Đây là chia sẻ của ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tại buổi cung cấp thông tin về thuốc lá điện tử do Bộ Y tế tổ chức sáng 3-5.
Gia tăng học sinh dùng thuốc lá điện tử
Theo ông Khuê, hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế. Nếu cho phép thuốc lá mới với thành phần nicotin, các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian. Thuốc lá mới đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Theo báo cáo thống kê của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, trẻ dưới 16 tuổi có 27 ca nhập viện. Đặc biệt, nhiều nhất là từ 65 tuổi trở lên có tới 580 người nhập viện.
Đáng lo ngại, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh thành cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Đặc biệt, ở nữ giới tuổi 11-18, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Không chỉ có nicotin mà còn có nhiều chất khác có hại cho sức khỏe người dùng.
Bác sĩ Nguyên cũng cho biết chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Bởi vậy, chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân.
Cần cấm thuốc lá mới
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử.
Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Hiện có 3 quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ (Chile, Úc và Nhật).
88 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử (trong đó có 27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu). Việc quản lý được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC).
Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei). Và có 71 quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu).
Ông Khuê cho hay quan điểm của Bộ Y tế đối với thuốc lá thế hệ mới là cấm tuyệt đối. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận