích cực chăm sóc bệnh nhân.

Những ngày tôi ở cùng Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam, có khi cùng lúc ba ca bệnh nội trú. Những lúc bệnh nhân tỉnh táo, tạm khỏe, các điều dưỡng Việt thường ân cần trò chuyện hoặc dìu bệnh nhân tập đi sau ca mổ. 

Bác sĩ Nguyễn Công Bình tâm sự: "Khi bệnh nhân đói, khát, người chăm sóc chưa kịp đến hoặc không có ai chăm sóc, chúng tôi tận tình pha sữa, nấu cháo, nấu cơm cho bệnh nhân. Của cho không bằng cách cho, họ đang đau ốm, đó là những điều rất bình thường mà chúng tôi có thể làm cho họ...".

Thân thiện, nhiệt tình nhưng các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam cũng thẳng thắn cương quyết từ chối những yêu cầu không phù hợp của bệnh nhân như đề nghị bác sĩ chỉ định nghỉ nhiều ngày so với tình trạng bệnh của mình. Và họ trả một số ca bệnh đơn giản (do Bệnh viện cấp 1 không xử lý đúng trách nhiệm) về tuyến dưới hoặc các yêu cầu vật lý trị liệu không thích hợp...

Có một cây đu đủ rất sum suê do đại úy, bác sĩ mũ nồi xanh Nguyễn Thị Thu Ngân mang hạt giống sang trồng. "Ý định của tôi là trái đu đủ chín đầu tiên sẽ dành thắp hương trên bàn thờ Tổ quốc ở bệnh viện".

Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam còn có trách nhiệm kiểm tra vệ sinh dịch tễ, môi trường cho các bệnh viện cấp 1 tại Bentiu. Mỗi tháng hai lần, đội kiểm tra dịch tễ Việt Nam sẽ đến các bệnh viện cấp 1 để kiểm tra chung. Ngoài ra, bệnh viện Việt Nam cũng giúp xử lý rác y tế của các bệnh viện tuyến dưới.

Y sĩ y tế dự phòng George Abrefa của đơn vị Ghana FPU cho biết: "Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi cũng như các bệnh viện cấp 1 của các đơn vị khác rất nhiều. Chúng tôi có quan hệ rất tốt với tất cả nhân viên của bệnh viện. Họ thân thiện và luôn sẵn sàng đón nhận các ca bệnh nhân chúng tôi chuyển sang. Về rác thải y tế, họ xử lý tất cả cho chúng tôi. Họ cũng giám sát và cố vấn cho chúng tôi trực tiếp tại đơn vị về vệ sinh môi trường".

---

Kỳ tới: Ngồi bên nhau, uống ly trà

Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan Trực tiếp chứng kiến mũ nồi xanh Việt Nam gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

TTO - Ba tuần đầu tháng 11, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở Nam Sudan để trực tiếp chứng kiến các bác sĩ, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam tích cực thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên