Mô hình thu gom rác thải nhựa này thuộc chương trình viện trợ phi dự án "Thí điểm cải thiện việc thu gom rác thải nhựa đại dương bằng bẫy rác và thiết lập hệ thống tái chế địa phương tại Cần Thơ", do Tổ chức Recycled Island Foundation - Clear Rivers của Hà Lan tài trợ.
Theo đó, khoản viện trợ của Clear Rivers trị giá 122.000 USD (tương đương 2,86 tỉ đồng) được dùng để triển khai thiết bị vớt rác thụ động, thiết kế một chương trình tái chế với sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Mục tiêu của dự án là tìm ra cách tiếp cận lâu bền và hiệu quả đối với rác thải nhựa, thông qua việc tìm ra cách thức đạt được một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả.
Cách thu hồi rác thải trên sông bằng bẫy rác, đồng thời tái chế có sự tham gia của cộng đồng địa phương, là mô hình được đánh giá phù hợp với vùng đô thị sông nước; góp phần cải thiện hệ thống thu gom và quản lý rác thải nhựa ở Cần Thơ.
Theo đại diện tổ chức Clear Rivers, hệ thống thu gom rác thải trên sông bao gồm một cỗ máy Litter Traps (bẫy bắt rác) vận hành tự động không tốn nhiên liệu, theo cơ chế hút rác trôi nổi trên sông vào túi đựng.
Mỗi tuần nhân viên của Clear Rivers sẽ dọn dẹp bẫy 2 lần, ước tính sẽ thu được khoảng 8 khối chất thải nhựa. Lượng chất thải nhựa này sẽ được tái sử dụng bền vững, theo đúng mô hình kinh tế tuần hoàn. Rác thải nhựa thu gom được tái chế để tạo ra đồ nội thất, vật liệu xây dựng…
Trước đó, Tổ chức Làm sạch biển Hà Lan (The Ocean Cleanup) cũng đã bàn giao cho TP Cần Thơ sà lan thu gom rác tự động trên sông do tổ chức này sáng chế.
Hệ thống làm sạch sông ngòi này vận hành bằng năng lượng mặt trời, là một cỗ máy có thể tự động thu gom rác nổi bề mặt sông, đang triển khai thu gom rác trên sông Cần Thơ. Sà lan dài gần 25m, bề ngang hơn 8m, cao trên 4m, tổng mức đầu tư gần 20 tỉ đồng, trong đó phía Hà Lan tài trợ 14,6 tỉ đồng. Mỗi tháng, sà lan tự động gom hơn 10 tấn rác nổi trên sông Cần Thơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận