30/12/2020 10:25 GMT+7

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 2: 'Kinh tế không tiếp xúc' nở rộ

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Đại dịch COVID-19 đã tạo ra tâm lý ngại 'chạm"'giữa người với người, qua đó khiến cho 'ngành kinh tế không tiếp xúc' phát triển mạnh mẽ trong năm 2020. Dịch bệnh có thể sớm biến mất, nhưng nền kinh tế này đến và ở lại lâu dài với chúng ta.

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 2: Kinh tế không tiếp xúc nở rộ - Ảnh 1.

Chủ một chi nhánh nhượng quyền của Little Caesars cùng chiếc tủ giữ nhiệt Pizza Portal mới trong giai đoạn dịch bệnh - Ảnh: Little Caesars

"Dù mức tiêu dùng chung có thể sẽ trở lại mức trước COVID-19, "nền kinh tế không tiếp xúc" sẽ tạo ra sự thay đổi trong cách chi tiêu của người dùng. Chúng tôi ước tính "tiêu dùng tại gia" sẽ tăng trưởng gấp hai lần, lên 3.000 tỉ USD tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Deloitte nhận định

Thời tới không cản nổi

Cách đây ba năm, chuỗi pizza Little Caesars của Mỹ đã ra mắt dịch vụ Reserve-N-Ready. Dịch vụ này cho phép khách hàng đặt hàng trực tuyến. 

Sau khi nhận thông báo hoàn thành đơn hàng, khách hàng của Little Caesars có thể ghé cửa hàng và lấy pizza đã để sẵn trong tủ giữ nhiệt Pizza Portal. Người mua chỉ việc quét mã QR và tủ giữ nhiệt sẽ tự động mở.

Ed Gleich - giám đốc sáng tạo của Little Caesars - chia sẻ: "Thẳng thắn mà nói, ý tưởng ban đầu của chúng tôi chỉ là tạo một trải nghiệm dễ dàng cho khách hàng, giúp họ không phải dừng ở quầy, hỏi về đơn hàng hay chờ đợi để lấy hàng". Tuy nhiên, mô hình của Little Caesars đã vô tình phù hợp với thời dịch bệnh hoành hành.

Trong bốn tuần đầu tiên COVID-19 bùng phát tại Mỹ, giai đoạn nhà nhà hối hả đi mua thực phẩm tích trữ, ông Gleich để ý rằng đó là lúc công ty ông cũng ăn nên làm ra.

Hãng nghiên cứu FoodserviceResults thống kê rằng Little Caesars đã kiếm được 3,85 tỉ USD doanh thu trong năm 2019 và duy trì mức tăng trưởng 1,3% mỗi năm. Tính đến cuối năm ngoái, chuỗi pizza này đã có khoảng 3.642 nhà hàng nhượng quyền tại Mỹ và 561 cửa hàng thuộc sở hữu công ty.

"Chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi đã chuẩn bị trước mọi thứ, nhưng rõ ràng không ai biết điều gì sắp xảy ra... Hãng đã đạt tới quy mô có thể mở rộng hệ thống ra toàn quốc", ông Gleich chia sẻ. Ngay cả trong giai đoạn dịch, Little Caesars vẫn có thể đảm bảo đủ nhân lực để vận hành cỗ máy tăng trưởng của hãng.

Vị giám đốc này cũng cho biết việc tuyển dụng nhân viên mới không mấy khác biệt trong giai đoạn dịch, trừ việc phải tuân thủ giãn cách xã hội trong cửa hàng và mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang. Công ty mẹ của Little Caesars là Ilitch Holdings đã xây dựng một cơ sở sản xuất khẩu trang để đảm bảo cung cấp đủ cho mọi nhân viên.

Thực tế Little Caesars chỉ mới mở dịch vụ này thông qua trang web chính thức và ứng dụng từ tháng 12-2019. Nhưng QSR nhận định rằng thành công của Little Caesars trong năm 2020 một phần còn nhờ dịch vụ giao hàng của hãng: "Chuỗi nhà hàng phối hợp với hãng giao hàng DoorDash, dùng quảng cáo Super Bowl để quảng bá và đại dịch tới giúp hãng tăng trưởng gấp bốn lần".

Bán xe hơi… trực tuyến

Dịch bệnh cũng khiến kinh tế toàn cầu khốn đốn, trong đó có ngành công nghiệp ôtô. Trang nghiên cứu Counter Point Research dự đoán doanh số bán xe tại châu Âu sẽ giảm từ mức 18,3 triệu chiếc (2019) còn 16 triệu chiếc (2020), tức giảm 12,6%. 

Trong khi đó, trang này cũng ước tính chỉ có 79,9 triệu chiếc ôtô được bán ra trên toàn cầu vào năm 2020, thấp hơn so với con số 90 triệu chiếc của năm 2019.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, một doanh nghiệp mua bán ôtô ăn nên làm ra nhờ… một kế hoạch đã chuẩn bị từ năm 2019. Đó là chuỗi đại lý xe Joe Mallon Motors của Ireland, đã hoạt động được 35 năm.

Như đa số các ngành công nghiệp khác, các đại lý xe tại Ireland đều phải đóng cửa trong đợt phong tỏa tháng 3 vì đại dịch bùng phát toàn cầu. 

Nhưng đối với Joe Mallon, sự kiện này có thể ví như một cú hích, giúp hãng thúc đẩy dự định kinh doanh được vạch ra cho năm 2020: xây dựng hệ thống bán xe trực tuyến. Dự định này vô tình trở thành mô hình hoàn toàn phù hợp để tạo ra môi trường kinh doanh "không tiếp xúc".

"Chúng tôi tạo ra một trang web mới hồi tháng 9 năm ngoái vì nhận thấy số lượng yêu cầu nhận được và tần suất tìm kiếm thông tin của khách hàng về việc mua bán trực tuyến ngày một tăng... Chúng tôi mất sáu tháng để xây dựng xong trang web, và bạn có tin không, nó được ra mắt đúng tuần phong tỏa hồi tháng 3" - ông Philip Mallon, giám đốc của Joe Mallon, cho biết.

Vị giám đốc này khẳng định trong khi các đại lý xe khác chật vật để thích nghi, Joe Mallon đã có thể nhanh chóng bắt kịp với tình hình. "Đó thật sự là món quà của Chúa, khi mọi người còn đang cố gắng đưa những thứ họ bán lên trực tuyến, chúng tôi đã có đầy đủ khả năng để làm điều đó", ông Mallon nói thêm.

Theo Đài RTÉ của Ireland, hãng xe này đã duy trì thành công doanh thu trong giai đoạn phong tỏa nhờ nhu cầu sử dụng xe riêng của các lao động tuyến đầu tăng lên. Họ đã bán được 27 chiếc xe trong giai đoạn Ireland phong tỏa.

Một năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 2: Kinh tế không tiếp xúc nở rộ - Ảnh 3.

Nhu cầu mua bán xe tăng lên trong mùa dịch đã giúp trang bán hàng trực tuyến của Joe Mallon Motors phát triển - Ảnh: Autocar

Xu hướng tương lai

Cả Little Caesars và Joe Mallon đều thành công nhờ tận dụng công nghệ mới, thích nghi với sự thay đổi nhu cầu và cách tiếp cận của người dùng. Trong năm 2020, tầm quan trọng của các loại công nghệ mới đã trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Và ứng dụng công nghệ cũng là một trong những yếu tố cấu thành "nền kinh tế không tiếp xúc".

Báo cáo mới nhất về nền kinh tế không tiếp xúc của hãng kiểm toán Deloitte xác định năm yếu tố chính tạo nên mô hình này là: nhận thức cao độ về vệ sinh và an toàn; kỹ thuật số giúp người tiêu dùng duy trì cảm giác về "sự bình thường"; động lực từ mạng không dây 5G; sự trỗi dậy của các nền tảng chú trọng trải nghiệm người dùng; cũng như các hệ thống công nghệ xây dựng dựa trên điện toán đám mây.

Rất dễ để nhận ra rằng, trong số năm yếu tố trên, gần như đã có bốn điểm xuất phát từ sự hỗ trợ của công nghệ. Nói một cách tổng quát, các chuyên gia của Deloitte nhận diện nền kinh tế không tiếp xúc được tạo ra nhờ việc các nhà cung ứng sử dụng công nghệ số (5G, nền tảng đám mây, trí tuệ thông minh và phân tích dữ liệu) để đáp ứng nhu cầu của người dùng về tiện ích và bảo vệ sức khỏe.

Tiếp tục mở rộng

Theo hãng kiểm toán Deloitte, quy mô của "nền kinh tế không tiếp xúc" vẫn đang tiếp tục mở rộng. Xét về hình thức tiêu thụ, nền kinh tế không tiếp xúc có thể chia thành hai nhánh là "tại gia" và "ra ngoài nhưng không tiếp xúc".

Nói một cách nôm na, nền tảng đặt xe của Joe Mallon có thể đại diện cho hình thức đầu tiên, trong khi tủ giữ nhiệt Pizza Portal của Little Caesars đại diện cho hình thức còn lại.

Cũng theo báo cáo mới, ba lĩnh vực có thị trường lớn nhất trong nền kinh tế này là sản phẩm tiêu dùng, nghỉ dưỡng - giải trí và giáo dục. Trong khi đó, ba mảng tăng trưởng mạnh nhất sẽ là tài chính, y tế và sản phẩm tiêu dùng.

*************

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các hãng hàng không trên thế giới vẫn nỗ lực tồn tại bằng nhiều cách. Thậm chí, nhiều hãng hàng không mới ra đời giữa dịch bệnh để nắm bắt thời cơ.

>> Kỳ tới: Hàng không nỗ lực sinh tồn

1 năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 1: Công sở là cái bàn ăn trong bếp 1 năm COVID-19 thay đổi thế giới - Kỳ 1: Công sở là cái bàn ăn trong bếp

TTO - Ngày 1-1-2020, thế giới chào đón một thập kỷ mới với những màn pháo hoa rực rỡ. Nhưng cùng lúc đó, virus corona chủng mới đã âm thầm gieo rắc dịch bệnh COVID-19.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên