Mòn mỏi chờ khám bảo hiểm y tế khiến nhiều người chọn khám dịch vụ

Chờ đợi mòn mỏi khi khám bảo hiểm y tế khiến nhiều người ức chế, mệt mỏi chọn khám dịch vụ, thậm chí phải ra ngoài mua thuốc vì bệnh viện thiếu thuốc, vật tư.

Mòn mỏi chờ khám bảo hiểm y tế khiến nhiều người chọn khám dịch vụ - Ảnh 1.

Người bệnh khám BHYT tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) mòn mỏi chờ đợi đến lượt khám dù nhiều người có mặt tại đây từ 5-6h sáng - Ảnh: GIA HÂN

Hình ảnh bệnh nhân khám bảo hiểm y tế (BHYT) phải xếp hàng rồng rắn chờ đợi rất hay gặp tại các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tuyến cuối.

Để tới lượt, người bệnh phải chờ đợi ít nhất 4-5 tiếng. Nhiều người có mặt tại bệnh viện vào sáng sớm nhưng đến xế chiều mới có thuốc cầm về. 

Thậm chí có thời điểm bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra ngoài mua.

Đi từ 4h đến 19h mới xong, chọn khám dịch vụ vì không đủ sức chờ

Ức chế, mệt mỏi, ám ảnh cảnh chờ đợi khi khám BHYT, nhiều bệnh nhân chọn khám dịch vụ dù có thẻ BHYT.

Điển hình, bạn đọc tên Kim kể về trường hợp mẹ của mình hơn 4h sáng đã đón xe đến bệnh viện khám bệnh BHYT. 

Có mặt tại bệnh viện bốc số lúc 6h45, vậy mà 10h mới gặp bác sĩ cho đi siêu âm. Thế nhưng lúc này lại hết số lượt siêu âm.

Điều dưỡng khuyên nên chọn siêu âm dịch vụ sau 16h30. Mẹ chị Kim đành chọn với hy vọng được đón xe về kịp trong ngày và đến hơn 19h mới khám xong.

Éo le hơn, trường hợp người mẹ 80 tuổi của bạn đọc Lâm Ngọc Diệp bị đái tháo đường, đi khám định kỳ tại bệnh viện đa khoa tỉnh từ 5h. 

Tuy nhiên khi khám xong thì bệnh viện thông báo không có thuốc (dạng tiêm) và yêu cầu bệnh nhân tự mua thuốc bên ngoài.

Bạn đọc Phong Huynh cho rằng khâu tiếp nhận, khâu phát thuốc BHYT cho nhóm người thuộc diện ưu tiên... là yếu nhất. 

"Có nhiều trường hợp người lớn tuổi chờ lâu, dẫn đến bức xúc, gây ảnh hưởng không tốt đến bệnh viện, trật tự... Một số thuốc vẫn còn thiếu phải mua ngoài, thái độ khám bệnh của bác sĩ không được vui, mong ngành y tế chấn chỉnh" - bạn đọc Huynh chia sẻ.

Nhiều bạn đọc cũng cho hay, đối lập tình trạng chờ đợi rất lâu khi khám BHYT thì khám dịch vụ lại nhanh hơn. Vì không đủ sức phải chờ đợi 3-4 tiếng đồng hồ lúc bệnh nên bạn đọc Vũ Đức Thành chọn khám dịch vụ dù có thẻ BHYT.

Bạn đọc Nguyễn Xuyến trải lòng về trường hợp bệnh nhân ung thư có BHYT khi chờ xếp hàng theo quy trình thì bệnh viện thông báo xét nghiệm theo dịch vụ hay bảo hiểm. 

Nếu dịch vụ thì làm trong ngày, còn bảo hiểm thì hẹn 2-3 ngày. “Giá dịch vụ cao, thử hỏi mua BHYT để làm gì?” - chị Xuyến đặt vấn đề.

Độc giả Phát Triển cũng đặt câu hỏi tại sao lại bắt bệnh nhân khám BHYT chờ đợi? BHYT chỉ là thay mặt cho bệnh nhân trả chi phí khám chữa bệnh. 

Còn việc người bệnh phải chờ đợi lâu là do thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ, năng lực chuyên môn của nhiều tuyến cơ sở còn yếu kém...

Nên phát thuốc bảo hiểm y tế 2-3 tháng/lần

Theo bạn đọc Nguyễn Việt Hùng, vấn đề khám BHYT phải chờ đợi đã tồn tại từ lâu, đến nay vẫn không thay đổi. Nguyên nhân là ngành y tế chưa chịu thay đổi để phù hợp với tình hình mới khi hiện nay gần như toàn dân đã tham gia BHYT dẫn đến quá tải tại các bệnh viện.

"Thuốc đưa về các phòng khám ở phường, xã luôn thiếu nên người dân thường đổ về tuyến trên. 

Bệnh viện tuyến trên thì không cải tiến hợp lý hóa từ khâu nhận bệnh, không áp dụng phân luồng. Người cao tuổi, người bệnh mạn tính đều phải xếp hàng lấy số như nhau... bảo sao không ùn ứ dồn cục", anh Hùng nêu.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hồng đề xuất nên phát thuốc BHYT 2-3 tháng cho những bệnh không cần phải thăm khám hằng tháng như cao huyết áp, mỡ máu...

Thực tế có những trường hợp đơn thuốc cả 6 tháng sau cũng không thay đổi nhưng tháng nào cũng phải xếp hàng lấy số từ 6h sáng để kịp lấy thuốc. 

Nếu 2-3 tháng mới đi khám và nhận thuốc một lần, người bệnh sẽ rất ủng hộ và cũng giảm tải không nhỏ cho bệnh viện.

Bạn đọc có địa chỉ mail tuan****@gmail.com hiến kế về thủ tục đăng ký khám chữa bệnh BHYT: khi bệnh nhân được hẹn tái khám lấy thuốc và ra về thì nên phát cho họ giấy hẹn đánh số thứ tự. 

Sau một tháng, bệnh nhân đến bệnh viện khám lại và lấy thuốc thì vào thẳng phòng khám, không phải làm lại thủ tục nữa. Bệnh nhân mới sẽ phải đăng ký từ đầu.

Nếu làm được như vậy, người bệnh đến bệnh viện không phải mất rất nhiều thời gian.

Để giảm tải tình trạng quá tải khám BHYT cho các bệnh viện tuyến trên, nhiều bạn đọc cho rằng giải pháp căn cơ là phải nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến dưới.

Theo độc giả Ngọc Mạnh, việc nâng cấp bệnh viện tuyến dưới không phải là chỉ xây bệnh viện to, máy móc hiện đại mà quan trọng nhất là con người. Người dân thường không tin tưởng bác sĩ tuyến dưới nên mới dồn lên tuyến trên đông như vậy.

Do đó, vấn đề đặt ra là cần có chính sách để thu hút bác sĩ giỏi về các bệnh viện tuyến dưới thì mới giảm tải được cho bệnh viện tuyến trên. 

Rồng rắn chờ khám bảo hiểm y tế: Tồn tại đã lâu, bao giờ chịu thay đổi?  - Ảnh 2.Khám bảo hiểm y tế: Xếp hàng từ sáng sớm, trưa vẫn chưa tới lượt

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện khiến bệnh nhân bảo hiểm y tế rơi vào tình trạng chờ đợi mòn mỏi mỗi lần thăm khám. Tại các bệnh viện tuyến cuối, dù đã xếp hàng từ sáng sớm, nhiều người vẫn phải mệt mỏi chờ đợi ít nhất 4-5 tiếng mới tới lượt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên