Sau ATM gạo, ATM oxy, siêu thị 0 đồng... nay cũng đến lúc cần "siêu thị máy tính 0 đồng" hay "ATM máy tính" - Ảnh minh họa: TỰ TRUNG
Không có máy tính, các em không thể lên lớp. Người có điều kiện loay hoay không biết cách nào để mua được máy tính do giãn cách. Người khó khăn thì đành chịu... Cho dù có thể có địa phương lùi năm học mới nhưng dịch còn phức tạp, vì thế chuyện phải sắm máy tính vẫn được nhiều người quan tâm.
Với nhiều gia đình, mua máy tính chẳng khác gì một lúc phải mua vài chiếc xe máy. Như những gia đình có 2 con, bị giảm hay mất thu nhập, trước mắt lo cái ăn, có người thêm tiền trọ, vì thế mua thêm máy tính cho con học nằm ngoài khả năng của họ.
Lường trước khó khăn này, nhiều trường cũng đã chung tay. Như Trường THCS Minh Đức (TP.HCM) qua khảo sát có gần 100 học sinh không có máy để học trực tuyến. Và trường này đã làm "AMT máy tính" bằng cách quyên góp điện thoại, máy tính cũ trao lại cho học sinh.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TP.HCM) cũng làm tương tự.
Năm trước, một trường ở Nghệ An cũng quyên góp máy tính, điện thoại và tặng sim 3G cho học sinh học trực tuyến. Cũng có một số trường cho học sinh mượn máy tính về nhà học.
Nhưng nỗ lực đó chỉ là mưa rào sau khô hạn.
Thực tế, nhiều học sinh vẫn cần máy tính để lên lớp. Vì thế, sau ATM gạo, ATM oxy, siêu thị 0 đồng... nay cũng đến lúc cần "siêu thị máy tính 0 đồng" hay "ATM máy tính". Ai có máy tính cũ không dùng có thể liên hệ trường gần nhất để tặng học sinh khó khăn. Các tổ chức thiện nguyện có thể quyên góp máy tính để tặng học sinh.
Mô hình "máy tính cũ - tri thức mới" do Trường ĐH Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) khởi xướng trước đây cần được nhân rộng. Nhưng lúc này, kết nối giữa người trao và bên nhận cũng cực kỳ nan giải do giãn cách xã hội, trong khi máy móc đâu phải cứ trao là sử dụng được.
Ngay lúc này, tại vùng giãn cách nghiêm ngặt, người có tiền vẫn chưa biết cách nào để mua được máy tính, cài đặt để sử dụng, nói gì đến trao - nhận máy tính cũ. Vì thế, khi mọi người có lòng sẵn sàng tham gia "ATM máy tính", "siêu thị máy tính 0 đồng", trong điều kiện giãn cách vẫn cần chính quyền tạo hành lang cho mô hình này hoạt động để người trao và người nhận máy tính gặp nhau.
Nhưng "ATM máy tính", trao - nhận chỉ là hữu hạn, không thể đáp ứng nhu cầu của nhiều học sinh nghèo. Rất cần sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp.
Nhiều năm trước, xã hội đã nghe nói đến những chương trình máy tính bảng, điện thoại giá rẻ có cấu hình thấp, phù hợp với học trực tuyến cho học sinh sinh viên. Nhưng nay cần thì lại chưa thấy.
Dịch vẫn phức tạp, kể cả khi học sinh được tiêm vắc xin để đến trường vẫn không loại trừ có lúc cần đến máy tính cho học từ xa. Vì thế, nhu cầu có máy tính vẫn rất lớn.
Người khó khăn mong có được ATM máy tính, siêu thị máy tính 0 đồng. Người ít khó khăn hơn, chiếm số đông trong xã hội, vẫn cần những máy tính giá càng rẻ càng tốt. Đây là bài toán khó mà xã hội phải giải quyết trong mùa COVID-19 bên cạnh cái ăn, chống dịch nhưng không thể bỏ qua, bởi nếu không có máy tính thì một bộ phận học sinh không thể lên lớp!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận