17/10/2020 08:18 GMT+7

Miền Trung căng mình đón đợt lũ mới

Q.NAM - B.DŨNG - Đ.NHẠN - P.TUẦN - M.TỰ
Q.NAM - B.DŨNG - Đ.NHẠN - P.TUẦN - M.TỰ

TTO - Chỉ chưa đầy một tuần, vùng hạ lưu các con sông như sông Thu Bồn (Quảng Nam), sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hiếu (Quảng Trị), sông Hương (Huế)... liên tiếp đón nhiều cơn lũ.

Miền Trung căng mình đón đợt lũ mới - Ảnh 1.

Hai thanh niên bị mắc kẹt trên cồn giữa sông Hiếu (Quảng Trị) do nước lũ dâng cao quá nhanh trưa 16-10, Công an huyện Cam Lộ phải huy động canô ra giải cứu - Ảnh: QUỐC NAM

Trong khi đó, cơn áp thấp mới cập bờ gây mưa lớn khiến miền Trung lại căng mình chống chọi với đợt lũ mới.

Đến cuối giờ chiều 16-10, hàng ngàn ngôi nhà tại Quảng Trị lại ngập trong lũ. Những trận lũ liên tiếp làm người dân vùng này kiệt sức.

Quảng Trị: kiệt sức vì lũ

Sau những trận mưa tầm tã suốt từ tối hôm trước, chỉ trong chưa đầy một tiếng buổi trưa 16-10, nước sông Hiếu đã lên hơn 1m, nhanh hơn cả đợt lũ đầu tiên ngày 8-10.

Theo quan sát của Tuổi Trẻ, nước lũ trên sông Hiếu bắt đầu lên nhanh từ khoảng 10h sáng, đến 12h thì vượt bờ tràn vào khu dân cư hai bên sông dọc theo các xã Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy.

15h, hai mẹ con bà Trần Thị Nguyệt (55 tuổi, trú khu phố 7, thị trấn Cam Lộ) hớt hải ôm mớ áo quần dìu nhau qua những đoạn nước chảy xiết để ra đường Hồ Chí Minh.

"Lũ lên nhanh quá, hai mẹ con chỉ kịp chạy, không kịp mang theo đồ đạc, chỉ vớ được mớ áo quần. Chạy cho an toàn đã" - bà Nguyệt nói. Không giấu được vẻ mệt mỏi và đôi mắt hốc hác dưới nón lá và tấm áo mưa, bà Nguyệt nói chỉ trong hơn một tuần đã phải chạy lụt đến ba lần. Mẹ bà đã lớn tuổi, nhà chỉ có hai mẹ con.

Cứ nước lên là bà Nguyệt phải dắt mẹ chạy đi tránh. Hai lần trước, hai mẹ con được dân quân đưa xuồng tới đưa ra nơi an toàn. Lần này nước vô nhà khoảng hơn gang tay, biết lụt sẽ còn lên nhanh nên bà dìu mẹ đi chỗ cao tránh trước. "Hai ngày nước lên rồi xuống, rồi lại lên thì phải kéo nhau chạy. Đúng là không kịp thở" - bà Nguyệt thở dài.

Thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền nằm phía bắc sông Hiếu đến chiều 16-10 đã có hơn 100 nóc nhà bị ngập lũ, đa số ngập sâu hơn 2m. Anh Hồ Ngọc Ân, nhà ở vùng trũng nhất của thôn này, cho biết đã đưa vợ con ra chỗ cao từ trưa.

Hiện nhà anh đã ngập sâu gần 3m. "Lúa mấy tạ bị ngâm nước chưa kịp phơi thì nay lại ướt. Máy móc, xe máy trong nhà lần trước bị ngâm nước hư hết vừa đi sửa xong giờ lại hỏng tiếp. Không biết khi mô mới hết cảnh chạy lũ" - anh mệt mỏi than.

Chiều 16-10, một số đoàn cứu trợ đã liên hệ với UBND xã Cam Thành, huyện Cam Lộ để đưa hàng cứu trợ về cho người dân bị ngập lũ của xã này. Nhưng đến giữa chiều, ông Lê Anh Chương, chủ tịch UBND xã, báo tin khẩn là dân không đi nhận được vì nước lên quá nhanh.

Toàn tỉnh Quảng Trị hai ngày qua đón một đợt mưa lớn khủng khiếp trên diện rộng. Những vùng như huyện Hải Lăng, lượng mưa đo được đến hơn 300mm. Đây là con số kỷ lục ở vùng này trong một ngày đêm. Vùng trũng phía đông của huyện, nước lũ ba đợt trước vừa rút khỏi hiên nhà đã ngập lại sau đợt mưa này.

Anh Lê Văn Tâm (thôn Hưng Nhơn, xã Hải Phong) cho hay lũ vào nhà anh lần thứ tư chỉ trong hơn một tuần. Cả buổi chiều anh phải cặm cụi kê đồ đạc trong nhà lên cao trong khi vừa mới đưa xuống một ngày trước.

"Mới hôm qua nước rút, cả nhà xúm vô dọn dẹp vệ sinh sắp đặt đồ đạc thì nay lũ lại vô. Dọn lần này đã là lần thứ tư rồi. Cứ lũ liên tục như ri thì dân vùng lũ kiệt sức mất" - anh Tâm thở dài.

Mưa lớn liên tục suốt ngày 16-10 cộng với lượng nước các nơi đổ dồn về khiến các vùng trũng ven sông Ô Lâu mực nước dâng lên từ 20-40cm. UBND huyện Hải Lăng kêu gọi người dân chủ động di chuyển đến nơi an toàn, tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm phòng trường hợp nước lũ lên cao.

Trước nguy cơ lũ chồng lũ và rút kinh nghiệm đợt lũ vừa qua, bà con ở huyện Hải Lăng đã chủ động đi mua lương thực dự trữ để chuẩn bị sống chung với lũ đợt mới.

Miền Trung căng mình đón đợt lũ mới - Ảnh 2.

Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Đồ họa: T.ĐẠT

Quảng Nam: loa phóng thanh vang khắp nơi

Tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, từ trưa tới sẩm tối 16-10, những đợt mưa như trút nước tiếp tục đổ xuống. Nước sông Vu Gia, Thu Bồn dâng cao do thủy điện thượng nguồn tăng cường xả đón lũ theo yêu cầu của UBND tỉnh.

Tuyến đường vào các xã như Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Nghĩa... đâu đâu cũng vang lên tiếng loa phát thanh kêu gọi bà con khẩn trương tránh lũ.

Phó chủ tịch UBND xã Đại Lãnh Lương Thị Danh cho biết xã đã có kế hoạch chống lũ của từng thôn với các tình huống từ lũ nhỏ đến lũ lớn.

"Chúng tôi yêu cầu từng hộ dân kiểm kê nhân khẩu, tài sản, gia súc... và đề xuất phương án chạy lũ. Từng thôn cũng bố trí các đội ghe cứu hộ, mỗi nhà dân đều phải buộc ghe bên ngoài theo mực nước nổi, các cửa thoát hiểm cũng phải sẵn sàng. Quan trọng là từng thôn đều có phương án tránh trú khi nước lên cao" - bà Danh nói.

Chiều 16-10, hầu hết nhà cửa, hàng quán ở các xã vùng rốn lũ Đại Lộc đã đóng cửa. Trâu bò, gia súc lớn cũng được người dân đưa lên vùng núi cao, người dân chạy đua gia cố nhà cửa, chằng buộc ghe xuồng để đón đợt lũ mới. Nhiều gia đình chuẩn bị sẵn các gác lửng để đón bà con hàng xóm qua tránh lũ.

hiều hộ đã tự lấy tre đóng các bè mảng, che chắn bên trên để bảo vệ heo, gà, chó... khi nước lũ lên cao. Ông Nguyễn Văn Thước (thôn Hoàng Phước Bắc) cho biết đã dọn dẹp căn gác hai, đem toàn bộ đồ đạc có giá trị lên để đón lũ mới.

Phó chủ tịch huyện Đại Lộc Nguyễn Hữu Vũ nói rằng dự báo năm nay mưa bão khốc liệt nên mỗi đợt đón lũ với bà con đều giống như chuẩn bị cho chiến tranh, yêu cầu được đặt ra là an toàn tuyệt đối cho người, hạn chế tối đa thiệt hại tài sản.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, lúc 15h cùng ngày nhiều thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn tiếp tục xả nước về hạ du. Theo đó, tổng lưu lượng qua tràn và chạy máy của thủy điện A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 về sông Vu Gia là 1.754m3/s, thủy điện Sông Tranh 2 về sông Thu Bồn là 995m3/s.

Dự báo những ngày tới, đỉnh lũ trên các sông Thu Bồn, Tam Kỳ đều ở mức báo động 3, sông Vu Gia trên báo động 3.

Miền Trung căng mình đón đợt lũ mới - Ảnh 3.

Do nhà bị ngập lụt nên bà Hoàng Thị Máng, 83 tuổi, phải dựng một mái lều nhỏ ngay sát mộ của chồng tại nghĩa trang thôn Sơn Tùng, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). Bà Máng hiện đang bị chấn thương ở chân và đã ở nghĩa trang được 5 ngày (ảnh chụp tối 16-10) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Huế: nước vừa rút đã lên lại

Ngày 16-10, tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa rất lớn trên diện rộng. Nước sông Hương, Ô Lâu, sông Bồ lên nhanh trở lại, gây ngập nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã.

Các tuyến tỉnh lộ 11B, quốc lộ 49B qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền ngập sâu. Người dân đổ xô ra chợ, tạp hóa mua lương thực, đèn cầy, nước uống dự trữ.

Từ chiều đến tối, lũ bắt đầu dâng cao ngập nặng, chia cắt các tuyến đường liên thôn, liên xã. Lực lượng công an đã dựng rào chắn phong tỏa các tuyến đường liên xã như Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành (huyện Quảng Điền) và Phong Bình, Phong Chương (huyện Phong Điền)...

Tại huyện Phong Điền, các xã Phong Chương, Phong Hòa, Phong Bình sau 2 ngày nước hạ, bà con trở về dọn nhà thì nước lên nhanh trở lại. Đến tối 16-10 nước sông Ô Lâu tiếp tục lên, lực lượng chức năng tiếp tục di tản người dân lên vùng cao tránh lũ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch UBND huyện A Lưới - cho biết từ lúc 14h ngày 16-10, mưa ở vùng miền núi này đã khá to. Vùng thung lũng A So thuộc xã Đông Sơn đã bị ngập và cô lập trở lại.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết do đã dự báo trước đợt lũ mới này nên ngay khi đợt lũ trước vừa hạ, từ ngày 14-10 các hồ chứa đã chủ động xả dần nước trong hồ để tăng dung tích đón đợt lũ mới.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh xác định mực nước các hồ lúc 18h ngày 15-10 vẫn dưới mức nước dâng bình thường, mực nước các sông mới trên mức báo động 2. Nhưng đến đêm thì mưa lớn nên nước sông tăng trở lại. Chiều

16-10, Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đã có công văn khẩn cho phép học sinh các trường trong tỉnh nghỉ học từ ngày 17-10.

Hơn 1,5 tỉ đồng ủng hộ bà con vùng lũ miền Trung qua ví MoMo

Tính đến 16h ngày 16-10, chương trình "Cùng báo Tuổi Trẻ cứu trợ bà con vùng lũ miền Trung" do báo Tuổi Trẻ và ví điện tử MoMo phối hợp tổ chức từ 16h30 ngày 12-10 đã nhận được hơn 37.440 lượt quyên góp với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.

Báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ khẩn cấp hàng ngàn suất quà gồm gạo, mì gói, sữa, bánh, nước uống... (mỗi suất gồm 200.000 đồng tiền mặt và quà trị giá 200.000 đồng) cho những hộ dân bị cô lập tại vùng lũ các tỉnh miền Trung.

Trong đợt 2, chương trình dự kiến trao học bổng, cấp tạo vốn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, sinh viên, giáo viên... bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ mưa lũ.

CÔNG TRIỆU

Nhiều thủy điện nhỏ ở miền Trung không có khả năng phòng lũ Nhiều thủy điện nhỏ ở miền Trung không có khả năng phòng lũ

TTO - Nhiều hồ thủy điện dung tích nhỏ tại miền Trung không có khả năng phòng lũ, cắt lũ, khi nước về qua các tổ máy phát điện sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du.

Q.NAM - B.DŨNG - Đ.NHẠN - P.TUẦN - M.TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên