Ngày 9-6, chị Nguyễn Thùy Linh - chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho biết mô hình tiết kiệm từ việc bán rác thải phế liệu hoặc tái chế các sản phẩm từ rác thải để giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn, tạo quỹ học bổng 20-10 đã thu hút được hơn 21.000 hội viên phụ nữ tham gia.
Mô hình này đã trao được 863 suất tiền và quà cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ học giỏi.
Biến rác thải thành tiền - mô hình ý nghĩa
Chị Nguyễn Cẩm Mè - ấp Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời - cho biết trước khi có chương trình thì rác thải thường được chôn ở sau nhà hoặc đốt bỏ.
Từ khi chương trình được phát động thì số rác thải là chai nhựa được thu gom để riêng, khi đi họp tổ hội thì xách theo.
Lúc đó các chị em sẽ cùng phân loại, loại nào tốt thì giao cho các chị em khéo tay làm các đồ vật tái chế từ rác thải nhựa như: heo nhựa, giỏ xách, bình bông…
Còn những loại nào xấu không thể tái chế được thì bán để gom tiền hỗ trợ cho các chị em hoàn cảnh khó khăn có vốn để khởi nghiệp.
"Tôi thấy mô hình này hay, ý nghĩa, dù số tiền mình góp cũng nhỏ nhưng tạo ý thức cho chị em và cũng góp phần tạo ý thức phân loại rác, bảo vệ môi trường cho con cháu mình", chị Mè cho hay.
Chị Phạm Hồng Hận - chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời - cho biết từ khi được phát động thực hiện phòng chống rác thải nhựa, các chị đã hưởng ứng tích cực và hành động cụ thể, duy trì các hành động đó hằng ngày.
"Mình gom rác lại bán lấy tiền, dù mỗi hộ chỉ được một ít nhưng nhờ nhiều hộ hưởng ứng nên có tiền để dành đó, khi được số vốn kha khá mình sẽ hỗ trợ một chị để làm ăn. Cách này hiệu quả lắm nên được chị em ủng hộ hết mình", chị Hận cho biết.
Thoát được hộ nghèo nhờ rác thải nhựa
Chị Phạm Ngọc Ân - ấp Tham Trơi B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời - hồ hởi cho hay chị đã thoát được hộ nghèo nhờ chương trình hỗ trợ vốn từ phong trào biến rác thải nhựa thành tiền.
"Trước đây nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ phong trào phòng chống rác thải nhựa, tôi được tiền vốn hơn 5 triệu.
Tôi mua heo về nuôi và buôn bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Sau 2 năm, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn trước và thoát được hộ nghèo", chị Ân chia sẻ.
Chị Lâm Hằng Ni - xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời - khởi nghiệp với mô hình làm tinh bột nghệ. Ban đầu chị Ni tự chế máy xay nghệ. Mỗi ngày chỉ xay được chục ký, năng suất kém dẫn đến hiệu quả không cao.
"Từ ngày được chị em trong hội xét cho nhận hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn bán rác thải nhựa mà tôi mua được máy móc, trang thiết bị để phát triển sản phẩm.
Hiện tại, mỗi năm tôi bán ra thị trường được hàng trăm ký sản phẩm tinh bột nghệ. Nguồn vốn tuy nhỏ nhưng kịp thời, đúng lúc cần sẽ giúp được rất nhiều người phát triển", chị Ni cho hay.
Chị Ni và chị Ân chỉ là 2 trong số hơn 800 suất tiền, quà hỗ trợ, giúp đỡ các chị em trong lúc gặp khó khăn từ mô hình biến rác thải nhựa thành tiền mà Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trần Văn Thời đã thực hiện hơn 3 năm qua.
"Chúng tôi công khai nguồn vốn hỗ trợ và người vay mượn cũng phải được sự thống nhất từ mọi người, nên quỹ này hoạt động rất hiệu quả.
Bên cạnh việc hỗ trợ chị em thì mục tiêu mà chúng tôi hướng đến nhiều hơn là tạo ý thức cho chị em, cho cộng đồng trong phân loại rác thải nhựa để tiết kiệm, giảm lượng phát thải ra cộng đồng, làm cho môi trường sống sạch hơn", chị Nguyễn Thùy Linh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận