24/06/2024 18:37 GMT+7

Mê đồ uống có đường, người Việt nguy cơ mắc hàng loạt bệnh tật

Ước tính trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần, đây là con số rất lớn. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân béo phì, mắc đái tháo đường type 2, tim mạch và hàng loạt bệnh lý khác.

Trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần - Ảnh minh họa: AFP

Trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần - Ảnh minh họa: AFP

Đó là chia sẻ của BS Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại buổi sinh hoạt khoa học về tác hại của đồ uống có đường và các khuyến nghị về chính sách để kiểm soát do Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức ngày 24-6.

Nguy cơ mắc hàng loạt bệnh vì thừa đường

Theo BS Mai, tại Việt Nam tỉ lệ sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh trong 10 năm qua. Ước tính trung bình một người dân Việt tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Đây là con số rất cao.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rằng việc tiêu thụ đường tự do hoặc bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống, nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng, lý tưởng là dưới 5%. Ước tính khoảng 25g mỗi ngày cho một người trưởng thành trung bình.

Theo WHO, một phần 330ml đồ uống có đường thường chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140 kcal năng lượng và rất ít giá trị dinh dưỡng khác.

Trong đó, đồ uống có đường được định nghĩa là "tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép hoa quả dạng lỏng, cô đặc và bột, nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn và sữa có thêm đường".

"Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ thừa cân béo phì, mắc đái tháo đường type 2, rối loạn chuyển hóa, tim mạch, ảnh hưởng đến bệnh lý thận, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, gây sâu răng, gút…

Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp từ 17 nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường cao tăng nguy cơ đái tháo đường type 2 lên 1,51 lần.

Trong đó, nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 3 nghiên cứu thuần tập ở Mỹ với khoảng 200.000 người tham gia trong khoảng 20 năm cho thấy, tăng tiêu thụ đồ uống có đường >177ml/ngày trong 4 năm có liên quan đến nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn 16% trong 4 năm tiếp theo.

Trong khi đó, thay thế 355ml đồ uống có đường hàng ngày bằng đồ uống khác giảm nguy cơ đái tháo đường 2-10%.

Bên cạnh đó, đồ uống có đường có thể liên quan đến 9,3% tỉ lệ mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán. Nghiên cứu ở Mỹ trên 106.000 giáo viên cho thấy tiêu thụ ≥355ml đồ uống có đường/ngày có liên quan đến bệnh tim mạch, tái thông mạch và đột quỵ", BS Nguyệt dẫn chứng.

Mức tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt tăng qua các năm - Ảnh: WHO

Mức tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt tăng qua các năm - Ảnh: WHO

Chính sách giảm thiểu sử dụng đồ uống có đường

Chia sẻ về chính sách trong kiểm soát đồ uống có đường và khuyến nghị, TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế), cho hay hiện Việt Nam còn chưa có những chính sách tác động đến việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

Bà Hạnh kiến nghị cần tập trung nhóm chính sách để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Cụ thể, đồ uống có đường cần áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng thời cần truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân, giáo dục dinh dưỡng bà mẹ và học sinh. Kiểm soát quảng cáo, tiếp thị đến trẻ em (kênh truyền thống và mạng). Giảm tính sẵn có của các sản phẩm không lành mạnh trong trường học, đặc biệt tại thành phố lớn như không bán tại các quầy nước tự động. Có nhãn dinh dưỡng mặt trước sản phẩm.

BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam, cho hay theo thống kê của WHO hiện nay đã có trên 110 quốc gia áp dụng thuế đối với nước ngọt. Trong đó có bằng chứng cho thấy việc tăng thuế để giá tăng 20%, sẽ làm giảm khoảng 20% tiêu thụ nước ngọt. Tuy nhiên với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá.

Ông Lâm dẫn chứng ở Mexico, 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường, các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung.

Hay ở Nam Phi, với mức thuế khoảng 12%, đã dẫn tới giảm tiêu thụ sản phẩm khoảng 15%.

"Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Đồng thời nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.

Bên cạnh đó, nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Quy định dán nhãn mặt trước thể hiện hàm lượng đường. Nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh…", ông Lâm khuyến nghị.

WHO khuyến nghị tăng thuế đối với rượu, bia và đồ uống có đườngWHO khuyến nghị tăng thuế đối với rượu, bia và đồ uống có đường

WHO khuyến nghị các quốc gia cần tăng thuế đối với các loại đồ uống có đường và đồ uống có cồn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên