01/01/2021 14:33 GMT+7

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 4: Du lịch khoác tấm áo mới

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Khép lại năm 2020, đại dịch COVID-19 tuy ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch nhưng cũng là cơ hội để 'ngành công nghiệp không khói' thay đổi theo chiều hướng bền vững hơn.

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 4: Du lịch khoác tấm áo mới - Ảnh 1.

Quán bar thưa thớt khách tại Bangkok, Thái Lan, ngày 29-12 - Ảnh: REUTERS

Nhìn chung, các biện pháp hạn chế đi lại thời dịch bệnh đã đặt dấu chấm hết cho du lịch đại trà (mass tourism) dù chỉ là tạm thời. Những thành phố du lịch đông đúc như Bangkok, Amsterdam, Venice đang thúc đẩy các mô hình du lịch mới.

"Cuộc đua giành vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng đông du khách nhất không mang lại lợi ích gì cho đất nước, vì nhiều du khách hơn không có nghĩa là tốt hơn vì đây là cách làm du lịch thiếu bền vững.

Robinson (giám đốc Bangkok River Partners - mạng lưới doanh nghiệp ven sông nhằm thúc đẩy văn hóa và di sản)

Nhìn từ Bangkok

Sau khi đón lượng du khách kỷ lục vào năm ngoái, lên đến 39,8 triệu người và thu nhập từ du lịch chiếm 11,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Thái Lan dự kiến sẽ đón hơn 40 triệu khách du lịch trong năm 2020. 

Nhưng với lệnh cấm bay và các biện pháp phòng chống dịch, con số 40 triệu tụt xuống chỉ còn khoảng 8 triệu du khách. Thực tế phũ phàng này thể hiện rất rõ ở Bangkok, thành phố đông du khách nhất thế giới trong bốn năm liên tiếp.

"Tôi chưa từng chứng kiến chuyện này. Thường ngày đông khách tới mức tôi không được nghỉ ngơi dù chỉ một phút", nữ phục vụ tên Pookie thở dài khi lại một cuối tuần nữa trôi qua mà đường Khao San nổi tiếng ở thủ đô Bangkok, Thái Lan vẫn thưa thớt người qua lại.

Trong bối cảnh đó, Tony Matthews, giảng viên cao cấp tại Đại học Griffith ở Úc, nhận định câu hỏi mà nhiều thành phố du lịch trên thế giới như Bangkok đang trăn trở là "nên chờ tới lúc du lịch đại trà phục hồi trở lại hay ngay lập tức bắt tay vào tái thiết nền du lịch theo hướng mới?".

Trong những năm gần đây, du lịch đại trà nổi lên như cách làm du lịch phổ biến nhất. Du lịch đại trà mang lại nhiều du khách và là cơ hội "cá kiếm" của những nhà điều hành tour, cũng như người dân địa phương, nhưng nó cũng có nhiều mặt trái.

Sự quá tải du khách mà du lịch đại trà mang lại khiến đời sống dân địa phương bị xáo trộn, giá thuê phòng tăng cao, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng như phương tiện công cộng và quản lý rác thải. Đó là còn chưa đong đếm đến những tổn hại về hệ sinh thái và di sản tại địa điểm tham quan.

Những hạn chế từ đại dịch COVID-19 gây ra khiến du lịch đại trà không thể duy trì đã khiến những thành phố du lịch như Bangkok cân nhắc từ bỏ mô hình mà họ đã phụ thuộc suốt thời gian dài, đồng thời thay đổi tư duy làm du lịch.

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 4: Du lịch khoác tấm áo mới - Ảnh 3.

Khu mua sắm cạnh quảng trường St. Mark và Vương cung thánh đường St. Mark ở Venice vắng vẻ dịp lễ Giáng sinh 2020 - Ảnh: AFP

Tấm áo mới

Du lịch bền vững, nói ngắn gọn như các nhà chức trách ở Barcelona (Tây Ban Nha), chính là chú trọng chất lượng hơn số lượng. Cụ thể, số lượng chuyến đi sẽ ít hơn, nhưng kéo dài hơn và dành nhiều thời gian để khám phá điểm đến thay vì chỉ đi xem thật nhiều điểm tham quan.

Mặc dù giảm số lượng du khách để chú trọng chất lượng trải nghiệm chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng theo Đài CNN, sự kết thúc của du lịch đại trà (dù có thể chỉ là tạm thời) sẽ tạo cơ hội cho những địa điểm du lịch hồi sinh.

Khi "thành phố của các kênh đào" Venice ở Ý mở cửa trở lại với du khách vào mùa hè năm 2020, cá bơi tung tăng trong những con kênh trong vắt và bầu không khí thì vô cùng yên bình. 

Trước đó, Venice đông du khách tới mức trong báo cáo hồi tháng 7 từ nhóm hoạt động dân sự We Are Here Venice ghi hẳn tựa đề "Thành phố này của ai?", vì từ lâu tới Venice nhìn đâu cũng thấy du khách.

Giờ đây các doanh nghiệp du lịch ở Venice đang hướng du khách tới tìm hiểu các nghệ nhân địa phương, thay vì chỉ tham quan các di tích nổi tiếng.

Tại Amsterdam, các nhà chức trách cho biết họ sẽ phát triển mô hình mới, ưu tiên các mục tiêu xã hội và sinh thái để mọi người có cuộc sống tốt hơn. Trong đó bao gồm các mục tiêu như nhà ở tươm tất, được chăm sóc sức khỏe, quan tâm đến khí hậu và đa dạng sinh học.

Thái Lan đã đóng cửa một số bãi biển nổi tiếng nhất của họ trong những năm gần đây để giúp các rạn san hô phục hồi do ô nhiễm gây ra, đồng thời dẹp các gánh hàng rong giúp du khách cảm thấy thoải mái hơn.

Du lịch nội địa: cần nhưng chưa đủ

Tính tới cuối năm nay, vẫn chưa có "hành lang du lịch" nào giữa các nước được thiết lập. Lý tưởng nhất lúc này chính là thúc đẩy du lịch nội địa.

Quốc gia láng giềng Việt Nam là Thái Lan tung gói kích cầu du lịch nội địa trị giá 700 triệu USD, nhắm vào việc giảm chi phí khách sạn và chuyến bay.

Không thể không kể đến Trung Quốc, quốc gia đang bùng nổ du lịch nội địa để "giải tỏa" những kìm nén mà đại dịch gây ra từ đầu năm. Trong dịp lễ Tuần lễ vàng đầu tháng 10 vừa qua, hơn nửa tỉ người Trung Quốc đi du lịch - tạo động lực mới cho sự phục hồi của thị trường du lịch lẫn hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, OECD cảnh báo ngành du lịch chỉ có thể phục hồi thực sự khi du lịch quốc tế hồi sinh trở lại. Để làm được việc này, cần có sự phối hợp trên phạm vi quốc tế.

Một lý do đơn giản cho thấy du lịch nội địa chưa thể sớm lấp đầy khoảng trống của du lịch quốc tế chính là thời gian lưu trú và chi tiêu. Du khách quốc tế thường có xu hướng đi dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn du khách trong nước.

Đài ABC của Úc dẫn lời kinh tế gia Kim Houghton cho biết có khoảng 11 triệu người Úc du lịch nước ngoài mỗi năm nhưng không thể kỳ vọng toàn bộ số du khách này chuyển sang du lịch trong nước. Chưa kể, ông Houghton nhận định sự quan tâm gần đây đến du lịch trong nước mang tính "đột biến" vì du lịch quốc tế bị đình trệ, hơn là một xu hướng dài hạn.

80%

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính du lịch quốc tế sụt giảm khoảng 80% trong năm 2020. Trong khi đó, theo dự đoán mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới Liên Hiệp Quốc (UNWTO), khách du lịch quốc tế giảm 70% so với cùng kỳ năm trước trong 8 tháng đầu năm và ngành du lịch sẽ không phục hồi lại bằng mức trước đại dịch cho tới năm 2023.

Du lịch trong mơ, thực tế ảo

Ngành du lịch năm 2020 chứng kiến sự ra đời của một số hình thức du lịch đặc biệt, đáp ứng nhu cầu "du lịch tại gia" cho những người đam mê xê dịch, trong đó có du lịch thực tế ảo.

Nhờ công nghệ số hóa các địa điểm du lịch với độ phân giải cao, du khách có thể tham quan bảo tàng hay các kỳ quan thế giới vốn đã đóng cửa vì COVID-19. Du khách còn có thể tham gia các tour du lịch thực tế ảo mang tính chất khám phá như leo núi, tìm hiểu sa mạc, thế giới hoang dã…

Đặc biệt hơn cả là hình thức du lịch trong mơ do Công ty lữ hành Love Home Swap có trụ sở tại London cung cấp.

Công ty sẽ cấp cho khách hàng tấm "hộ chiếu giấc mơ", trong đó bao gồm mẹo hướng dẫn du khách mơ về chuyến nghỉ dưỡng trong tương lai của họ và cách để họ thực sự đặt chân đến nơi đó khi đang ngủ.

Các mẹo trong tấm hộ chiếu áp dụng các kỹ thuật can thiệp vào giấc mơ của con người đã được khoa học chứng minh là Ấp ủ giấc mơ và Giấc mơ sáng suốt.

******************

Trong lúc vắcxin đang lan tỏa niềm hi vọng kết thúc ác mộng COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo đây có thể không phải là đại dịch cuối cùng của nhân loại. 

Thế giới đã rút ra được nhiều bài học về sự sẵn sàng và chuẩn bị ứng phó y tế với các tình huống khẩn cấp như COVID-19 với hi vọng sẽ không để đại dịch làm cho bất ngờ một lần nữa.

>> Kỳ tới: Những bài học rút ra

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới -Kỳ 3: Hàng không nỗ lực sinh tồn Một năm COVID-19 thay đổi thế giới -Kỳ 3: Hàng không nỗ lực sinh tồn

TTO - Dịch COVID-19 đã khiến hầu hết quốc gia trên thế giới đóng cửa bầu trời, gây thiệt hại "không tưởng" cho ngành hàng không. Nhiều hãng hàng không đang nỗ lực tồn tại bằng nhiều cách. Thậm chí, có "tay chơi mới" xuất hiện để chớp thời cơ.


MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên